Genre: Lãng mạn
Director: Trịnh Đình Lê Minh
Cast: Ngọc Xuân, Avin Lu, Nhật Hoàng…
Rating: 8/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Ngày xưa có một chuyện tình là tác phẩm tiếp nối xu hướng đưa các tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lên địa hạt điện ảnh. Trước đó, Mắt biếc (2019) và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) đều thắng lớn tại phòng vé.
Ngày xưa có một chuyện tình mang không khí lãng mạn đơn thuần, không pha trộn các thể loại khác. Song thực tế, việc hô biến một tác phẩm lãng mạn thuần tuý trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn khán giả không phải chuyện dễ. Điện ảnh Việt hoàn toàn vắng bóng kiểu phim tương tự trong 3 năm trở lại đây. Tác phẩm gần nhất là Sài Gòn trong cơn mưa (2020) cũng lỗ nặng và nhanh chóng rời rạp.
Mắt biếc là tác phẩm hiếm hoi duy trì được chất lãng mạn xuyên suốt mà vẫn thành công về mặt thương mại. Và với Ngày xưa có một chuyện tình – một bộ phim khác bước ra từ những trang sách của Nguyễn Nhật Ánh , sự hào hứng của khán giả đối với điện ảnh lãng mạn đã một lần nữa trở lại.
Nhịp điệu của tình bạn và tình yêu
Ngày xưa có một chuyện tình lấy bối cảnh tại một vùng quê miền Trung những năm thập niên 1990, 2000. Phim kể về mối quan hệ tình bạn đan xen tình yêu giữa ba nhân vật Miền (Ngọc Xuân), Vinh (Avin Lu) và Phúc (Nhật Hoàng), từ khi họ còn bé cho đến lúc trưởng thành và đối mặt với những ngã rẽ cuộc đời.
Ở mỗi nhân vật, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đều khắc họa đầy đủ các khía cạnh, từ góc nhìn, hoàn cảnh gia đình, cho tới cách hoàn cảnh đó ảnh hưởng đến các quyết định của họ trong tương lai.
Miền từ nhỏ đã luôn sống với gương mặt buồn bã bởi cha cô bé là người ưa bạo lực. Sự cộc cằn của ông gần như bao trùm không khí gia đình Miền, thậm chí người anh của Miền cũng bạo lực không kém. Trong phim, chỉ duy nhất gia đình Miền không có cảnh các thành viên quây quần bên nhau.
Ở đó, Miền thân thiết và bị ảnh hưởng nhiều bởi chị Lụa, một cô gái trẻ khao khát tình yêu và chỉ mong được ở bên người mình yêu. Đạo diễn đã rất tinh tế khi sắp đặt rất nhiều cảnh phim lấy góc nhìn cô bé đang quan sát chị của mình, và những quan sát đó đã góp phần hình thành Miền sau này.
Tạo hình Vinh, Miền, Phúc lúc nhỏ. |
Trong ba người, Vinh dường như lại là người duy nhất được trưởng thành trong bình yên. Dù mồ côi cha mẹ, song cậu lại được bà và các thành viên khác bảo bọc hết mực. Từ đó, Vinh tuy có hơi khù khờ nhưng lại ấm áp và biết hy sinh nhất trong bộ ba.
Và cuối cùng là Phúc, người lớn lên giữa hai thái cực – sự hà khắc, cực đoan của ông nội và việc chiều chuộng đôi khi quá mức của bố. Trong những cảnh thuở nhỏ, Phúc rất nhiều lần nhắc lại lời dạy của bố, điều đó cũng phần nào báo hiệu cho lựa chọn của cậu sau này. Mặt khác, hành động của Phúc đối với Miền trong đêm cuối hai người bên nhau thực chất cũng là ảnh hưởng từ lối sống phóng túng, thiếu suy nghĩ của bố.
Trong phim, hầu hết quyết định, những hành xử, hay cách ba nhân vật đối diện với các vấn đề đều tương đối thuyết phục, bởi đạo diễn trước đó đã khéo léo gieo những hạt mầm tính cách, bối cảnh gia đình. Song, sự chi tiết này đôi lúc làm phần đầu tác phẩm trở nên hơi dàn trải, dông dài.
Tình bạn của Phúc và Vinh chính là trọng tâm của nửa đầu tác phẩm, và đạo diễn đã rất thành công trong việc khiến khán giả tin vào mối quan hệ thân thiết của họ. Cả hai bù trừ cho nhau, trong khi Phúc là người nâng đỡ, thúc đẩy Vinh đối diện với những điều cậu sợ sệt thì ngược lại, chính Vinh cũng đem đến niềm vui cho Phúc, giúp tuổi thơ của cậu trôi qua bớt khó khăn hơn.
