Những người trẻ tiêu hàng chục triệu đồng mỗi đêm tại bar

Nhiều nhóm người trẻ ở TP.HCM và Hà Nội chi trả số tiền lên đến hàng chục triệu đồng sau mỗi cuộc vui thâu đêm tại các bar, club.

Kết thúc cuộc vui lúc 2h sáng, Hoàng Nam (27 tuổi, quận 3, TP.HCM) đưa thẻ cho nhân viên phục vụ để thanh toán 22 triệu đồng, rồi nhóm bạn 3 người rời đi. Tương tự những dịp tụ tập khác, họ sẽ chia hóa đơn khi tỉnh giấc vào hôm sau.

Theo Hoàng Nam, chi phí cho mỗi đêm vui chơi tại night club của anh thường dao động khoảng 3-4 triệu đồng. Đỉnh điểm, anh từng tiêu hết 7 triệu đồng trong buổi sinh nhật một người bạn.

Tần suất tham dự những bữa tiệc tại bar của Nam là khoảng 2 lần/tháng. Anh thừa nhận dành khoảng 1/3 thu nhập cho hoạt động vui chơi này.

“Thực ra, khi nhận hóa đơn hoặc tin nhắn chia tiền từ bạn bè, tôi cũng có thấy tiếc. Tuy nhiên, mỗi lần được rủ rê, tôi đều gật đầu đồng ý”, chàng trai 27 tuổi chia sẻ với Tri thức – ZNews.

tieu hang chuc trieu, bar hanoi, hoa don di bar, nhan vien booking, night club, tiec tung thau dem anh 1
Nhiều người trẻ chi tiêu số tiền lớn cho những cuộc vui tại các quán bar. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Hoàng Nam không phải trường hợp cá biệt. Một bộ phận người trẻ cho biết sẵn sàng chi đến chục triệu đồng tại các quán bar để mua niềm vui, coi đây là hoạt động giải trí thường xuyên.

Tuy nhiên, chủ sở hữu, quản lý các night club cho biết số lượng khách chi trả như vậy không lớn. Trong bối cảnh người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu hiện nay, các cơ sở kinh doanh đồ ăn thức uống về đêm càng nỗ lực thu hút khách VIP, chăm sóc tận tình để giữ chân nhóm đối tượng này.

Tại sao chi nhiều?

Thu Anh (25 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) là khách quen của một quán bar trong khu vực trung tâm thành phố. Là chuyên viên bán hàng của một doanh nghiệp bất động sản, Thu Anh không còn xa lạ với những buổi tiếp khách kéo dài đến 1-2h sáng.

Bàn của cô thường gồm 5-7 người, gọi 2 chai rượu, hoa quả và đồ ăn vặt. Tuỳ vào loại rượu mà khách hàng gọi, hoá đơn Thu Anh nhận về sau mỗi buổi tiếp khách dao động trong khoảng 20-25 triệu đồng.

tieu hang chuc trieu, bar hanoi, hoa don di bar, nhan vien booking, night club, tiec tung thau dem anh 2
Thu Anh đến bar với khách hàng và bạn bè, sẵn sàng tiêu 1/2 lương tháng cho hoạt động vui chơi này.

Không chỉ đến bar để tiếp khách, chuyên viên bán hàng này cũng thường xuyên có mặt tại các địa điểm vui chơi ban đêm để tụ tập bạn bè. Đối với cô, đây là hình thức giải trí giúp giải tỏa căng thẳng, áp lực, đồng thời góp phần mở rộng mối quan hệ xã hội.

Theo Thu Anh, những cuộc vui tại night club thường khá đông vui, bao gồm cả người quen và người lạ. Nhờ bạn bè giới thiệu, cô có thể gặp gỡ nhiều người mới, xây dựng những kết nối quan trọng.

“Tôi không thích đi cà phê hay vi vu du lịch. Phần lớn ngân sách giải trí của tôi đều dành cho bar, pub”, Thu Anh chia sẻ với Tri thức – ZNews.

Những cuộc vui với bạn bè của cô gái 25 tuổi thường tốn khoảng 15 triệu đồng. Sau khi chia đều, Thu Anh thường phải chi trả 3 triệu đồng cho mỗi lần vui chơi.

Đỉnh điểm, trong tháng cận Tết Nguyên đán năm nay, nữ chuyên viên bán hàng dành đến 12 triệu đồng, tương đương với nửa tháng lương, cho những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng cùng đồng nghiệp, bạn bè, đối tác.

Tương tự, Huy Mạnh (24 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng thường xuyên có mặt tại các con phố ăn chơi về đêm như Tạ Hiện, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến mỗi dịp cuối tuần.

Anh giữ liên lạc với nhân viên booking (đặt bàn) của một số quán quen. Các địa điểm ăn chơi trong danh sách này đều lưu thông tin của Mạnh, giúp anh tiết kiệm thời gian cung cấp số điện thoại, yêu cầu về bàn, thời gian ghé quán mỗi lần đặt chỗ.

