Năm 2025 mới chỉ bước sang quý đầu tiên, nhưng lĩnh vực livestream bán hàng đã chứng kiến hàng loạt biến động. Từ Phạm Thoại vướng thị phi sao kê, Quang Linh Vlogs – Hằng Du Mục – Thuỳ Tiên với ồn ào kẹo rau, đến Võ Hà Linh bị tố bán hàng giả và phá giá, tất cả đã tạo nên một cơn bão tranh cãi.

Không chỉ là những sai lầm về kỹ năng hay hiểu biết sản phẩm, mà chính lòng tham doanh thu đã đẩy nhiều KOL/KOC vào vòng xoáy khủng hoảng. Họ từng ở đỉnh cao sự nghiệp, nhưng chỉ sau vài giờ livestream, niềm tin của công chúng đã tan biến, thậm chí sự nghiệp cả đời cũng chao đảo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử – đã thẳng thắn chỉ ra: “Người nổi tiếng quảng cáo mà không hiểu sản phẩm, thậm chí còn thổi phồng công dụng, lừa dối người tiêu dùng. Đó là mặt trái đáng buồn của nghề này.”

Vụ kẹo rau KERA là minh chứng rõ nhất. Một phát ngôn “một viên kẹo bằng một đĩa rau” đã khiến cả nhãn hàng và KOL liên quan chịu hậu quả nặng nề. Không chỉ bị phạt hành chính, họ còn mất niềm tin từ công chúng, và con đường quay lại gần như bế tắc.

Trước tình hình này, cơ quan chức năng đang ráo riết bổ sung quy định về trách nhiệm của người nổi tiếng khi quảng cáo. Những ai vi phạm có thể phải đối mặt với hình phạt nặng, thậm chí “phong sát” như một số quốc gia đã áp dụng.
Ông Trương Gia Bảo – Chủ tịch Liên Chi hội Quảng cáo & Nội dung số Việt Nam – cũng nhấn mạnh: “KOL/KOC cần đầu tư kiến thức để tránh những sai lầm đắt giá. Một câu nói sai có thể phá hủy sự nghiệp cả đời.”

Bài học từ năm 2025 là một lời cảnh tỉnh: Trong thời đại số, uy tín và trách nhiệm mới là thứ giữ chân người theo dõi, chứ không phải những lời quảng cáo hoa mỹ nhưng thiếu căn cứ.