Tớ là Lộc (bên trái) là người đăng bài tuyển dụng tình nguyện viên cho resort của gia đình. Gặp phản ứng trái chiều từ cộng đồng mạng, hiện nhà sáng tạo nội dung đã ẩn bài đăng này. Ảnh: Lê Xuân Lộc. |
“Tuyển tình nguyện viên sống lành cùng Nala Boutique Retreat” là bài đăng thu về nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội trong vài ngày gần đây.
Trong bài viết, chủ tài khoản Tớ là Lộc, một nhà sáng tạo nội dung, đưa ra các yêu cầu cho tình nguyện viên là “phục vụ ăn uống, buồng phòng, cảnh quan, bể bơi…”. Ở chiều ngược lại, những người này được bao ăn ở và cấp giấy chứng nhận sau thời gian làm việc ít nhất 1 tháng.
Phía dưới bài viết, nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng đây là chiêu thức tuyển dụng người lao động không lương trá hình. Tuy nhiên, một số vẫn lên tiếng bênh vực, cho biết hình thức tuyển tình nguyện viên bao ăn ở tương đối phổ biến tại các homestay, khu nghỉ dưỡng.
Điều đáng tranh cãi là trong khi các đơn vị lưu trú khác chỉ yêu cầu tình nguyện viên làm vườn, đồng thời được hưởng thành phẩm, Nala Boutique Retreat (Hòa Bình) lại đòi hỏi những người này có sức khỏe tốt, đảm nhiệm các công việc theo yêu cầu.
Hiện bài đăng tuyển dụng gây tranh cãi đã bị chủ tài khoản ẩn trên trang cá nhân.
Bài tuyển dụng tình nguyện viên với nhiệm vụ tương đương nhân viên khu nghỉ dưỡng thu hút sự quan tâm lớn.: @shitfoto.o. |
Tình trạng tuyển dụng nhân sự không lương trá hình với chức danh “tình nguyện viên”, “cộng tác viên” và “thực tập sinh” không còn mới.
Theo đại diện bộ phận nhân sự của một số công ty, doanh nghiệp sẽ bị cho là bóc lột lao động khi giao công việc tương đương với nhân viên chính thức, từ chối hỗ trợ đào tạo, không cung cấp điều kiện làm việc an toàn,… với nhóm đối tượng này.
Về phía nhân sự, nhiều người từng lao động nặng nhọc không lương do nhẹ dạ cả tin. Trong khi đó, một số may mắn tỉnh táo trước những chiêu thức tuyển dụng trên.
Bích Ngọc (27 tuổi, quận 4, TP.HCM) từng đăng ký vào vị trí “cộng tác viên sự kiện” cho một lễ hội giao lưu văn hoá kéo dài 2 ngày. Sau hàng chục tiếng đồng hồ quản lý, chăm sóc khách mời, xử lý cãi vã, va chạm, cô nhận về 0 đồng và tờ giấy chứng nhận không có dấu đỏ của đơn vị chủ trì.
‘Cú lừa’ lao động không công
3 năm trước, Bích Ngọc lên kế hoạch đi du học. Để làm đẹp hồ sơ xin học bổng, cô cần tham gia nhiều hoạt động liên quan đến quốc gia muốn đến và lĩnh vực truyền thông định theo học.
Sau khi tìm kiếm trên mạng xã hội, cô nhận được thông tin một tổ chức phi chính phủ khởi xướng hoạt động giao lưu văn hóa trong 2 ngày cuối tuần. Công ty sự kiện được ủy quyền tổ chức đăng tải thông báo tìm cộng tác viên chạy chương trình.
Ngọc háo hức ứng tuyển vì ban tổ chức cam kết cung cấp giấy chứng nhận. Khi đến địa điểm, cô nhận đồng phục của công ty sự kiện, đeo thẻ nhân viên, bắt đầu nghi ngờ về vai trò của mình tại đây.
Ban đầu, Bích Ngọc tưởng chỉ đảm nhận những nhiệm vụ đơn giản như hướng dẫn lối đi hay sắp xếp chỗ ngồi. Cô không ngờ phải giải quyết cả những vụ cãi vã, tranh chấp, ẩu đả trong suốt 2 ngày.
Ngọc cũng không được hỗ trợ tiền ăn uống, phí gửi xe, vừa không có thù lao vừa mất thêm gần 500.000 đồng phí sinh hoạt cá nhân khi thử sức với vai trò cộng tác viên sự kiện.
Nhiều cộng tác viên, tình nguyện viên phải đảm nhiệm công việc như nhân sự chính thức, không nhận được trợ cấp từ doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Sau 2 ngày liên tục chạy việc, cô nhận về tờ giấy chứng nhận có chữ ký của giám đốc công ty sự kiện, thay vì dấu đỏ của tổ chức phi chính phủ chủ trì chương trình.
“Lỗi của tôi là không hỏi kỹ yêu cầu công việc, phụ cấp và đơn vị cung cấp giấy chứng nhận. Tôi đành chấp nhận đi làm không lương 2 ngày cuối tuần, khó lòng trách móc ai”, Bích Ngọc ngậm ngùi nói.
