Nhiều người trẻ đang lo âu quá mức về tình hình tài chính của mình. Ảnh minh họa: Ko Sasaki/New York Times. |
Gen Z (sinh năm 1997-2012) có nhiều sự linh hoạt hơn trong công việc cùng khả năng tiếp cận thông tin tài chính tốt hơn cha mẹ của mình. Tuy nhiên, không phải ai trong số họ cũng cảm thấy tự tin về tương lai tài chính của bản thân.
Năm ngoái, Business Insider đã khảo sát hơn 600 người trưởng thành thuộc Gen Z về những trách nhiệm tài chính khiến họ căng thẳng. Gần một nửa cho biết họ lo lắng về việc tiết kiệm tiền bạc.
Theo một cuộc khảo sát khác do Credit Karma, công ty tài chính cá nhân Mỹ, thực hiện vào tháng 12, 43% số người được hỏi thuộc Gen Z và 41% số người thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) cho biết họ mắc chứng rối loạn tiền bạc (money dysmorphia).
Trong khi đó, 25% số người thuộc Gen X (sinh năm 1965-1980) và 14% số người được hỏi từ 59 tuổi trở lên cũng gặp phải vấn đề tương tự.
Nỗi lo lắng không có thực
Amanda Clayman, chuyên gia trị liệu tài chính kiêm người dẫn chương trình podcast Emotional Investment, định nghĩa chứng rối loạn tiền bạc là dạng nhận thức tiêu cực và không thực tế về sức khỏe/vị thế tài chính của một người.
Rối loạn tiền bạc không chỉ đơn thuần xoay quanh mong muốn xóa hết nợ thẻ tín dụng hay đóng góp nhiều hơn vào quỹ hưu trí 401(k).
Clayman còn mô tả chứng bệnh này là nỗi lo lắng sâu sắc, dai dẳng về tiền bạc, ngay cả khi không có vấn đề tài chính cấp bách nào. Bà tin rằng những người trẻ tuổi thường có cái nhìn méo mó về tình trạng tiền bạc của mình dù thực tế có thể trái ngược.
Clayman cho hay nhìn chung, những người có xu hướng suy nghĩ quá nhiều thường xem tiền bạc là nguồn cơn lo lắng chính. Ảnh minh họa: Karolina Kaboompics/Pexels. |
Bà lưu ý rằng những người ở độ tuổi từ giữa 20 đến giữa 30 thường phải đối mặt với nhiều thay đổi trong cuộc sống như tiết kiệm tiền để kết hôn, mua nhà, thay đổi nghề nghiệp hoặc xây dựng gia đình.
Tuy nhiên, họ lại thường không có hình dung rõ ràng về số tiền họ thực sự cần phải tiết kiệm, mà chỉ biết rằng chúng phải rất lớn. Bà cho biết mục tiêu tài chính càng mơ hồ hoặc trừu tượng thì chúng ta càng dễ cảm thấy mình khó có thể đạt được mục tiêu đó.
Tuy nhiên, khi già đi, với nhiều kinh nghiệm và khả năng tiếp cận thông tin hơn, mọi người sẽ dần hiểu được những gì mình cần để quản lý và hoàn thành kế hoạch tiền bạc của mình.
Lo lắng bắt đầu từ việc so sánh
Clayman cho hay xu hướng so sánh bản thân với những người trên mạng xã hội có thể làm người trẻ có nhận thức sai lệch về chuẩn mực tài chính cá nhân.
Chỉ cần mở một mạng xã hội bất kỳ, chúng ta có thể đối diện với hàng loạt bài viết và hình ảnh của những người có cuộc sống sang chảnh, du lịch khắp nơi. Bà nói rằng chúng ta không bao giờ có thể hiểu cặn kẽ tình hình tài chính của một người.
Thực tế, mọi người chỉ đang ghép lại một câu chuyện dựa trên thông tin rời rạc mà người khác công khai đưa ra.
Việc liên tục nhìn thấy những điều có vẻ hào nhoáng trên mạng xã hội dễ dàng khiến nỗi lo lắng về tiền bạc của mọi người ngày một lớn dần. Ảnh minh họa: Magnus Mueller/Pexels. |
Chẳng hạn, đôi uyên ương đang lên kế hoạch cho một đám cưới trong mơ thực chất có thể đang mắc nợ thẻ tín dụng hay một người bạn thường xuyên đi du lịch có thể được tài trợ phần lớn.
Dù cha mẹ hoàn toàn có thể dạy dỗ con cái những bài học giá trị về tiền bạc, không phải quy tắc tiền bạc nào của họ cũng có thể áp dụng trong nền kinh tế hiện nay. Clayman cho biết các thế hệ lớn lên trong thời kỳ hậu chiến tranh thường có kế hoạch lương hưu trong khi hiện nay phần lớn tiền hưu trí là do tự chi trả.
Thêm vào đó, các yếu tố như lạm phát và chi phí sinh hoạt cao hơn có thể khiến những người trẻ tuổi gặp nhiều khó khăn hơn để tiết kiệm tiền bạc. Theo Clayman, dù không phải mọi lời khuyên về tiền bạc đều sai, chúng có thể phản tác dụng nếu khiến mọi người tích trữ tiền bạc hoặc làm việc quá sức.
Bà gợi ý rằng phương pháp hiệu quả nhất cho những người hay lo âu về tiền bạc là tiếp thu các quan điểm tài chính khác nhau và tập cách lập ngân sách thực tế và không tạo quá nhiều áp lực cho bản thân.