Đóa hoa mong manh – bộ phim điện ảnh mới nhất của Mai Thu Huyền, được bọc một “lớp vỏ” hòa nhoáng trước khi phát hành tại Việt Nam: quay hoàn toàn tại Mỹ, giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế.
Song những lời quảng cáo hoa mỹ của ê-kíp vẫn chưa đủ sức nặng để câu kéo khán giả ra rạp. Doanh thu chưa đầy 300 triệu đồng sau 4 ngày, tỷ lệ suất chiếu thấp đến mức khó tin và những phản hồi tiêu cực về chất lượng phim từ giới chuyên môn cũng như người xem là lời “hồi đáp” cho Mai Thu Huyền.
Đến nay, bốn tác phẩm của Mai Thu Huyền gồm Lạc giới, Giấc mơ Mỹ, Kiều và Đóa hoa mong manh đều gắn liền với những tính từ: nhàm chán, tệ hại, ngô nghê.
Trước câu hỏi: “Sau các dự án đều thất bại phòng vé, chị còn giữ ý định tiếp tục con đường làm phim không?”, Mai Thu Huyền đáp: “Điện ảnh là đam mê của tôi. Tôi không vì ý kiến của vài người mà dừng lại. Nếu thế thì dễ dàng quá. Khi vẫn còn khán giả yêu thương, tôi sẽ tiếp tục con đường này”.
“Sốc, bất ngờ khi phim quá ít suất chiếu”
– Đóa hoa mong manh chỉ bán được gần 400 vé mỗi ngày, với tỷ lệ suất chiếu thấp đến mức khó tin. Chị có lường trước được điều này?
– Thật sự, tôi không thể hình dung được phim của mình rơi vào tình trạng này. Tôi quá bất ngờ và sốc vì lịch chiếu của phim tại Việt Nam những ngày qua. Tôi đã thực hiện 3 bộ phim và chưa từng đối diện với sự việc tương tự. Đóa hoa mong manh khi phát hành ở các cụm rạp bên Mỹ đều được hỗ trợ với những khung giờ đẹp.
Thông thường, với những phim ra rạp, ở tuần đầu tiên, ở mỗi cụm rạp phải ít nhất 5 suất chiếu trở lên vào các khung giờ khác nhau. Nhưng hiện nay, bộ phim quá ít suất chiếu. Quan trọng hơn, các suất chiếu đều rơi vào khung giờ xấu như 8h hoặc 11h. Những thời điểm đó, mọi người đều đi làm hoặc ngủ nghỉ. Điều đấy ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu cũng như khả năng tiếp cận bộ phim của khán giả. Nhiều người xem muốn mua vé cũng không có suất chiếu phù hợp.
Mai Thu Huyền nói: “Áp lực lớn nhất của tôi là làm một bộ phim chất lượng, không hổ thẹn với nghề nghiệp của mình thôi”. |
– Ý chị là nhà rạp chèn ép phim, không sắp xếp suất chiếu phù hợp?
– Đúng vậy. Phim của tôi là dự án Việt duy nhất công chiếu trong thời điểm này nhưng vẫn không được nhà rạp tạo điều kiện. Mỗi cụm chỉ có khoảng 1-2 suất chiếu/ngày. Nhà rạp nói dựa vào tỷ lệ đặt vé của khán giả để xếp suất chiếu.
Nếu công bằng, ở tuần đầu tiên, nhà rạp phải cho chúng tôi ít nhất 5 suất/ngày, vào những khung giờ khác nhau. Sau đó, rạp mới đánh giá phim có khán giả hay không rồi sắp xếp suất chiếu ở những tuần sau đó. Vì tuần đầu tiên quyết định quan trọng đến doanh thu cuối cùng của bộ phim.
Tôi không biết nhà rạp dựa vào những tiêu chuẩn gì để đánh giá chất lượng của một tác phẩm điện ảnh. Nhưng có vẻ rất cảm quan cá nhân. Điều này thật sự bất công cho các nhà làm phim cũng như khán giả. Số lượng rạp phát hành gần 200 nhưng suất chiếu và khung giờ như vậy đồng nghĩa với việc không cho người xem cơ hội xem phim.
– Sau mỗi bộ phim thất thu, câu chuyện “lỗi tại ai” lại được khơi lên. Tình trạng nhà làm phim đổ lỗi cho nhà rạp như bài ca “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” bao năm qua. Nhưng lỗi lầm có thực sự chỉ thuộc về một phía?
