Lý do ‘Inside Out 2’ lấy nước mắt hàng triệu khán giả toàn cầu

“Inside Out 2” nhận được rất nhiều lời tán dương bởi thông điệp sâu sắc, tinh tế. Phim nhấn mạnh tầm quan trọng của mọi cảm xúc và mọi ký ức trong quá trình trưởng thành của con người.

Năm 2015, bộ phim hoạt hình Inside Out của nhà Pixar được ra mắt và nhanh chóng trở thành một trong những thế giới giả tưởng được yêu thích nhất màn ảnh.

Mất tới 9 năm để Những mảnh ghép cảm xúc trở lại màn bạc. Song, sự chờ đợi của khán giả dường như đã được đền đáp xứng đáng. Với chất lượng vượt trội, Inside Out 2 chỉ cần 19 ngày để chạm tới cột mốc tỷ USD và cũng là tác phẩm hoạt hình nhanh nhất đạt được thành tích này.

Nếu như trong phần một, Inside Out hướng đến thông điệp chấp nhận nỗi buồn, rằng đó cũng là một thứ cảm xúc đáng giá thì ở phần hai, tác phẩm tập trung vào những khủng hoảng ở tuổi dậy thì và đề cao thông điệp chấp nhận bản thân, dù ở những góc độ chúng ta không hoàn hảo nhất.

Thấu hiểu khó khăn của tuổi dậy thì

Khoảng thời gian từ phần một đến phần hai trong phim là 2 năm. Cô bé Riley giờ đây đã sang tuổi 13, chuẩn bị bước vào giai đoạn dậy thì và sắp chuyển sang một ngôi trường mới.

Theo nhà tâm lý học Erik Erikson, trong giai đoạn dậy thì (adolescence), khoảng chuyển giao từ thơ ấu sang trưởng thành là thời điểm quan trọng nhất. Lúc này, những đứa trẻ sẽ có rất nhiều thay đổi về sinh lý, tâm lý, cảm xúc lẫn các tương quan xã hội.

Và trong Inside Out 2, những chuyển biến này đã hiện lên một cách tinh tế, với đầy sự cảm thông và thấu hiểu. Ở tuổi 13, Riley đôi khi có các hành động thô lỗ, song chúng đều được tác phẩm mô tả một cách dí dỏm, phần nào giúp người xem cảm thông cho cái cắc cớ của tuổi dậy thì. Mặt khác, qua Riley, những người trưởng thành cũng được sống lại tuổi thiếu niên, một giai đoạn đáng nhớ song cũng không mấy dễ dàng.

Tiếp đó, Riley cũng bước vào một môi trường hoàn toàn mới lạ. Ở đây, chẳng còn ai biết cô bé yêu hay ghét thứ gì, từng tốt bụng ra sao, và cũng ở đây, Riley tin rằng, mình cần chứng minh bản thân để được chấp nhận.

Quá nhiều sự thay đổi trong thời gian ngắn đòi hỏi Riley phải có thêm những cảm xúc mới – tinh tế hơn. Cô bé cần Xấu Hổ để ngưng lại những hành vi quá trớn, cần Tự Ti để quan sát người khác, cần Nhàm Chán để nhận ra điều gì phù hợp với mình, và quan trọng nhất, cần Lo Âu để bảo vệ bản thân trước những điều chưa xảy ra.

giai tri anh 1

Những cảm xúc cũ và mới của Riley xung đột với nhau.

Song, việc để những cảm xúc đó phối hợp ăn ý với nhau là điều không hề đơn giản. Sự va chạm của những cảm xúc cũ – mới khiến Riley dần chìm trong mớ hỗn độn mà cô bé chưa thể gọi tên. Và Lo Âu – thứ cảm xúc năng nổ và có vẻ được việc nhất đã giành quyền chi phối mọi thứ.

Giống như những cảm xúc khác, Lo Âu cũng muốn bảo vệ Riley. Song cách thức nó thực hiện lại có phần cực đoan và thái quá.

Với niềm tin chỉ mình mới có thể chăm lo cho cô bé, Lo Âu đẩy 5 cảm xúc ban đầu của Riley ra khỏi trung tâm điều khiển cảm xúc, từ đó tác phẩm gợi nhắc đến quá trình những đứa trẻ bước đầu đè nén cảm xúc của bản thân. Đó không hẳn là điều gì đó quá bi kịch, song vẫn là thứ trải nghiệm không mấy dễ chịu.

