Mô hình nhà dưỡng lão tạo ra không gian để giới trẻ sạc lại năng lượng và tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Ảnh minh họa: CNA. |
Xu hướng nghỉ hưu sớm đang trở nên phổ biến tại xứ tỷ dân, nơi những người trẻ ở độ tuổi 30 đang tìm đến nhà dưỡng lão để tìm kiếm sự yên bình.
“Nhiều người thắc mắc tại sao những người trẻ này lại ‘nghỉ hưu’ sớm như vậy, nhưng thực tế rất nhiều người ở độ tuổi 30 đang cảm thấy lạc lối. Tôi đã từng là một trong số họ”, Lu Leilei (32 tuổi) chủ một nhà dưỡng lão ở Vân Nam (Trung Quốc), chia sẻ.
Dịch vụ dưỡng lão dành cho giới trẻ dành cho những người theo đuổi lối sống “nằm yên” (tang ping) và “FIRE”, Financial Independence, Retire Early (tạm dịch: “độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm”).
Cụ thể, “nằm yên” là triết lý sống tối giản, làm vừa đủ để trang trải cuộc sống, và FIRE là phong trào hướng tới độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm, theo SCMP.
Dịch vụ nhà dưỡng lão dành cho giới trẻ như homestay cộng đồng, nơi mọi người cùng chung tay đóng góp vì lợi ích chung. Ảnh minh họa: QQ. |
Khác với nhà dưỡng lão truyền thống, các cơ sở này hướng đến chăm sóc sức khỏe tinh thần cho khách hàng.
Dịch vụ cung cấp không gian thư giãn với quán bar, quán cà phê, phòng karaoke, tạo điều kiện cho mọi người giao lưu, giải tỏa căng thẳng và tìm lại cân bằng trong cuộc sống.
Lịch trình ở nhà dưỡng lão không cứng nhắc và tập trung vào hoạt động y tế như những cơ sở chăm sóc người cao tuổi, thay vào đó là một không gian sống chung thoải mái và gần gũi với thiên nhiên.
Các nhà dưỡng lão này không chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh thành khác nhau trên khắp Trung Quốc, từ tỉnh Vân Nam ở phía Tây Nam đến tỉnh Sơn Đông ở phía Đông.
Dù được gọi là “nhà dưỡng lão”, song, phần lớn cư dân không có ý định sống ở đây trong thời gian dài. Họ chỉ xem đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi để “sạc lại năng lượng” trước khi tiếp tục hành trình sự nghiệp phía trước.
Người trẻ Trung Quốc không còn mải miết chạy theo con đường sự nghiệp truyền thống. Họ đang bắt đầu tìm kiếm những lựa chọn mới mang lại sự cân bằng và hạnh phúc. Ảnh minh họa: CGTN. |
Tại cơ sở của Lu Leilei, các “cư dân” bắt đầu bằng cà phê tại quầy bar, tiếp theo là hoạt động tập khí công ba duan jin trong sân, thiền trên núi. Chiều đến, mọi người cùng nhau trồng trọt, câu cá và nấu ăn. Buổi tối, mọi người quây quần bên lửa trại, trò chuyện, chơi mạt chược và hát karaoke.
Trước cổng nhà dưỡng lão ghi dòng chữ “Hãy nằm xuống”, một lời mời đồng thời là triết lý sống của cơ sở này.
Cơ sở của Lu cung cấp 12 phòng ngủ với giá thuê 1.500 NDT (khoảng 200 USD)/tháng.
So với các viện dưỡng lão truyền thống, nơi chi phí tối thiểu hàng tháng trung bình là 5.000 nhân dân tệ (khoảng 700 USD) và chỉ dành cho người cao tuổi, các nhà dưỡng lão dành cho giới trẻ này rõ ràng là một lựa chọn hấp dẫn hơn về cả mặt chi phí lẫn lối sống.
Thậm chí một số cơ sở như nhà dưỡng lão ở Hà Bắc (Trung Quốc), chủ sở hữu Li Xiaolan không thu phí thuê nhà mà chỉ yêu cầu cư dân đóng góp vào việc duy trì và phát triển cơ sở.
Hai lối sống đang trỗi dậy ở Trung Quốc đều phản ánh sự chán nản và bất mãn của một bộ phận giới trẻ với áp lực công việc và cuộc sống hiện đại. Ảnh minh họa: Sixth Tone. |
Sau khi đăng tải thông tin cơ sở của mình lên mạng xã hội, hàng trăm tin nhắn và lời mời kết bạn trên WeChat gửi đến Lu Leilei mỗi ngày là minh chứng cho sức hút của mô hình này đối với giới trẻ.
Phong trào “FIRE” cũng đang lan rộng mạnh mẽ tại Trung Quốc. Bắt nguồn từ phương Tây, phong trào này khuyến khích người trẻ tiết kiệm và đầu tư để đạt được mục tiêu tài chính, sau đó nghỉ hưu sớm.
Song song với đó là sự quan tâm về xu hướng “nằm yên”, tức là không làm việc quá sức và chỉ tập trung vào những điều cần thiết để tồn tại.
Khác với FIRE phương Tây thường gắn liền với những người có thu nhập cao, ở Trung Quốc, phong trào này thu hút cả những người lao động bình thường, những người trẻ thất nghiệp và những người đang tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống.