Tháng 7, Minh Phát (sinh năm 2006, quận 6, TP.HCM) may mắn trúng một art toy (đồ chơi nghệ thuật) Labubu khi tham gia một phiên livestream raffle trên TikTok.
“Lúc đầu, tôi còn không biết raffle là gì”, chàng trai chia sẻ. Nhưng vì tò mò, anh quyết định thử vận may trong một buổi livestream TikTok. Giống như gần 20 người chơi còn lại, anh chi 55.000 đồng để mua một “vé” để tham gia. Bất ngờ thay, anh trúng ngay giải “hoa hậu”, cách gọi vui mà các tín đồ raffle dành cho người chiến thắng, ngay trong lần chơi đầu tiên.
“Raffle” là một từ tiếng Anh, tức trò chơi bốc thăm trúng thưởng. Đây là một hình thức giải trí hoặc gây quỹ phổ biến, trong đó người tham gia sẽ mua vé và ban tổ chức sẽ bốc thăm ngẫu nhiên để tìm ra người may mắn nhận giải thưởng.
Theo ghi nhận của Tri Thức – Znews, trào lưu raffle Labubu lan rộng trên các nền tảng mạng xã hội ngay sau khi món đồ chơi nghệ thuật của Pop Mart được Lisa (BlackPink) lăng xê và trở thành hiện tượng cuối năm ngoái.
Raffle thu hút người chơi nhờ cơ hội sở hữu Labubu với giá rẻ hơn nhiều so với giá gốc. Ảnh minh họa: @matrdelaine. |
Nhiều tài khoản tổ chức các phiên livestream “quay xổ số” với giá vé đa dạng, từ vài chục nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng, tùy thuộc vào số lượng vé và loại gấu Labubu.
Sức hút của các phiên raffle đến từ xác suất trúng thưởng cao, thường là 1/10 hoặc 1/20. Hơn nữa, giá vé chơi raffle rẻ hơn nhiều so với giá mua Labubu, thu hút đông đảo tín đồ art toy tham gia. Mỗi phiên livestream như vậy có thể thu hút đến hàng nghìn người xem.
Hiện trào lưu này đã giảm nhiệt đáng kể khi TikTok siết chặt chính sách livestream dưới hình thức liên quan đến cá độ, cờ bạc. Một số người tổ chức raffle buộc phải tìm cách “lách luật” để tiếp tục hoạt động, trong khi một số khác chuyển sang các nền tảng khác, nhưng không còn duy trì được sức hút như trước.
Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng việc bán thú nhồi bông Labubu hay bất kỳ sản phẩm nào với hình thức như trên có thể có dấu hiệu của hành vi đánh bạc, theo thông tin từ công an TP.HCM trong buổi họp báo về tình hình kinh tế – xã hội ngày 30/8.
Bên trong buổi quay “xổ số Labubu”
Labubu là một nhân vật trong Vương quốc Quái vật, được thực hiện bởi nghệ sĩ Hong Kong Kasing Lung từ năm 2015, lấy cảm hứng từ thần thoại Bắc Âu.
Sau nhiều lần thay đổi thiết kế, chú thỏ răng nhọn này có tạo hình bầu bĩnh đáng yêu như hiện tại, phù hợp với xu hướng diện trang phục, đeo phụ kiện dễ thương thịnh hành từ mùa mốt năm ngoái. Đến nay, hơn 10 bộ sưu tập Labubu được phát hành.
Dù thích món đồ chơi nghệ thuật này, Minh Phát không muốn chi vài triệu đồng cho Labubu. Từ chỗ 380.000 đồng/con, sản phẩm hiện bị đẩy giá gấp đôi, gấp ba trên thị trường thứ cấp sau khi trở thành món phụ kiện gây sốt.
Lúc này, những cuộc raffle mở ra cơ hội sở hữu Labubu với mức giá hấp dẫn hơn nhiều. Tùy theo quy định của người tổ chức, mỗi lượt raffle có số lượng suất chơi nhất định, thường từ 10-20 suất, tương ứng với số lượt quay số may mắn. Ai muốn tham dự sẽ phải mua 1 suất với giá vé do người tổ chức đưa ra và chuyển tiền vào tài khoản của họ. Người may mắn trúng số ở vòng quay cuối sẽ nhận được Labubu.
Khi được hỏi về rủi ro nhận phần thưởng là “hàng giả”, Minh Phát không mấy lo lắng.
“Giả sử có trúng hàng giả, tôi vẫn thấy mình lãi, vì 1 vé chơi chỉ 55.000 đồng, trong khi hàng nhái trên thị trường đang bán với giá từ 350.000 đồng/sản phẩm”, anh chia sẻ.
Minh Phát trúng “hộp mù” Labubu trong lần chơi raffle đầu tiên. Ảnh: NVCC. |
Bên cạnh đó, Minh Phát nhận định rằng không phải ai tham gia cũng vì đam mê sưu tầm, mà còn để bán lại kiếm lời. Một số khác chọn chơi raffle bởi “cảm giác chiến thắng”.
Mâu (sinh năm 1995, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng có chung nhận định. Trước khi tham gia một cuộc quay xổ số trực tiếp trong tháng 7 để tìm cơ may trúng “hộp mù” (blindbox) Labubu V2, phiên bản nâng cấp của Labubu ban đầu, với giá vé 65.000 đồng, cô từng xem các cuộc livestream tương tự và theo dõi những bài đăng liên quan trò chơi này trên mạng xã hội. Cô nhận thấy một số người chơi không vì niềm yêu thích art toy này, mà bởi niềm vui “cá cược”, dẫn đến việc mất nhiều tiền.
