Kẻ quay lén Châu Bùi trong nhà vệ sinh bị xử phạt ra sao?

Theo luật sư, việc đặt camera quay lén nghệ sĩ là hành vi vi phạm pháp luật. Mức phạt dành cho đối tượng này từ 5 đến 10 triệu đồng.

Châu Bùi trở thành nạn nhân bị quay lén trong nhà vệ sinh nữ khi đang thử đồ tại studio ở TP.HCM. Đối tượng quay lén lại chính là một thành viên trong đội sản xuất. Người này sử dụng đồng hồ giả camera, phủ tấm vải trắng phía trên và đặt lén trong nhà vệ sinh nữ. May mắn cho Châu Bùi là cô phát hiện kịp thời, đối chất với đối tượng và sau đó trình báo lên cơ quan chức năng. Hiện công an quận 3 (TP.HCM) đã tiếp nhận vụ việc và xử lý theo quy định pháp luật.

“Khi thấy những hình ảnh nhạy cảm của cơ thể mình trong lúc thay đồ được ghi lại rõ nét, tôi thật sự bàng hoàng không nói nên lời. Đến giờ mình vẫn không thể tưởng tượng nếu không phát hiện kịp thời thì những hình ảnh này sẽ bị sử dụng thế nào. Tôi sẽ đối mặt với chuyện đó ra sao, hậu quả sẽ đến đâu”, Châu Bùi chia sẻ sau vụ việc.

Đối tượng quay lén Châu Bùi đối diện mức phạt nào?

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết việc đặt camera quay lén trong nhà vệ sinh nữ là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 thì người có hành vi tự ý chụp ảnh, quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác gây ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự thì được coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020, mức phạt cho tổ chức có hành vi tự ý chụp, đăng ảnh người khác lên mạng xã hội mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

chau bui,  chau bui quay len,  quay len chau bui,  hinh phat quay len anh 1

Châu Bùi sốc khi bị quay lén trong nhà vệ sinh nữ. Ảnh: @chaubui.

Đối với cá nhân nếu có hành vi vi phạm, mức phạt sẽ bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020), tương đương mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Đồng thời, Bộ luật Dân sự 2015 quy định uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ.

“Nếu cá nhân bị lộ hình ảnh, thông tin ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm hoặc thiệt hại khác thì có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên Tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường”, luật sư nói.

Trường hợp người quay lén tung những hình ảnh “nhạy cảm” của các nghệ sĩ lên mạng xã hội, tùy vào bối cảnh mà có thể bị xử lý hình sự về tội “làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Theo luật sư, đối tượng thực hiện hành vi quay lén ngày càng tinh vi với các thiết bị có hình dạng, chức năng khác nhau và khó phát hiện bằng mắt thường. Vì thế, các nghệ sĩ nữ phải nâng cao cảnh giác, cẩn trọng trong mọi tình huống, nơi xuất hiện. Khi phát hiện sự việc, người nổi tiếng phải lên tiếng tố giác mạnh mẽ và can thiệp pháp luật để trừng trị những kẻ có hành vi xấu xa.

Bản án ở quốc tế

Tại Trung Quốc, vấn nạn quay lén trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nghệ sĩ. Những cái tên như Angelababy, Dương Mịch, Chung Hân Đồng, Ôn Nhã, Trương Bá Chi, Chương Tiểu Huệ, Hồ Tịnh… từng là nạn nhân của camera ẩn. Họ trải qua quãng thời gian đầy ám ảnh khi bị “hung thần” quay lén, chụp trộm những khoảnh khắc nhạy cảm và phát tán trên mạng xã hội.

Các đối tượng quay lén ngày càng tinh vi và sử dụng những thiết bị mà mắt thường không thể phát hiện. Họ có thể trà trộn vào phim trường để lắp camera gián điệp hoặc có hành vi tương tự tại các nhà vệ sinh nữ. Những kẻ này sau đó đưa các bức ảnh hoặc video quay lén rao bán trên mạng, tống tiến nghệ sĩ.