Để rồi khi Miền bước vào mối quan hệ của cả hai, nghĩa là tình yêu đã chen vào tình bạn, việc ba người không tồn tại chút mâu thuẫn cũng trở nên thuyết phục. Tình bạn và tình yêu trong phim vừa đẹp đẽ và cũng vừa đáng quý. Phúc nhường cho Vinh, rồi Vinh lại mừng cho Phúc. Miền với Phúc là thứ tình cảm say mê, trong veo của tuổi trẻ, nhưng Miền với Vinh lại là nghĩa vợ chồng, là việc phải trân trọng hiện tại.
Khâu casting của phim được đánh giá cao, tạo hình các nhân vật lúc nhỏ và khi trưởng thành tương đối giống nhau. |
Sau cùng, các nhân vật đều có cho mình một hành trình trọn vẹn. Miền, sau rất nhiều lần ưu tiên tình yêu, đã lần đầu đưa ra quyết định phù hợp với bản thân và gia đình. Vinh, sau khi hết lần này đến lần khác chọn hy sinh, cuối cùng cũng biết vùng lên giành lấy tình yêu. Và với Phúc, anh sẽ phải bắt đầu một cuộc hành trình giống bố của mình năm xưa.
Nhưng trong khoảnh khắc cả ba lựa chọn, họ đều cân nhắc đến cảm xúc của những người còn lại, đó mới là điều đẹp đẽ tác phẩm muốn truyền tải.
Thước phim giàu tính thẩm mỹ
Phần hình ảnh của Ngày xưa có một chuyện tình không lộng lẫy, đánh mạnh vào thị giác như Mắt biếc hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Phim cũng không có nhiều cảnh quay từ trên cao xuống bằng drone để phô trương cảnh sắc thiên nhiên như hai tác phẩm trên.
Thay vào đó, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, trong những khung hình, sử dụng màu sắc hài hòa kết hợp với những cú máy không quá phức tạp. Song, tất thảy đều mang lại hiệu quả tương đối ấn tượng.
Dễ thấy nhất là những cú lia ngang theo chuyển động của nhân vật, đặc biệt là khi họ di chuyển từ ngoài vào trong nhà và ngược lại. Cách triển khai này phần nào gợi nhớ đến Mùi đu đủ xanh (1993) của Trần Anh Hùng.
Trong không gian nhỏ bé và khép kín, cách quay đó một mặt giúp khán giả dễ dàng hình dung ra những ngõ ngách trong căn nhà. Mặt khác, nó cũng hạn chế phần nào cắt cảnh, giúp bộ phim mang một nhịp độ nhẹ nhàng, uyển chuyển.
Thêm vào đó, những cú máy dài (long take) kết hợp với việc xử lý hậu cảnh chỉn chu cũng làm nhiều phân đoạn của phim trở nên chân thực và giàu sức sống hơn. Nhờ vậy, khán giả không những được thấy nhân vật dùng cơm mà còn thấy tâm thế của họ khi bước vào bữa cơm; không những thấy mâu thuẫn mà còn chứng kiến sự hiện diện ban đầu của nó qua một cái liếc mắt phía sau; hay thấy tình yêu từ khoảnh khắc nhân vật hướng nhiều hơn về phía người mình thương.
Phim cũng có một số hình ảnh lặp đi lặp lại mang tính chất biểu tượng, ví dụ như bên trong tấm màn ngủ là nơi riêng tư duy nhất để các nhân vật sống thật với cảm xúc của mình. Ở đó, Phúc lần đầu thể hiện nỗi buồn khi phải xa bố, Vinh chìm trong những trăn trở về tình yêu, và đó cũng là nơi duy nhất Miền được quyền làm mẹ.
Ngôn ngữ điện ảnh của phim được đánh giá cao. |
Một trong những phân đoạn ấn tượng nhất phim là khi Phúc và Miền hẹn hò trong rừng. Đó là một cảnh tán tỉnh với nhịp điệu chậm rãi, khi sự thân mật được gia tăng dần đều theo thời gian, và cũng là khi cử chỉ của bàn tay, đôi chân và nét mặt nắm quyền thể hiện tình yêu thay cho những lời thoại.
Về diễn xuất, nhìn chung hầu hết diễn viên đều có màn thể hiện tương đối tròn trịa. Ngọc Xuân vai Miền và Nhật Hoàng vai Phúc có thể xem là những phát hiện thú vị của điện ảnh Việt năm nay. Trong khi đó, Avin Lu cũng đã tiến bộ khá nhiều sau không ít vai diễn bị chê trước đó.
Ngoài những điểm tích cực trên, phim còn một vài “sạn” trong dàn cảnh như việc nhiều vật dụng hay những chiếc cặp của Phúc và Vinh vẫn còn khá mới. Trường đoạn kết phim cũng gây ít nhiều lấn cấn khi sử dụng độc thoại để thể hiện cảm xúc nhân vật, cách làm mang tính kể lể nhiều hơn là thể hiện.
Dù vậy, những hạn chế trên không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm tổng thể khi theo dõi tác phẩm.