May mắn hơn Bích Ngọc, Thu Uyên (26 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) nhanh chóng nhận ra chiêu thức tuyển dụng người lao động không lương của một agency quảng cáo. Sau khi hoàn thành buổi phỏng vấn với đơn vị này hồi năm ngoái, cô nhận được lời mời làm việc khó hiểu.
Thu Uyên từ chối lời mời làm việc ở vị trí thực tập sinh không lương 6 tháng với khối lượng công việc lớn, chương trình đào tạo không rõ ràng. |
“Bạn không có kinh nghiệm làm việc ở agency, khiến công ty phải đào tạo từ đầu. Do đó, chúng tôi đề nghị bạn bắt đầu với vị trí thực tập sinh không lương trong 6 tháng”, Thu Uyên thuật lại lời của nhà tuyển dụng.
Nhận thấy lời mời làm việc này có vấn đề, cô nhanh chóng hỏi lại về nhiệm vụ cụ thể, người hướng dẫn trong quá trình thực tập. Tuy nhiên, Uyên nhận về câu trả lời ấp úng, không rõ ràng từ phía doanh nghiệp.
Dù chỉ là thực tập sinh, Thu Uyên vẫn phải chịu trách nhiệm điều phối các chiến dịch, dự án quan trọng của công ty như nhân viên chính thức. Hơn nữa, lộ trình đào tạo, tập huấn dành cho cô cũng không được xây dựng cụ thể.
“Tôi đã gia nhập thị trường lao động 5 năm, không nhẹ dạ cả tin để gật đầu với lời đề nghị này. Chiêu trò sử dụng lao động miễn phí đó chỉ có thể ‘bẫy’ sinh viên mới ra trường”, Uyên bức xúc nói.
Tránh mắc bẫy tuyển dụng
Chia sẻ với Tri Thức – ZNews, Quỳnh Anh (32 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM), trưởng bộ phận hành chính – nhân sự của một doanh nghiệp tài chính, cho biết sự trao đổi rõ ràng giữa người lao động và công ty tuyển dụng là điều đặc biệt cần thiết.
Theo Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng thử việc có thời hạn tối đa là 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên. Trong thời gian đó, người lao động được hưởng thu nhập bằng ít nhất 85% mức lương của công việc đó.
Đối với vị trí thực tập sinh, doanh nghiệp không có nghĩa vụ trả lương, mà chỉ thực hiện trách nhiệm tiếp nhận và tạo điều kiện học tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Do đó, thực tập sinh và công ty cần trao đổi rõ ràng về trách nhiệm, quyền lợi của đôi bên, tránh dẫn đến tình trạng bức xúc do bị bóc lột lao động.
“Tôi mong các bạn dám đặt câu hỏi thẳng thắn về nhiệm vụ được giao, điều kiện làm việc, chương trình đào tạo. ‘Mất lòng trước được lòng sau’ là lời khuyên tôi dành cho các thực tập sinh”, Quỳnh Anh nói.
Cũng theo trưởng bộ phận hành chính – nhân sự này, dấu hiệu để nhận biết một doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự không lương trá hình bao gồm hành vi giao phó khối lượng công việc tương đương nhân viên chính thức, yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ ngoài chương trình thực tập, từ chối đào tạo và hỗ trợ thực tập sinh hoàn thành công việc.
Trao đổi rõ ràng về nghĩa vụ và quyền lợi giúp các thực tập sinh, cộng tác viên, tình nguyện viên tránh bị bóc lột sức lao động. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Đồng tình với Quỳnh Anh, Duy Phương (29 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội), trưởng phòng nhân sự của một công ty tổ chức sự kiện, khẳng định sự trao đổi rõ ràng giữa đôi bên là điều kiện tiên quyết cho một mối quan hệ hợp tác lao động thành công.
Với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, doanh nghiệp của Duy Phương phải thường xuyên tuyển dụng cộng tác viên, tình nguyện viên hỗ trợ chạy chương trình.
Để tránh tạo ra tâm lý bức xúc cho đội ngũ này, công ty luôn trao đổi cụ thể về công việc và quyền lợi với cộng tác viên. Doanh nghiệp chỉ giao những nhiệm vụ đơn giản như phát tờ rơi, hướng dẫn khách mời di chuyển, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em cho tình nguyện viên.
“Khi những vấn đề lớn hơn phát sinh, chúng tôi yêu cầu các bạn liên hệ với nhân sự chính thức của công ty để xử lý”, Phương cho biết.
Về quyền lợi, công ty tổ chức sự kiện này cũng hỗ trợ phí ăn uống, di chuyển, gửi xe, tránh khiến cộng tác viên mất thêm tiền. Đối với các chương trình có sự tham gia của những đơn vị lớn, doanh nghiệp này luôn xin cấp giấy chứng nhận cho tình nguyện viên, đảm bảo đem lại quyền lợi cho đội ngũ này.
“Nếu không thể cung cấp giấy chứng nhận đến từ đơn vị lớn, tổ chức uy tín, chúng tôi sẽ không tuyển cộng tác viên”, trưởng phòng nhân sự 29 tuổi khẳng định.