Rõ ràng, Lo Âu đã giúp Riley hòa nhập với môi trường mới, nhưng cũng chính nó đã đẩy cô bé vào những chật vật tưởng chừng không lối thoát. Với Riley, cơn lo âu là nỗi sợ cô đơn, là ám ảnh thất bại, là từ bỏ ước mơ, là việc làm cha mẹ thất vọng, là vô khối những viễn cảnh tồi tệ trong tương lai. Và tệ hơn, cơn lo âu khiến cô bé đánh mất hình ảnh bản thân trong những năm đầu đời.

Inside Out 2 “chạm” tới khán giả bởi nó đã khắc họa sâu sắc tuổi dậy thì – một giai đoạn khó khăn mà bất cứ ai cũng từng trải qua, và cũng là một mớ hỗn độn khó để giãi bày, khó được nhìn thấy.

Thông điệp về sự chấp nhận bản thân

Một trong những khái niệm đặc sắc nhất Inside Out 2 chính là sense of self (tạm dịch: Ý thức về bản thân). Không giống như căn tính, hay bản ngã, sense of self đơn giản là cách chúng ta nhìn nhận bản thân là người thế nào, dựa trên những ký ức mà chúng ta góp nhặt trong quá trình trưởng thành.

giai tri anh 2

Tạo hình sense of self trong Inside Out 2.

Sense of self trong Inside Out 2 khá tương đồng với khái niệm Self-concept (tạm dịch: khái niệm bản thân), được đề xuất bởi Carl Rogers – một trong những nhà tâm lý học có ảnh hưởng nhất lịch sử. Self-concept là việc chúng ta nhìn nhận về bản thân dựa trên những trải nghiệm được đưa lên ý thức. Tuy nhiên, hình ảnh này có thể khác với thực tế.

Trong Inside Out 2, Riley đã luôn nhìn nhận bản thân mình là một người tốt. Suy nghĩ này được gom góp từ những trải nghiệm tích cực trong quá khứ, đơn cử như khi cô bé giúp đỡ người khác, được gia đình khen ngợi hoặc có điểm cao.

Tuy nhiên, để Riley cảm thấy thế, Vui Vẻ đã đưa những ký ức tiêu cực về bản thân cô bé đến “miền sâu tâm trí”. Nghĩa là, Riley đã lãng quên hoặc chối bỏ những ký ức tồi tệ, như việc bị điểm kém hoặc vô tình quên tên bạn bè. Với Carl Rogers, cách làm này được gọi là denial (phủ nhận), khi Riley gạt bỏ những ký ức tiêu cực về bản thân ra khỏi ý thức.

giai tri anh 3

Tạo hình 9 cảm xúc của Riley trong Inside out 2.

Cũng theo Rogers, khi con người bắt đầu nhận ra hình ảnh họ nghĩ về bản thân và thực tế không hòa hợp với nhau, cơn lo âu sẽ xảy ra. Trong phim, Riley bắt đầu cảm thấy bản thân không đủ tốt khi cô bé đến trại hockey. Và dường như, đây là ngọn nguồn dẫn đến chứng lo âu không thể kiểm soát của cô bé.

Hành trình để Riley chấp nhận bản thân, ở cả những khoảnh khắc hoàn hảo và không hoàn hảo nhất là thông điệp sau cùng mà Inside Out 2 hướng tới.

Lo Âu rõ ràng không có quyền định hình Riley là ai, và Vui Vẻ cũng vậy. Giống như việc không cảm xúc nào là vô dụng hay nắm quyền, cũng không có mảnh ký ức nào đáng bị bỏ lại.

Riley rõ ràng không hoàn hảo và cũng không nhất thiết phải hoàn hảo. Cô bé đã từng làm bạn bè buồn lòng, hay đi trêu ghẹo người khác, đôi khi cũng làm bố mẹ lo lắng. Nhưng khi khác, Riley cũng yêu thương động vật, đứng đầu lớp, và chiến thắng các giải hockey.

Cùng với các cảm xúc, tất cả mảnh ký ức, dù tốt hay xấu đều cần thiết cho quá trình trưởng thành. Con người cần những hình dung rõ ràng về bản thân và ký ức chính là chất liệu tạo nên điều đó.

Khoảnh khắc tất cả mảnh ghép cảm xúc ôm chầm lấy toàn bộ những ký ức của Riley là một phân đoạn vô cùng xúc động. Chúng truyền tải toàn bộ thông điệp của tác phẩm, rằng tất thảy ký ức lẫn cảm xúc đều đáng được trân trọng và góp phần làm nên mỗi chúng ta.


Cùng chuyên mục