Khi xảy ra sự việc, nhiều ngôi sao phải oằn mình chống chọi. Một số nghệ sĩ ngay lập tức động thái quyết liệt là đi đến tận cùng sự việc, can thiệp pháp luật, đưa những kẻ xấu ra ánh sáng. Các công ty quản lý, phim trường cấp thiết tăng cường các biện pháp để bảo vệ nghệ sĩ, tránh khỏi các sự cố nghiêm trọng.

Các chuyên gia ngành giải trí Hoa ngữ cho rằng hành vi quay lén sao nữ là xấu xa, cần phải trả giá. Các nữ nghệ sĩ khi trở thành nạn nhân, tuyệt đối không được im lặng, phải lên tiếng, sử dụng tiếng nói của mình để ngăn chặn hành vi quay chụp trộm.

“Quan trọng hơn cả, các ngôi sao phải biết tự bảo vệ mình, trước khi được người khác bảo vệ. Bởi nếu không họ sẽ là nạn nhân của những kẻ có dã tâm xấu xa”, theo Tân Hoa Xã.

Tương tự, showbiz Hàn Quốc nhiều năm qua dậy sóng với hàng loạt vụ việc nghệ sĩ nữ trở thành nạn nhân của các đối tượng quay lén. Những kẻ thủ ác lại chính là nhân viên trong đoàn phim, người thân cận, đồng nghiệp, hay fan cuồng. Thủ đoạn của các đối tượng thường là sử dụng máy quay nhỏ như con chíp điện tử và giấu trong ổ điện, máy làm khô tay, phía trong bồn cầu ở nhà vệ sinh công cộng hoặc dưới gầm bàn trong quán cà phê. Các camera ẩn này có thể lắp đặt ở mọi nơi và rất khó để nhận ra.

Thuật ngữ molka (hình ảnh quay lén) trở thành cụm từ ám ảnh, nhức nhối không chỉ trong showbiz mà còn là lan rộng toàn xã hội.

Hơn thập kỷ qua, Chính phủ, cơ quan ban ngành nước này nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp, nâng cao hình phạt nhằm giải quyết triệt để vấn nạn nói trên. Năm 2018, hơn 10.000 phụ nữ Hàn Quốc tham gia một cuộc biểu tình ở Seoul với khẩu hiệu: “My Life Is Not Your Porn” (Cuộc đời tôi không phải phim khiêu dâm của bạn)”. Một số phụ nữ cạo đầu để thể hiện sự quyết tâm và tức giận. Họ yêu cầu chính phủ hành động để bảo vệ họ và yêu cầu các hình phạt nghiêm khắc hơn cho những người quay chụp, chia sẻ và xem hình ảnh trái phép.

Sau cuộc biểu tình, Chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng ngừa và hình phạt để giải quyết tội phạm tình dục kỹ thuật số. Tháng 9/2019, các quan chức chính phủ thông báo cử 8.000 nhân viên kiểm tra từng phòng trong số 20.554 phòng vệ sinh công cộng của thành phố.

Những người phạm tội quay, chụp lén và phát tán hình ảnh trái phép phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 30 triệu won và án tù có thể kéo dài 5 năm. Những kẻ cố tình phát tán video quay lén phải đối mặt với mức án lên đến 7 năm tù, theo Guardian.

Soo Jung Lee, giáo sư tâm lý học pháp y tại Đại học Kyonggi có trụ sở tại Seoul nhận định: “Các hình phạt đã nghiêm khắc hơn đối với những kẻ phạm tội tình dục kỹ thuật số. Nhưng vấn đề cơ bản là những người xem đoạn phim trái phép không bị trừng phạt. Việc mở rộng quyền của phụ nữ, cũng như thay đổi cách nhìn nhận của xã hội là những gì chúng ta cần giải quyết”.


Cùng chuyên mục