Nhóm bạn của Huy Mạnh đặt ra quy tắc chia đều hoá đơn. Người đến muộn, về sớm hay có mặt suốt cuộc chơi đều phải chi trả số tiền bằng nhau.

Chi phí vui chơi của chàng trai 24 tuổi tỷ lệ thuận với mức độ vui của buổi tiệc. Nếu cảm thấy hào hứng, anh và bạn bè sẽ gọi thêm rượu và đồ ăn nhẹ.

Ngược lại, khi không cảm nhận được không khí sôi động, náo nhiệt, hội bạn của Mạnh thường dừng lại ở một chai rượu, chốt order và ra về.

“Tôi tiêu tối thiểu 1 triệu đồng/đêm. Lần chi tiêu nhiều nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, tôi trả 5 triệu đồng cho một cuộc vui”, Mạnh nói.

Giải thích cho mức chi tiêu tương đối lớn tại bar, club, Huy Mạnh cho biết vẫn sống chung với bố mẹ, không tốn tiền thuê nhà riêng. Anh cũng chưa có ý định tiết kiệm để mua nhà, tậu xe, vẫn ưu tiên các hoạt động vui chơi, giải trí.

Ít khách tiêu nhiều

Theo Tùng Anh, chủ sở hữu một quán bar trên phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), số lượng hoá đơn lên đến hàng chục triệu không nhiều ở thời điểm hiện tại.

Từ đầu năm 2023, tình hình kinh doanh của đơn vị anh trở nên ảm đạm do kinh tế suy thoái, người tiêu dùng cắt giảm nhu cầu giải trí và quy định phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Trước đây, mỗi dịp cuối tuần, Tùng Anh ghi nhận khoảng 5/20 bàn đạt mức chi tiêu hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ này chỉ có thể đạt được trong những dịp lễ lớn như Tết Âm lịch, Dương lịch hay Giáng sinh.

“Nếu may mắn, quán tôi có thể ghi nhận 1-2 bàn trả hơn 10 triệu đồng dịp cuối tuần. Thông thường, họ chỉ tiêu nhiều như vậy khi có sinh nhật, tiệc hậu đám cưới, tất niên”, Tùng Anh chia sẻ với Tri thức – ZNews.

Vì vậy, những khách hàng trả hoá đơn lên đến 8 con số sẽ được quán của Tùng Anh liệt kê vào danh sách VIP. Nếu có mặt tại quán, anh thường quan sát kỹ các bàn, cử nhân viên chăm sóc kỹ những đối tượng gọi đồ liên tục, không ngại “xuống tiền”, nhằm giữ chân khách, gia tăng tỷ lệ quay lại.

tieu hang chuc trieu, bar hanoi, hoa don di bar, nhan vien booking, night club, tiec tung thau dem anh 5
Các đơn vị trong lĩnh vực nightlife nỗ lực thu hút và giữ chân khách VIP trong bối cảnh kinh doanh khó khăn. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Giống với Tùng Anh, Kim Phụng, quản lý một quán bar tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), cũng đặc biệt chú ý, quan tâm, xây dựng chính sách chăm sóc riêng đối với những nhóm khách hàng tiêu đến hàng chục triệu mỗi đêm.

Tại quán, Phụng tặng thêm cho các bàn này khay shot, hoa quả để kéo dài cuộc chơi của khách, kích cầu tiêu dùng. Khi họ ra về, cô cử nhân viên gọi taxi, xin thông tin của khách hàng trong thời gian chờ xe đến.

Sau đó, nhân viên booking của Phụng tiếp tục nhắn tin hỏi thăm trải nghiệm của họ sau khi đến quán. Đồng thời, cơ sở kinh doanh này cũng tung ra số lượng lớn voucher, xây dựng các chương trình ưu đãi dành riêng cho VIP.

Theo thông tin lưu trữ trên hệ thống quản lý khách hàng của quán, trước dịp sinh nhật các VIP, nhân viên của Kim Phụng cũng nhắn tin chúc mừng sớm và mời đặt bàn, tặng quà cho chủ nhân bữa tiệc.

“Nhân viên booking của tôi nhận hoa hồng dựa trên hoá đơn của khách. Vì vậy, các bạn cũng chủ động chăm sóc những đối tượng sẵn sàng tiêu số tiền lớn”, Phụng nói.

  • Quán chay TP.HCM, Hà Nội kín chỗ ngày rằm

    Cùng với trào lưu “chữa lành”, các nhà hàng chay tầm trung ngày càng đón nhiều khách hàng trẻ. Nhưng duy trì chất lượng với mức giá rẻ là một bài toán khó của chủ quán.

  • YouTuber Hàn Quốc bị chỉ trích vì độc thân

    Seen Aromi cho biết thành tựu lớn nhất của mình là không kết hôn. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích lối sống độc thân này, cho rằng cô đang sống “ích kỷ”.


Cùng chuyên mục