Sean Jacobsohn (52 tuổi), nhà đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon (Mỹ), đã biến đã biến không gian làm việc tại gia thành Failure Museum (tạm dịch: “Bảo tàng Thất bại”). Nơi đây trưng bày hơn 1.000 hiện vật ghi dấu những thất bại kinh doanh đáng nhớ nhất lịch sử, từ sản phẩm của những thương hiệu lớn đến sản phẩm không thành công trên thị trường, theo The Wall Street Journal. |
Trước khi trở thành nhà đầu tư mạo hiểm, Jacobsohn từng tự trang trải học phí đại học bằng việc mua bán kỷ vật. Sau khi tốt nghiệp Trường Kinh doanh Harvard, ông đã đảm nhiệm vị trí CEO của 3 công ty khởi nghiệp trước khi gia nhập công ty đầu tư Norwest Venture Partners. |
Một số hiện vật gồm cốc Bear Stearns, điện thoại BlackBerry, nước hoa Harley-Davidson, búp bê Allan… Mỗi món đồ đều kể một câu chuyện về “cú ngã đau đớn” của các thương hiệu. Bảo tàng của Jacobsohn còn chứa đựng kỷ vật từ những thất bại của các công ty thành công nhất lịch sử, như chiếc Power Mac G4 Cube của Apple, máy nghe nhạc Zune của Microsoft đến Google Glass. |
Ý tưởng của Jacobsohn bắt đầu vào tháng 11/2020 nhờ trận đấu bóng rổ của đội Golden State Warriors. Khi bước vào sân vận động, ông được tặng mô hình bobblehead của cầu thủ Jordan Poole đựng trong hộp có in logo FTX, sàn giao dịch tiền điện tử vừa sụp đổ vài ngày trước đó. Sự kiện này đã khơi dậy cảm hứng cho Jacobsohn viết bài đăng trên LinkedIn, chia sẻ suy nghĩ về ý nghĩa của sự thất bại. Bài viết nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Trước sự quan tâm đông đảo về chủ đề này, ông quyết định nghiên cứu sâu hơn về khái niệm thất bại, đồng thời bắt đầu sưu tầm những hiện vật liên quan đến những thương hiệu và sản phẩm đã từng thất bại. Bobblehead FTX trở thành món đồ đầu tiên trong bộ sưu tập của Jacobsohn. |
Bạn bè của nhà đầu tư thường đóng góp những thiết bị lỗi thời, sản phẩm không thành công hoặc quà tặng độc đáo mà họ đã tích lũy qua nhiều năm. Ông cũng nhận quyên góp từ những người xa lạ, như thẻ thành viên Blockbuster hay máy ép trái cây Juicero. Đối với những món đồ khó tìm hơn, Jacobsohn sử dụng eBay. Một trong những món đồ đắt giá nhất mà ông từng mua trên eBay là chiếc áo blouse phòng thí nghiệm Theranos với giá 220 USD. Nhà sưu tập cũng chi 150 USD để mua một chiếc điện thoại di động ESPN, sản phẩm mà Steve Jobs từng gọi là “ý tưởng ngu ngốc nhất”. |
Không lâu sau, bộ sưu tập của ông đã đủ số lượng để hình thành nên bảo tàng. Jacobsohn thường xuyên đón tiếp các nhà khởi nghiệp tại Bảo tàng Thất bại nhưng không bán vé vào cổng. Jeff Crowe, đối tác quản lý cấp cao của Norwest, từng đến thăm bảo tàng và cảm thấy như đang bước qua lịch sử kinh doanh. Theo ông, khi đầu tư vào một dự án, ông không chỉ tìm kiếm “thành tích xuất sắc” mà còn quan tâm đến cách các nhà khởi nghiệp đối mặt với thất bại, bởi những người không hiểu tại sao mình thất bại có khả năng sẽ thất bại lần nữa. |
Thông qua việc xây dựng “Bảo tàng Thất bại”, Jacobsohn đã đúc kết lý thuyết Six Forces of Failure (tạm dịch: “6 yếu tố dẫn đến thất bại”), bao gồm: sản phẩm không phù hợp với thị trường, tài chính yếu kém, bỏ qua phản hồi khách hàng, cạnh tranh khốc liệt, thời điểm không phù hợp và yếu tố con người. Theo nhà đầu tư, thất bại là một phần không thể thiếu của thành công. |
Giờ đây, bất cứ khi nào cần nhắc nhở về giá trị của thất bại, Jacobsohn chỉ cần nhìn ra phía sau bàn làm việc của mình. Nhà sưu tầm đã chi hàng chục nghìn USD để sưu tầm những hiện vật này, và bộ sưu tập vẫn đang tiếp tục mở rộng. Hiện tại, Jacobsohn phải cất giữ 30 thùng hiện vật trên gác mái vì không còn đủ không gian trưng bày. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục tìm kiếm và sưu tầm những hiện vật mới cho bảo tàng của mình. |