– Thực sự, tôi rất muốn cất lên tiếng nói của những nhà làm phim độc lập. Độc lập ở đây theo ý tôi là các đạo diễn, nhà sản xuất phim không có sự đầu tư của chủ rạp. Còn những dự án mà có sự đầu tư của chủ rạp thì thường được ưu ái hơn khi phát hành. Dù ê-kíp có nỗ lực truyền thông, marketing thế nào, nhưng không có sự hỗ trợ của nhà rạp thì cũng như không.
Đây là khó khăn và nỗi đau chung của không ít nhà sản xuất Việt. Tình trạng này xảy ra quá nhiều. Trong các hội thảo, diễn đàn về phim ảnh, chúng tôi đã lên tiếng, đấu tranh nhưng cũng không có giải pháp cuối cùng. Tôi giờ chịu chung số phận với nhiều nhà làm phim khác.
Chúng tôi đang cố gắng đàm phán với các cụm rạp để tăng thêm suất chiếu, ở những khung giờ bình thường. Ngoài ra, ê-kíp đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá để tăng độ nhận biết của bộ phim đối với khán giả.
– Nếu những việc làm trên mà vẫn không hiệu quả, chị có nghĩ đến phương án rút bộ phim các hệ thống rạp, như cách ê-kíp Sáng đèn, Trà vừa làm?
– Kế hoạch của nhà sản xuất phim là phát hành tác phẩm ở nhiều thị trường khác nhau như Mỹ, Việt Nam, Ấn Độ, Vương quốc Anh. Nhưng buồn nhất là ngay trên chính sân nhà, bộ phim lại bị chèn ép và không được hỗ trợ.
Không thể đánh giá bộ phim thành công hay thất bại dựa vào doanh thu. Phim mà không có suất chiếu đẹp, được nhà phát hành hỗ trợ, làm sao có doanh thu cao được. Khán giả họ có yêu mình đến mấy cũng không thể bỏ công việc, giờ ngủ để đi xem phim. Một tác phẩm điện ảnh cuối cùng cũng là để giải trí. Khách hàng chỉ chọn những khung thuận lợi để ra rạp thôi.
Những người làm phim đều hiểu rõ khó khăn, cực khổ thế nào khi đưa một tác phẩm ra rạp. Bây giờ, tôi chỉ biết nỗ lực thay đổi tình thế và hy vọng nhà rạp hỗ trợ thôi. Tôi cũng mong rằng khán giả xem phim rồi sẽ có những phản hồi tích cực để tăng hiệu ứng truyền miệng.
“Phim cần hàng trăm tỷ đồng để hòa vốn”
– Doanh thu chỉ gần 300 triệu đông sau 4 ngày phát hành. Nguy cơ phim lỗ nặng đang dần hiện hữu. Chị đối diện thế nào?
– Như tôi đã nói ở trên, phim này được phát hành ở nhiều thị trường. Nhưng thị trường quan trọng nhất vẫn là Việt Nam. Khi đối diện tình trạng bị chèn ép suất chiếu, cả ê-kíp đều buồn và sốc. Thực ra, khi phim ra mắt ở các thị trường quốc tế, chủ yếu là để quảng bá văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè nước ngoài, còn không kỳ vọng quá nhiều về doanh thu.
Tôi cũng khá lo lắng vì mức độ đầu tư phim này rất lớn. Cần hàng trăm tỷ đồng mới hòa vốn được.
– “Hàng trăm tỷ đồng mới hòa vốn”, thông tin này khiến không ít người bị sốc đấy. Liệu con số này có bị thổi phồng không?
– Phim quay hoàn toàn ở Mỹ, đầu tư về bối cảnh, dàn diễn viên, âm nhạc… Bộ phim này cũng thực hiện trong điều kiện khó khăn và chúng tôi đã nỗ lực hết mình.
– Số tiền đầu tư phim đến từ đâu?
– Về mức kinh phí phim, tôi không thể tiết lộ.
Theo Mai Thu Huyền, Đóa hoa mong manh cần hàng trăm tỷ đồng để hòa vốn. |
– Mức đầu tư cho phim lớn nhưng lại tỷ lệ nghịch với chất lượng. Khi dự án phát hành, kịch bản, cách kể chuyện, diễn xuất của dàn cast đều bị chê cũ kỹ, sến súa và ngô nghê?
– Mỗi một bộ phim là sản phẩm nghệ thuật. Tùy cảm nhận mỗi người mà có đánh giá khác nhau, tôi không có ý kiến. Nhưng bộ phận chê phim chỉ là thiểu số. Nếu phim tệ, kém chất lượng thì không thể giành 11 giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế. Như mọi người biết, để có giải thưởng cuối cùng, bộ phim đã phải tham gia nhiều vòng và vượt qua hàng trăm dự án đến từ các quốc gia khác.
