Một bài đăng trên mạng xã hội Xiaohongshu với nội dung tìm kiếm “pei liao” (tạm dịch: “người đồng hành trò chuyện”) với mức giá không giới hạn đang gây xôn xao dư luận Trung Quốc. Bài đăng này phản ánh thực trạng cô đơn và khao khát kết nối trong xã hội hiện đại.
“Pei liao” chỉ là một trong số rất nhiều dịch vụ thuộc “nền kinh tế bạn đồng hành” (peiban jingji) đang nở rộ tại quốc gia tỷ dân. Hình thức kinh doanh này cho phép khách hàng trả phí để có người trò chuyện, chơi game, mua sắm, hay tham gia các hoạt động khác cùng.
Theo Tiến sĩ Zhao Litao, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Đông Á (ĐH Quốc gia Singapore), xu hướng này phản ánh sự chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng của người trẻ Trung Quốc, hướng đến việc đầu tư cho sức khỏe tinh thần và trải nghiệm cá nhân, theo CNA.
Sun Zeliang nhận dịch vụ pei liao để kiếm thêm thu nhập trong thời gian đại dịch. Ảnh: Sun Zeliang. |
Những người trẻ làm ‘nghề đồng hành’
Sun Zeliang (27 tuổi, Chiết Giang, Trung Quốc) đã biến “pei liao” thành công việc bán thời gian trong thời kỳ đại dịch. Thông qua Douyin, anh cung cấp dịch vụ trò chuyện trực tuyến với mức giá 180 NDT (khoảng 33 USD) mỗi giờ.
Khách hàng của Sun chủ yếu là nữ giới, với những nhu cầu đa dạng, từ tâm sự, chia sẻ đến đơn giản là lắng nghe những lời ngọt ngào.
“Tôi sẽ không thực hiện những yêu cầu mà bản thân không muốn, ví dụ như cởi đồ hay khoe cơ bụng”, Sun cho biết anh có những nguyên tắc riêng, từ chối những yêu cầu nhạy cảm.
Bên cạnh trò chuyện, “nền kinh tế bạn đồng hành” còn phát triển nhiều hình thức khác. Chẳnh hạn như Lin Shuo (bí danh) hành nghề dịch vụ hóa thân thành nhân vật (cos weituo). Cô nhận các yêu cầu hóa trang thành nhân vật nam trong những trò chơi di động nổi tiếng.
Ngoài ra, dịch vụ thuê người chơi game cùng (pei wan) cũng được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Sinh viên Fu Fu (bí danh) ở Thiểm Tây (Trung Quốc) thường thuê người chơi Honor of Kings cùng để “vừa vui vừa giảm áp lực”. Cô thường chi khoảng 20 NDT (khoảng 3 USD) cho mỗi trận đấu.
Theo Tiến sĩ Lim Tai Wei (Viện Đông Á), sự tương tác nhanh chóng trong các dịch vụ này mang lại cảm giác thỏa mãn tức thì. Với một số người, cảm giác bí ẩn khi tiếp xúc với người lạ cũng là một điểm hấp dẫn.
Lin Shuo đang hoá trang thành Shen Xinghui, còn được gọi là Xavier, nhân vật trong trò chơi di động Love and Deepspace. Ảnh: Lin Shuo. |
Muôn vàn khó khăn
Các chuyên gia nhận định, sự phát triển của “nền kinh tế bạn đồng hành” gắn liền với xu hướng độc thân và kết hôn muộn, một thực trạng phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc do thay đổi quan niệm sống, áp lực công việc và bất ổn kinh tế.
“Internet tạo ra không gian ảo cho các tương tác xã hội, điều này đặc biệt hấp dẫn với những người trẻ đang phải đối mặt với áp lực học tập và sự nghiệp”, Tiến sĩ Li Mei, giảng viên truyền thông tại ĐH Sydney, nhận định.
Một báo cáo năm 2019 của Sinolink Securities ước tính quy mô “nền kinh tế bạn đồng hành” có thể đạt 40-50 tỷ NDT (khoảng 5,6-7 tỷ USD) vào năm 2025.
Tuy nhiên, công việc này không hề dễ dàng.
Sun Zelian chia sẻ về sự mệt mỏi và căng thẳng tinh thần mà anh đã trải qua. Vào thời kỳ cao điểm, anh nhận được khoảng 200 yêu cầu mỗi ngày, tương đương với 18 giờ trò chuyện liên tục.
“Áp lực lên tinh thần quá lớn, tôi không thể chịu đựng được nữa… thật đáng sợ”, Sun nói. Anh đã ngừng cung cấp dịch vụ vào giữa năm ngoái.
Lin Shuo cũng đã tạm dừng công việc này. Cô chia sẻ công sức bỏ ra nhiều nhưng tiền công lại rất ít. Một cosplayer có 2.000-5.000 người theo dõi có thể nhận được 500-800 NDT (70-100 USD) cho 8 tiếng làm việc, theo Lin, số tiền này chỉ vừa đủ để trang trải cuộc sống.
Lượt tìm kiếm dịch vụ “pei liao” đang thịnh hành trên Xiaohongshu. Ảnh: Xiaohongshu. |
Sự phát triển nhanh chóng của “nền kinh tế bạn đồng hành” kéo theo nhiều vấn nạn như quấy rối, lừa đảo và thiếu sự kiểm soát, gây ra không ít lo ngại trong xã hội.
Sun Zeliang từng bị một khách hàng nữ theo đuổi dai dẳng suốt một tháng. Sinh viên Fu Fu cũng gặp phải những người có ý định tán tỉnh, gạ gẫm khi tìm kiếm bạn trò chuyện.
Theo Tiến sĩ Lim Tai Wei, mặc dù các mối quan hệ trong “nền kinh tế bạn đồng hành” đề cao sự riêng tư, nhưng người dùng vẫn có nguy cơ gặp phải những kẻ có mục đích xấu.
Một báo cáo của XINHUA (tháng 10/2023) phát hiện nhiều trẻ vị thành niên tham gia cung cấp dịch vụ “pei wan” mặc dù các ứng dụng yêu cầu người dùng phải trên 18 tuổi. Báo cáo cũng “vạch trần” tình trạng lợi dụng dịch vụ này để môi giới mại dâm.
Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người trẻ Trung Quốc là một động lực quan trọng thúc đẩy “nền kinh tế bạn đồng hành”. Giới trẻ sẵn sàng chi tiền cho các “dịch vụ tinh thần và cảm xúc”, theo Tiến sĩ Li Mei.
Tiến sĩ Zhao Litao cũng nhận thấy sự chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng tại Trung Quốc, hướng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống và trải nghiệm cá nhân.
Bên cạnh đó, “nền kinh tế bạn đồng hành” còn tạo ra các cơ hội việc làm linh hoạt, đặc biệt là cho sinh viên và những người trẻ chưa có việc làm ổn định. Đây là một yếu tố quan trọng trong bối cảnh thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc đang ở mức cao, đạt 18,8% trong tháng 8/2024.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh bản chất của các mối quan hệ trong “nền kinh tế bạn đồng hành” là trao đổi, thiếu sự gắn kết và không phải ai cũng phù hợp.
“Các mối quan hệ này mang tính thực dụng và hời hợt. Họ có thể dễ dàng chia tay mà không có ràng buộc về cảm xúc,” Tiến sĩ Lim Tai Wei nhận xét.