Người trẻ Trung Quốc thiếu sự hỗ trợ tinh thần để đối mặt với áp lực cuộc sống. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels. |
Xã hội Trung Quốc phát triển kéo theo những thay đổi mạnh mẽ. Nhiều cụm từ xuất hiện, chỉ lối sống, phong cách làm việc, môi trường sống mới, phản ánh phần nào khó khăn, thách thức của quốc gia tỷ dân.
Tình trạng độc thân, sinh sống ở thành phố lớn, làm việc đến kiệt sức ở người trẻ Trung Quốc được mô phỏng thông qua 3 thuật ngữ dưới đây, theo SCMP.
Người trẻ Trung Quốc chọn độc thân, sống một mình ở thành phố lớn. Ảnh: Pexels/Timur Weber. |
‘Thanh niên trống tổ’
“Thanh niên trống tổ” (hay “kong chao qing nian”) là cách gọi những người trẻ độc thân và sống một mình. Thuật ngữ này bắt nguồn từ slogan của một công ty sản xuất phim, ví những người trẻ độc thân là những chú chim cô đơn trong chiếc tổ trống.
Theo ghi nhận, số lượng thanh niên Trung Quốc chuyển đến các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, yêu thích sự riêng tư và độc lập ngày càng gia tăng.
Theo điều tra dân số năm 2020, hơn 125 triệu người Trung Quốc sống một mình. Trong đó, hơn 63 % ở độ tuổi từ 20-59. Họ thường thiếu sự hỗ trợ về mặt tinh thần để đối phó với áp lực công việc và cuộc sống.
Guo (20 tuổi, Thượng Hải) chia sẻ với SCMP rằng: “Tôi có công việc khá ở thành phố hạng nhất, thuê căn hộ một phòng ngủ với giá 560 USD/tháng. Bạn đồng hành duy nhất của tôi là một chú mèo. Tôi chủ yếu ăn đồ ăn ở cửa hàng tiện lợi hoặc đặt thực phẩm về”.
“Sự cô đơn là cái giá phải trả khi chọn một cuộc sống tốt đẹp ở Thượng Hải”, cô nói thêm.
Làm thêm giờ là tình trạng phổ biến tại các doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh: Pexels/Artem Podrez. |
‘Văn hóa làm việc 996’
“Văn hóa làm việc 996” (hay “996 gong zuo wen hua”) mô tả hệ thống làm thêm giờ khắc nghiệt mà nhiều công ty Trung Quốc áp dụng. Hệ thống này yêu cầu người lao động làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần.
Tháng 3/2019, một người dùng đã khởi xướng cuộc biểu tình trực tuyến trên nền tảng dành cho các nhà phát triển toàn cầu GitHub. Người này vạch trần và chỉ trích chế độ làm việc 996 hà khắc của công ty, khẳng định văn hoá này đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân sự ngành công nghệ.
Do áp lực từ sếp, đồng nghiệp và quy định bất thành văn của công ty, nhiều nhân sự bắt buộc phải làm thêm giờ.
Tháng 8/2021, Trung Quốc tuyên bố văn hoá làm việc 996 là bất hợp pháp. Tuy nhiên, tình trạng làm thêm giờ vẫn diễn ra, trở thành chủ đề được quan tâm trên mạng xã hội.
Những người trẻ di cư từ tỉnh thành khác đến Bắc Kinh phải đối mặt với chi phí thuê nhà đắt đỏ, thiếu cảm giác an toàn và gắn bó. Ảnh: Pexels/Timur Weber. |
‘Người lang thang ở Bắc Kinh’
“Người lang thang ở Bắc Kinh” (hay “bei piao”) dùng để chỉ những người trẻ sống và làm việc tại Bắc Kinh mà không có hộ khẩu ở đây. Nhóm này bao gồm người nước ngoài.
Trong hành trình tìm kiếm cơ hội việc làm lý tưởng, người trẻ di cư từ nông thôn đến thủ đô. Chi phí thuê nhà đắt đỏ ở Bắc Kinh khiến họ không có nhà ở ổn định, thường xuyên phải di dời, thiếu vắng cảm giác an toàn và gắn bó.
Vào đầu những năm 2000, quận Haidian của Bắc Kinh là nơi sinh sống của khoảng 100.000 sinh viên đại học đến từ các tỉnh thành khác. Họ vừa đi học vừa làm việc bán thời gian, đánh dấu sự bùng nổ của thuật ngữ “bei piao”.
Theo thống kê, số lượng “người lang thang ở Bắc Kinh” là 8,24 triệu. Những người này thường phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như chi phí sinh hoạt cao, hạn chế đăng ký hộ khẩu và tình trạng thất nghiệp.