Nhiều nhà phê bình phim ở Hollywood đều có nhận xét tốt về phim. Mà những cây viết này chúng tôi đều không quen biết gì.
Tôi vừa trở về từ Mỹ nên không có thời gian đọc hết các ý kiến. Nhưng nhiều người chê phim không phải làm chuyên môn. Ý kiến của họ không đại diện tất cả. Khán giả đừng để dẫn dắt bởi những ý kiến đó rồi chìm đắm trong đó mà không xem phim.
– Nói vậy, chị hoàn toàn hài lòng với bộ phim này?
– Cuộc đời này không có gì hoàn hảo. Với những gì đã làm được, tôi nghĩ đã vượt quá mong đợi của mình. Vì thế, tôi cảm thấy hài lòng. Còn hoàn hảo thì tất nhiên không được 100%, vẫn có sơ suất nhưng không quá lớn. Điều quan trọng nhất là nhiều người đã rơi nước mắt khi xem phim. Tác phẩm chạm được cảm xúc từ khán giả. Họ cảm nhận được thông điệp tốt đẹp từ đó.
– Chị cho rằng thông điệp phim tốt đẹp. Nhưng khi xem phim xong, không ít ý kiến cho rằng thông điệp phim lệch lạc, đang cổ xúy ngoại tình?
– Những người nói câu đấy là hoàn toàn chưa xem phim. Phim này không có bất cứ thông điệp nào cổ xúy ngoại tình cả.
Thông điệp cuối cùng đề cập về tình người, nhân văn, sự vươn lên trong cuộc sống, nghề nghiệp. Tôi nhớ nhất một câu trong phim: “Chúng ta không thể hạnh phúc trên nỗi đau của người khác”. Đây là thông điệp quan trọng nhất của bộ phim mà nhiều khán giả tự nhận ra được. Vậy tại sao lại nói phim cổ xúy ngoại tình.
Tôi rất sợ những anh hùng bàn phím, đưa ra những bình luận về thông điệp mà phim hoàn toàn không hướng tới.
“Tôi không vì vài ý kiến mà dừng lại con đường làm phim”
– Nếu Đóa hoa mong manh thất bại về doanh thu, đây sẽ là cú ngã ngựa thứ tư của chị. Sau dự án này, chị còn có ý định tiếp tục làm phim không?
– Đam mê lớn nhất của tôi là điện ảnh và không thay đổi. Tôi xin khẳng định như vậy. Để đánh giá thành công của một bộ phim, doanh thu chỉ là một phần, không nói lên tất cả.
Có nhiều bộ phim đạt những giải thưởng quốc tế, chất lượng nhưng không có doanh thu tốt ở rạp Việt. Ngược lại, có những bộ phim đạt doanh thu cao nhưng không phải tác phẩm nghệ thuật thực sự, còn nhiều lỗi. Lấy doanh thu làm thước đo là không chính xác.
Tất nhiên, dù hay hay dở, nghệ thuật hay thương mại, nhà làm phim đều mong tác phẩm đến với công chúng. Doanh thu cao thì ai chẳng muốn. Nhưng nhiều là bao nhiêu. Ti tỉ thứ, còn phụ thuộc vào cả thị hiếu khán giả.
Phim này của tôi, quá sớm để khẳng định thành công hay thất bại. Tôi vẫn hy vọng phim được hỗ trợ về suất chiếu để đến với nhiều khán giả hơn trong những ngày tới.
– Tiền bạc luôn là nỗi lo lớn nhất đối với các nhà làm phim. Nhưng có vẻ chị không quá áp lực với điều này. Khi mà mỗi tác phẩm sau, mức độ đầu tư lại lớn hơn nhưng doanh thu thảm họa?
– Áp lực lớn nhất của tôi là làm một bộ phim chất lượng, không hổ thẹn với nghề nghiệp của mình thôi. Còn như tôi đã nói, mọi yếu tố khác đều là may rủi. Tôi chỉ thấy hổ thẹn nếu làm ra sản phẩm quá tệ. Điều đó mới buồn.
Còn đây, tôi đã làm ra sản phẩm chất lượng và tự hào, chẳng có gì phải ân hận hay buồn. Tôi không vì ý kiến của vài người mà dừng lại. Nếu thế thì dễ dàng quá. Đâu có phải người khác nói gì, mình phải theo đâu.
Khi vẫn còn khán giả yêu thương, tôi sẽ tiếp tục bước đi trên con đường này.