Các phiên đấu giá túi xách đang trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn. Ảnh minh họa: @virginia_konopka. |
Christie’s và Sotheby’s, hai “ông lớn” vốn quen thuộc với những phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật triệu USD của Picasso hay Warhol, giờ đây đang mở rộng danh mục kinh doanh, trở thành điểm đến hấp dẫn cho những tín đồ thời trang săn lùng túi xách hàng hiệu với mức giá phải chăng.
Thị trường túi xách xa xỉ đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ trong thập kỷ qua, đặc biệt là nhu cầu đối với những chiếc Birkin biểu tượng của Hermès hay túi flap kinh điển của Chanel.
Tuy nhiên, giá túi xách trên thị trường sơ cấp đang tăng chóng mặt, cùng với đó là nạn hàng giả tràn lan trên các trang web bán lại, khiến người tiêu dùng lo ngại, dù có đủ khả năng chi trả.
Trong bối cảnh đó, các nhà đấu giá uy tín, vốn nổi tiếng với các phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ giá trị, trở thành điểm đến tin cậy của nhiều khách hàng tìm kiếm những món hời trong thị trường túi xách xa xỉ, theo The Wall Street Journal.
‘Thiên đường’ đấu giá túi xách giá phải chăng
“Chúng tôi không chỉ phục vụ những nhà sưu tập sành sỏi, mà còn chào đón mọi người với những chiếc túi có giá khởi điểm chỉ từ 100 USD“, Rachel Koffsky, Trưởng bộ phận túi xách và phụ kiện quốc tế tại Christie’s, chia sẻ.
Trước mỗi phiên đấu giá, Koffsky cùng đội ngũ của mình tỉ mỉ thẩm định và đánh giá từng chiếc túi trên thang điểm từ 1 đến 6. Ngay cả những vết xước nhỏ trên da hay dấu hiệu hao mòn bên trong túi, dù chỉ nhìn thấy dưới ánh đèn đen, cũng có thể khiến một chiếc túi hoàn hảo bị hạ xuống còn 1,5 điểm.
Theo Koffsky, mạng xã hội đã góp phần quan trọng vào việc mở rộng đáng kể cơ sở khách hàng của Christie’s. Khi túi xách xa xỉ không chỉ là món phụ kiện thời trang mà còn được xem như một kênh đầu tư tiềm năng, giới trẻ ngày càng quan tâm đến việc sở hữu chúng.
Nhiều người còn coi Birkin là khoản đầu tư hấp dẫn hơn cả vàng. Ảnh minh họa: @virginia_konopka. |
“Chúng tôi có các nhà sưu tập ở mọi lứa tuổi và mức giá. Trong 5 năm qua, tỷ lệ người mua thuộc thế hệ millennials đã tăng từ 29% lên 42%, với Gen Z, con số này tăng gấp đôi, từ 1,5% lên 3%”, Koffsky nói.
Koffsky chia sẻ thêm rằng 10 năm trước, khi mới bắt đầu công việc tại Christie’s, bà phải dành nhiều thời gian giải thích cho khách hàng về các dòng túi kinh điển như Birkin hay Kelly.
Nhưng ngày nay, khách hàng đã am hiểu hơn rất nhiều, thậm chí có thể sử dụng thành thạo các thuật ngữ chuyên môn của Hermès, như khi họ yêu cầu một chiếc “Kelly Danse màu hoa đỗ quyên hồng”.
Dòng túi Himalayan của Hermès luôn là “ngôi sao” trong các phiên đấu giá, liên tục thiết lập những kỷ lục mới về giá.
Tháng 11/2020, một chiếc Himalayan Kelly 25, mẫu túi xách tay làm từ da cá sấu với màu sắc tựa như đỉnh núi phủ tuyết, đã trở thành chiếc túi xách đắt nhất từng được bán đấu giá, đạt mức 3.375.000 HKD (khoảng 430.000 USD) tại Christie’s.
Kỷ lục này đã bị phá vỡ vào tháng 11/2021 khi một chiếc Himalayan Kelly 28 khác đã được Christie’s bán với giá 4.000.000 HKD (khoảng 510.000 USD).
Lưu ý khi ‘săn’ túi tại các phiên đấu
Nhưng mua một chiếc túi trên thị trường sơ cấp không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Vào tháng 3, Hermès vướng vào một vụ kiện tại California (Mỹ) với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền. “Ông lớn” ngành thời trang bị tố cáo đã áp đặt điều kiện mua hàng, yêu cầu khách hàng phải mua các sản phẩm khác trước khi có cơ hội sở hữu một chiếc Birkin. Những chiếc túi “kém may mắn” này được cộng đồng sưu tầm túi xách trực tuyến gọi là “non-quota bags” (tạm dịch: “túi không hạn ngạch”).
Chanel cũng bị chỉ trích vì tăng giá. Tháng 3, giá của một chiếc túi flap Chanel Classic cỡ vừa đã tăng lên 10.800 USD, so với 4.900 USD vào năm 2016. Trong một phiên đấu giá gần đây của Christie’s, một chiếc túi flap accordion lớn từ bộ sưu tập Cruise 2015 đã được bán với giá 1.638 USD.
Những chiếc túi phổ biến nhất là Birkin và Kelly của Hermès và túi flap của Chanel. Ảnh minh họa: @rattilovesseoul. |
Nếu trước đây, đấu giá túi xách chỉ dành cho giới thượng lưu, thì nay nó đã trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn rất nhiều. Giống như một hình thức mua sắm trực tuyến, đấu giá túi xách mở ra cơ hội sở hữu những món đồ hiệu với mức giá hời mà không phải ai cũng biết”, Monika Arora, người sáng lập trang web PurseBop, cho biết.
Tuy nhiên, “món hời” là một thuật ngữ tương đối.
Kirsty Merrett, một nhà sưu tập túi xách kỳ cựu đến từ Anh, từng tìm thấy những chiếc túi đeo vai Chanel với giá 1.000 GBP (khoảng 1.270 USD) và một chiếc ví Fendi chỉ với 150 GBP (khoảng 190 USD) tại các phiên đấu giá.
Dù vậy, người mua cần lưu ý rằng các nhà đấu giá thường thu phí hoa hồng từ 20% đến 30%, cộng thêm thuế và phí vận chuyển. Điều này có nghĩa một chiếc túi được bán với giá 1.000 USD tại phiên đấu giá thực tế sẽ có giá lên tới 1.200 USD sau khi cộng thêm phí hoa hồng 20%.
Tuy nhiên, đối với nhiều người, sự an tâm về chất lượng và tính xác thực là điều quan trọng hơn cả.
“Các nhà đấu giá này có tên tuổi uy tín, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Giá cả cũng không quá cao, ngay cả những người không đủ khả năng mua hàng mới cũng có thể tiếp cận với thị trường hàng hiệu xa xỉ thông qua hình thức này”, Gina Miller (Texas, Mỹ), một khách hàng thường xuyên mua sắm tại các nhà đấu giá, chia sẻ.
Các nhà đấu giá uy tín trở thành “cứu cánh” cho những ai mong muốn sở hữu một chiếc túi hàng hiệu với mức giá phải chăng. Ảnh minh họa: @rattilovesseoul. |