Trá hình “lớp học”
Không chỉ người mua, cơn sốt raffle Labubu còn thu hút cả những người tổ chức như Nhật Thư (sinh năm 1998, quận 4, TP.HCM), chủ một shop đồ chơi nghệ thuật online. Cô săn sản phẩm giá tốt trong các hội nhóm và trên sàn thương mại điện tử, sau đó tổ chức quay số trúng Labubu trên TikTok.
Nhật Thư ưu tiên các phiên bản Labubu V2 mới ra mắt, được ưa chuộng hơn. Sản phẩm này có giá mua khoảng 500.000-600.000 đồng.
Ở mỗi phiên livestream raffle, cô giới hạn 15 người tham gia, với giá vé 69.000 đồng để tranh một sản phẩm Labubu. Kết phiên, cô có thể thu về khoảng 500.000 đồng, lợi nhuận gấp đôi vốn ban đầu.
Với các dòng Labubu cỡ lớn và hiếm hơn, có mức giá 2-5 triệu đồng, chủ shop tổ chức raffle với vé giá cao hơn, từ 100.000 đến hơn 300.000 đồng. Giá vé càng cao, cuộc chơi càng kén người hơn nên Nhật Thư vẫn ưu tiên các sản phẩm kích cỡ bình thường.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 8, Nhật Thư chọn dừng livestream trên TikTok do nền tảng này thắt chặt quản lý các hình thức cá độ, cờ bạc.
Theo trang Tiêu chuẩn Cộng đồng TikTok, được cập nhật lần cuối vào ngày 17/5, nội dung không đủ điều kiện xuất hiện trên trang “Dành cho bạn” bao gồm cả các hoạt động giống như đánh bạc, nghĩa là các hoạt động không đến mức đánh bạc, nhưng tương tự về hành vi và mang những rủi ro tương tự.
Dù vậy, cô cho biết nhiều “quản trò” khác vẫn tìm cách “lách” vi phạm chính sách.
Mỗi phiên livestream kéo dài 2 tiếng, Phan Nhi có thể thu về khoảng 2-4 triệu đồng. Ảnh: NVCC. |
Một cách livestream phổ biến hiện nay là mô hình “Lớp học raffle”, trong đó “sĩ số” lớp học tương đương với số người tham gia, và những người chuyển khoản cho quản trò mua vé sẽ được gọi là “học sinh”.
“Ví dụ, khi ‘giáo viên’ hô to ‘học sinh Nhật Thư đã vào chỗ’, tức là người tham gia tên Nhật Thư đã chuyển khoản mua vé raffle thành công”, Nhật Thư giải thích.
Về phần mình, chủ shop quyết định chuyển hướng sang bán Labubu trong các hội nhóm mua bán do lượng người livestream raffle ngày càng đông, trò chơi trở nên bão hòa và khó thu hút người xem.
“Vì tôi mua được giá tốt nên việc bán lại cũng không khó. Tuy không lời nhiều như tổ chức raffle, tôi cũng không bị lỗ”, cô chia sẻ.
Phan Nhi (sinh năm 2001, huyện Nhà Bè, TP.HCM) cũng tận dụng cơn sốt Labubu để kinh doanh. Với niềm đam mê dành cho món đồ chơi, cô nhận thấy tiềm năng kiếm lời từ trào lưu này và quyết định tổ chức raffle trên TikTok vào tháng 6 cùng chị gái.
“Lớp học” của Nhi thường có sĩ số 10 hoặc 20, với giá vé 39.000-70.000 đồng cho một “chỗ ngồi”. Mỗi phiên livestream kéo dài 2-3 tiếng, Nhi sẽ quay xổ số khoảng 6-8 sản phẩm.
“Chi phí tổ chức gần như không có, tôi chỉ mất tiền vốn nhập sản phẩm”, cô cho biết. Phan Nhi không có ý định bán lẻ, chỉ nhập hàng về để quay trúng thưởng. Thời gian đầu, mỗi phiên livestream có thể mang về 300.000-500.000 đồng/sản phẩm.
Tuy nhiên, Phan Nhi gặp khó khăn khi TikTok siết chặt quản lý các phiên livestream raffle. Cô chuyển sang Facebook, nhưng chỉ định livestream đến khi hết hàng, không còn mặn mà như trước.
“Raffle là trò may rủi, chỉ ‘hot’ được một thời gian ngắn”, Nhi nhận định.
Raffle được coi là trào lưu ngắn hạn, không bền vững. Ảnh minh họa: @kyduyen1311. |
Gần đây, đại diện Công an TP.HCM đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn từ hình thức huy động tiền và bốc thăm có thưởng, đặc biệt là trong bối cảnh trào lưu raffle Labubu đang nở rộ.
“Việc bán thú nhồi bông Labubu hay bất kỳ sản phẩm nào với hình thức như trên có thể có dấu hiệu của hành vi đánh bạc”, thượng tá Nguyễn Thăng Long, phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM, nhấn mạnh.
Ông Long cũng cho biết, các hoạt động huy động tiền và bốc thăm có thưởng cần phải được cơ quan chức năng phê duyệt và tuân thủ các quy định, điều lệ chặt chẽ.
Ngoài việc theo dõi và xử lý các hoạt động vi phạm, Công an TP.HCM cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các trò chơi rút thăm trúng thưởng hoặc các hình thức trò chơi trúng thưởng khác trên mạng. Người dân có thể trở thành nạn nhân của những hình thức lừa đảo như mua hàng nhái, bị lừa cọc, hoặc thậm chí không nhận được sản phẩm sau khi trúng thưởng.