Lá cờ Thế vận hội trong tay ngôi sao Hollywood, hứa hẹn một mùa Olympic đáng mong chờ. Ảnh: Rappler. |
Lễ khai mạc Olympic Paris bị đánh giá là “lễ khai mạc tệ nhất từ trước đến nay”. Nguyên nhân dẫn đến lời nhận xét này là màn trình diễn nhạo báng kiệt tác The Last Supper (Bữa tối Cuối cùng) của danh họa Leonardo da Vinci khiến khán giả toàn cầu phẫn nộ.
Buổi lễ bế mạc kết thúc kỳ Thế vận hội do Pháp đăng cai cũng nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Giữa khung cảnh hỗn loạn, màn chuyển giao lá cờ Olympic của ngôi sao Hollywood Tom Cruise là điểm sáng duy nhất trong chương trình, theo SCMP.
Tiết mục khó hiểu tại lễ bế mạc Thế vận hội Olympic bị chỉ trích, khiến khán giả hoang mang về ý đồ, thông điệp muốn truyền tải của ban tổ chức. Ảnh: Olympics. |
Trang phục màu xám gợi liên tưởng đến lễ tang
Tiết mục bị chỉ trích nhiều nhất trong lễ bế mạc là màn trình diễn của các nghệ sĩ nhào lộn mặc trang phục màu xám. Khán giả cho rằng những bộ cánh được làm từ dải vải quấn kín người này tạo ra quang cảnh tang lễ, không phù hợp với sự kiện bế mạc Olympic.
Chương trình cũng mất đi sự hấp dẫn khi nhạc disco phát ra từ loa phóng thanh. Thay vì chứng kiến những màn biểu diễn sống động trên sân khấu, khán giả phải hát karaoke theo điệu nhạc thu trước trong lúc ban tổ chức bố trí chỗ ngồi xung quanh sân vận động cho khoảng 9.000 vận động viên và cán bộ.
Thời lượng hơn 3 tiếng cũng bị nhận xét là quá dài, thể hiện sự tham lam của nước chủ nhà. “Paris chưa muốn chia tay Olympic”, một khán giả để lại bình luận trên mạng xã hội.
Trong khi lễ khai mạc bị đánh giá là thiếu tính thể thao khi dành phần lớn thời lượng cho các tiết mục biểu diễn, sự kiện bế mạc cũng lặp lại kịch bản này.
Thậm chí, lực lượng vận động viên tham gia bữa tiệc chia tay còn không đông đủ. Nhiều người đã trở về quê hương sau khi hoàn thành chương trình thi đấu tại Paris.
Màn chuyển giao lá cờ Thế vận hội của tài tử Mỹ Tom Cruise là điểm sáng hiếm hoi của chương trình, mở cánh cửa đến với Olympic Los Angeles trong 4 năm tới. Ảnh: Olympics. |
Tom Cruise là điểm sáng duy nhất
Từ khi xuất hiện trên khán đài theo dõi các trận tranh tài thuộc khuôn khổ Olympic, Tom Cruise đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của công chúng.
Tài tử Hollywood góp mặt ở lễ bế mạc với vai trò người chuyển giao lá cờ Olympic đến Los Angeles (Mỹ) – nơi đăng cai Thế vận hội vào năm 2028.
Anh treo lơ lửng trên không trung, lấy cờ từ mái nhà sân vận động và mang đi bằng motor. Hình ảnh lá cờ được vận chuyển đến Mỹ sau đó xuất hiện trên màn chiếu.
Quốc ca Mỹ cũng vang lên, được thể hiện bởi giọng hát của nghệ sĩ H.E.R, mở ra một mùa Thế vận hội đầy hứa hẹn trong 4 năm tới.
Thị trưởng thành phố Los Angeles Karen Bass trở thành nữ thị trưởng da màu đầu tiên nhận cờ trong lễ bế mạc Olympic. Lá cờ bay phấp phới trong tay bà thể hiện sự đa dạng, tôn vinh tinh thần bình đẳng của thể thao.
Trong khi đó, vấn đề bình đẳng giới tại Olympic Paris vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Hashtag #GenderEqualOlympics mà Ủy ban Olympic Quốc tế đề ra vẫn còn xa vời. Võ sĩ Imane Khelif bị lăng mạ về giới tính, hay tranh cãi xung quanh quyết định không mặc bikini của VĐV bóng chuyền bãi biển làm gia tăng sự bất bình đẳng giới tại Thế vận hội Paris.
Rapper Snoop Dogg khép lại lễ bế mạc với ca khúc Let it Roll, đưa sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh từ kinh đô ánh sáng Paris đến với “thành phố của những thiên thần” Los Angeles.