Người trẻ TP.HCM xếp hàng trải nghiệm thanh toán ‘không tiền mặt’

Lễ hội Thanh toán Không tiền mặt 2024 tại quận 1 (TP.HCM) thu hút đông đảo người trẻ tham gia, đặc biệt là Gen Z, thế hệ lớn lên trong kỷ nguyên số.

Lễ hội Không tiền mặt 2024, kéo dài 3 ngày qua (14-16/6) tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM), đã thu hút hàng nghìn người tham dự.

Trong đó, thế hệ Z (sinh năm 1997-2012) nổi bật với sự hiện diện đông đảo và nhiệt tình, xếp hàng dài tại các gian hàng để trải nghiệm thanh toán không tiền mặt, tham gia các trò chơi tương tác và săn đón những phần quà hấp dẫn.

thanh toan khong tien mat,  quet ma QR,  Gen Z sinh nam anh 1

“Tôi chủ yếu sử dụng chuyển khoản vì ngại mang tiền mặt. Cầm theo ví tiền rất cồng kềnh. Tôi từng bị mất tiền mặt khi nhét tiền vào túi, từ đó tôi hạn chế mang nhiều tiền trong người”, Thuỳ Trang (19 tuổi, quận 12, TP.HCM) chia sẻ.

Với Trang, việc chuyển khoản không chỉ tiện lợi mà còn giúp cô tiết kiệm thời gian và giảm thiểu rủi ro.

“Chỉ cần có mạng dữ liệu di động là tôi có thể thoải mái chi tiêu”, Trang nói thêm.

Gen Z, những người trẻ sinh ra và lớn lên trong kỷ nguyên số, đã quen thuộc với việc sử dụng công nghệ trong mọi khía cạnh của cuộc sống, từ học tập, giải trí cho đến chi tiêu. Không ngạc nhiên khi những người trẻ ưa chuộng các hình thức thanh toán không tiền mặt.

thanh toan khong tien mat,  quet ma QR,  Gen Z sinh nam anh 4

Thay vì phải mang theo ví tiền dày cộm, lo lắng về việc mất tiền mặt hay tìm kiếm tiền lẻ, Gen Z chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể thanh toán mọi thứ một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Từ việc thưởng thức cà phê “một chạm” miễn phí của Vietcombank, mua trà Phúc Long giá chỉ từ 1.000 đồng của Techcombank, đến việc tham gia các trò chơi nhận quà của TPBank và PVcomBank, hay mở thẻ nhận quà tại VPBank, tất cả đều mang đến cho người tham dự sự kiện những trải nghiệm thú vị và những phần quà giá trị.

thanh toan khong tien mat,  quet ma QR,  Gen Z sinh nam anh 7

“Tôi biết đến lễ hội qua bạn bè và đã đăng ký mở thẻ ngân hàng tại đây. Bên cạnh việc được các nhân viên hướng dẫn tận tình, tôi còn được nhận quà nữa”, Bảo Trân (19 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) nói.

Chia sẻ với Trí Thức – Znews, Trân cho biết cô thường xuyên sử dụng cả tiền mặt và thẻ, nhưng có tới 50% chi tiêu của cô được thực hiện qua chuyển khoản hoặc thẻ. Gen Z từng gặp phải tình huống “dở khóc dở cười” khi quên mang tiền mặt lúc gửi xe ở trường.

“Tiếc là ở đó không có mã QR để thanh toán, tôi phải chạy đi tìm quán nước gần đó để chuyển khoản và đổi tiền mặt”, Trân kể lại. Từ sự việc đó, cô nhận ra tầm quan trọng của thanh toán qua QR code và mong muốn hình thức này được áp dụng rộng rãi hơn nữa, đặc biệt là tại các bãi giữ xe.

Không chỉ những bạn trẻ đã quen với thanh toán không tiền mặt, ngay cả những người mới bắt đầu làm quen cũng thấy rõ sự tiện lợi.

thanh toan khong tien mat,  quet ma QR,  Gen Z sinh nam anh 10

“Tôi khá bất ngờ khi thấy nhiều quán nước vỉa hè cũng đã gắn mã QR thanh toán. Là người ít khi mang tiền mặt, tôi rất vui vì hình thức này ngày càng phổ biến”, Anh Thư (20 tuổi, quận 12, TP.HCM) cho biết.

Tuy nhiên, Thư cũng không quên nhắc nhở về những rủi ro tiềm ẩn.

“Tôi từng quét nhầm mã QR của quán khác, may mà chưa bấm thanh toán. Mọi người cần cẩn thận kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển tiền”, Gen Z chia sẻ thêm.

thanh toan khong tien mat,  quet ma QR,  Gen Z sinh nam anh 11

Thanh Tâm (20 tuổi, quận 7, TP.HCM) cũng là một ví dụ điển hình cho việc chuyển đổi sang thanh toán không tiền mặt sau khi gặp phải sự cố mất tiền.

“Tôi từng đánh rơi ví và mất 500.000 đồng. Từ đó, tôi hạn chế dùng tiền mặt và chuyển sang dùng chuyển khoản, ví điện tử nhiều hơn”, Tâm chia sẻ.

thanh toan khong tien mat,  quet ma QR,  Gen Z sinh nam anh 14

Phúc My (25 tuổi, quận 1, TP.HCM) là một người thường xuyên sử dụng ví điện tử Momo. Cô cho biết mình rất hài lòng với sự tiện lợi của Momo khi thanh toán các hóa đơn điện nước và chuyển khoản. Tuy nhiên, My cũng từng gặp rắc rối với ví trả sau của Momo do không biết đến tính năng nhắc nhở và tự động thanh toán, dẫn đến việc bị phạt vì trả chậm.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, chỉ riêng năm vừa qua, Việt Nam đã có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, chiếm 87% dân số trưởng thành. Nhiều ngân hàng đã xử lý trên 95% giao dịch qua kênh số. Những con số ấn tượng này cho thấy thanh toán không tiền mặt đang phát triển vượt bậc và có tiềm năng to lớn tại Việt Nam.

Lễ hội Không Tiền Mặt 2024 chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự năng động và sáng tạo của thế hệ trẻ trong việc xây dựng một xã hội không tiền mặt hiện đại, văn minh và an toàn.

Sự kiện này cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình hướng tới Ngày Thanh toán Không tiền mặt (16/6), sáng kiến được báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Nhà nước ủng hộ nhằm khuyến khích người dân sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại.


Cùng chuyên mục