Những hãng lớn được mệnh danh “grail watch” (tạm dịch: “đồng hồ đáng mơ ước”) như Rolex, Patek Philippe, Audemars Piguet… giờ đây đang dần mờ nhạt trong tâm trí giới mộ điệu trẻ tuổi.
Thay vào đó, thị trường đồng hồ xa xỉ tại Trung Quốc đang chứng kiến sự dịch chuyển sang các thương hiệu độc lập như De Bethune, MB&F, Urwerk, F.P. Journe, H. Moser & Cie,… Jing Daily đưa tin.
Nhà phân tích tài chính Grey Ge (27 tuổi, Thượng Hải, Trung Quốc) bắt đầu tham gia vào thế giới đồng hồ xa xỉ cách đây khoảng 5 năm.
Trong khoảng thời gian đó, anh đã sở hữu một bộ sưu tập ấn tượng với những chiếc đồng hồ có giá từ 50.000 USD đến từ các thương hiệu độc lập như De Bethune, MB&F, Urwerk, F.P. Journe và H. Moser & Cie.
Về chiếc đồng hồ đầu tiên, thay vì hướng đến những cỗ máy thời gian từ các thương hiệu hàng đầu, nhà phân tích tài chính chọn một chiếc Hublot Classic Fusion bằng gốm đen.
“Chiếc Hublot này có nét tương đồng với chiếc Audemars Piguet gốm đen mà tôi không thể ‘chạm tay’ vào được”, anh nói.
Chính sự khó khăn trong việc tiếp cận “grail watch” đã thôi thúc Ge lựa chọn các mẫu đồng hồ mà anh thực sự yêu thích, trong đó có nhiều thương hiệu độc lập. Theo Ge, những thương hiệu này có nét độc đáo riêng, sản xuất số lượng giới hạn, thể hiện gu thẩm mỹ không chạy theo số đông của người sở hữu.
Xu hướng này không chỉ giới hạn ở những người chơi mới thuộc thế hệ Z. Ngay cả các nhà sưu tập “grail” dày dặn kinh nghiệm cũng đang thể hiện sự quan tâm đến các thương hiệu độc lập.
Đồng hồ của nhà H. Moser & Cie., một trong những thương hiệu độc lập được giới mộ điệu yêu thích. Ảnh: Hausmann. |
Thú vui của giới sưu tập
Jackie Ho, người sáng lập câu lạc bộ những người yêu đồng hồ nổi tiếng Watch Ho & Co trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), bắt đầu sưu tập đồng hồ cách đây khoảng một thập kỷ.
Jackie từng lựa chọn các thương hiệu quen thuộc như Panerai và Patek Philippe, sau đó chuyển hướng sưu tầm Rolex. Nhưng ông nhanh chóng mất hứng thú vì việc thẩm định đồng hồ cổ quá phức tạp.
Hiện trong bộ sưu tập của ông bao gồm các thương hiệu Daniel Roth, De Bethune, FP Journe và Atelier Wen.
“Thương hiệu độc lập không gặp phải vấn đề về xác thực như đồng hồ cổ vì chúng được sản xuất với số lượng hạn chế và có hệ thống nguồn gốc rõ ràng”, ông nhận định.
Bên cạnh đó, ông cho rằng các thương hiệu độc lập cung cấp “sự độc quyền và thiết kế độc đáo cho những người đam mê đồng hồ đang muốn ‘nâng cấp’ bộ sưu tập của mình”.
Mối quan hệ khăng khít giữa thương hiệu độc lập và khách hàng cũng là điểm cộng với nhà sưu tầm kinh nghiệm 10 năm này.
“Tôi có thể dễ dàng trao đổi với nhà bán lẻ và cả chính những người thợ chế tác đồng hồ thông qua tin nhắn trực tiếp trên mạng xã hội, email hoặc thậm chí là gọi điện thoại, dù trước đó tôi chưa mua đồng hồ”, Jackie nói.
Không chỉ giới trẻ, ngay cả những nhà sưu tầm dày dặn kinh nghiệm cũng đang tìm đến các thương hiệu đồng hồ độc lập. Ảnh minh họa: The Hour Glass. |
Tiềm năng thị trường tỷ dân
Giới sưu tập đồng hồ ở Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa bộ sưu tập, vượt ra ngoài những cái tên quen thuộc, mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho các thương hiệu độc lập.
Edouard Meylan, CEO của H. Moser & Cie., thương hiệu độc lập đến từ Thụy Sĩ, nhìn thấy nhiều tiềm năng ở thị trường tỷ dân này. Theo ông, trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường chiến lược quan trọng nhất của Moser & Cie. trên toàn cầu.
Báo cáo của Morgan Stanley về tình trạng ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ được công bố vào tháng 2/2024 cho thấy H. Moser và Cie. là một trong 3 thương hiệu độc lập duy nhất lọt vào top 50 thương hiệu đồng hồ hàng đầu thế giới năm 2023, với doanh thu hơn 100 triệu USD.
Dòng sản phẩm Streamliner của thương hiệu, có giá từ 22.000 đến 121.000 USD, là dòng sản phẩm được yêu thích nhất tại Trung Quốc.
Để đáp ứng nhu cầu cao, Moser đã khai trương cửa hàng toàn cầu đầu tiên tại Hồng Kông vào tháng 12/2022, tiếp theo là cửa hàng ở Thượng Hải. Một cửa hàng mới tại Bắc Kinh cũng sắp ra mắt.
Tháng tới, thương hiệu Thụy Sĩ cũng hợp tác với một đội đua F1 trong chặng đua Grand Prix Trung Quốc tại Thượng Hải. Đó cũng là thời điểm hãng cho ra mắt phiên bản đồng hồ đặc biệt trong sự kiện lớn nhất từ trước đến nay của H. Moser & Cie.
Cửa hàng M.A.D.Gallery của thương hiệu MB&F tại Đài Bắc. Ảnh: MAD. Gallery. |
Thách thức
Dù nhu cầu đối với đồng hồ thương hiệu độc lập đang thay đổi tích cực tại thị trường Trung Quốc, nhiều thương hiệu vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nhà sưu tập ở đây.
Maximilian Büsser, người sáng lập thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ MB&F, cho biết một trong những thách thức lớn là văn hóa mua sắm ở Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các cửa hàng độc quyền.
Hầu hết “ông lớn” trong ngành đồng hồ xa xỉ đã mở các cửa hàng độc quyền tại Trung Quốc, điều mà không phải thương hiệu độc lập nào cũng có đủ khả năng vận hành do số lượng đồng hồ sản xuất hạn chế.
Ngoài ra, Maximilian Büsser cũng chỉ ra rằng các nhà bán lẻ đa thương hiệu không quan tâm đến việc bán các thương hiệu độc lập vì chúng không thể cung cấp số lượng lớn đồng hồ để bán mỗi tháng như các thương hiệu phổ biến khác.
Điển hình như F.P. Journe, một trong những thương hiệu đồng hồ độc lập hàng đầu thế giới, từng mở một cửa hàng độc quyền tại Trung Quốc đại lục nhưng sau đó đã phải đóng cửa do thuế cao và mô hình kinh doanh không phù hợp.
Thay vào đó, một số thương hiệu độc lập đã chọn tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua Hong Kong, Macau và Đài Loan. Chẳng hạn, MB&F đã khai trương M.A.D.Gallery tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) vào năm 2014. Năm 2006, F.P. Journe cũng vận hành một cửa hàng độc quyền tại Hong Kong.