‘Mỏ vàng’ mới từ kim cương nhân tạo của Pandora

Pandora chuyển hướng sang kinh doanh kim cương nhân tạo, rút lui khỏi thị trường kim cương tự nhiên. Quyết định này đã giúp hãng trang sức Đan Mạch đạt được doanh thu ấn tượng.

Pandora, nhà sản xuất đồ trang sức lớn nhất thế giới về số lượng, cho biết người trẻ là lý do dẫn đến sự bùng nổ dùng kim cương nhân tạo.

Điều này đã khiến doanh số bán kim cương tự nhiên sụt giảm và giúp cổ phiếu của tập đoàn này vượt xa so với các đối thủ trong cùng phân khúc xa xỉ, theo The Financial Times.

Alexander Lacik, Giám đốc điều hành của Pandora, cho biết kim cương nhân tạo đang mở ra cánh cửa cho người tiêu dùng mới, bởi chúng thường có giá chỉ bằng 1/3 so với kim cương tự nhiên. Trong quá khứ, kim cương chỉ chiếm 1 phần rất nhỏ trong hoạt động kinh doanh của Pandora, chỉ có 50.000 sản phẩm trong số 85 triệu sản phẩm được bán ra trong năm 2021.

“Mọi người nhận ra rằng kim cương nào thì cũng là kim cương. Khách hàng lớn tuổi vẫn đề cao kim cương tự nhiên hơn. Tuy nhiên, người trẻ cởi mở hơn với những viên đá quý được ‘nuôi trồng’ trong phòng thí nghiệm”, ông Lacik nói thêm.

Pandora trở thành hãng kim hoàn lớn đầu tiên từ bỏ việc bán kim cương tự nhiên vào năm 2021. Họ chuyển sang tập trung vào sản xuất và phân phối kim cương nhân tạo.

Tập đoàn này đã tăng gần gấp đôi doanh số bán kim cương nhân tạo trong quý đầu năm nay, tăng doanh thu thêm 87% (khoảng 9 triệu USD).

Công ty đã thu được 40 triệu USD từ việc bán kim cương nhân tạo vào năm ngoái. Ngoài ra, họ còn nhắm đến mục tiêu đạt được doanh thu 150 triệu USD vào năm 2026 từ việc khai thác loại đá quý này.

Mặc dù kim cương nhân tạo của Pandora có giá thấp hơn kim cương tự nhiên, trang sức được chế tác bằng loại kim cương này vẫn có giá cao hơn hầu hết sản phẩm khác của công ty. Ví dụ, một chiếc nhẫn có trọng lượng 0,15 carat sẽ có giá từ 290 USD trở lên.

Việc sử dụng những viên kim cương được chế tạo từ phòng thí nghiệm, đặc biệt là ở Mỹ, cho thấy Pandora đang muốn nâng cao vị thế của họ – từ một nhà bán lẻ trang sức chủ yếu tập trung vào sản phẩm hạt charm, cho đến mô hình cửa hàng trang sức có nhiều sản phẩm đa dạng hơn.

Khi các tập đoàn xa xỉ như LVMH và Kering phải đối mặt với doanh số bán hàng chậm lại, khiến cổ phiếu bị giảm giá trong năm qua, Pandora đã nâng dự báo doanh số bán hàng của mình vào năm 2024 từ 6-9% lên 8-10%. Ngoài ra, giá cổ phiếu của thương hiệu trang sức Đan Mạch tăng gấp đôi trong vòng 12 tháng qua.

“Rõ ràng việc định vị Pandora là một công ty trang sức dễ tiếp cận trong tình hình khủng hoảng kinh tế như hiện tại là chiến lược tốt. Trên toàn cầu, thị trường kinh doanh trang sức đá quý đang phát triển chậm. Trong số các công ty đã công bố kết quả kinh doanh, họ đều đang gặp khó khăn hơn chúng tôi”, CEO Pandora nhấn mạnh.

DeBeers, công ty khai thác kim cương hàng đầu, cho biết vào tháng 4 vừa qua, sản lượng của họ đã giảm 23% trong quý đầu tiên. Trong khi đó, giá kim cương thô tự nhiên đã giảm hơn 1/4 trong 2 năm qua.

“Ở Mỹ, gần 1/2 số kim cương hiện được nuôi trong phòng thí nghiệm. Pandora đang ở vị thế dẫn đầu để tận hưởng sự thay đổi này. Tuy nhiên, việc chúng tôi tham gia vào lĩnh vực kim cương vẫn còn là một cuộc chơi dài phía trước”, ông Lacik nói thêm.


Cùng chuyên mục