Sáng xem gì trên mạng, đêm mơ nấy

Nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ giữa những giấc mơ và nội dung được tiêu thụ trên mạng xã hội. Các nội dung bạo lực có khả năng dẫn đến ác mộng.

Người dùng MXH đối mặt với sự lo lắng, sợ hãi trong những giấc ngủ. Ảnh minh hoạ: Pexels/Cottonbro Studio. 

Theo một khảo sát được công bố trên tạp chí BMC Psychology hồi tháng 3, các nhà nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa những cơn ác mộng và nội dung được tiêu thụ trên mạng xã hội. Nhìn chung, tần suất sử dụng mạng xã hội góp phần vào mức độ nghiêm trọng của những giấc mơ liên quan.

Nếu người dùng theo dõi nội dung có tính bạo lực, họ dễ dàng gặp ác mộng, cảm thấy sợ hãi và lo lắng trong giấc mơ. Ngoài ra, việc sử dụng mạng xã hội quá mức cũng dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém và tình trạng sức khỏe tinh thần xấu, theo New York Post.

giac ngu,  ac mong,  mang xa hoi anh 3

Những cơn ác mộng có thể bắt nguồn từ nội dung tiêu cực trên mạng xã hội. Ảnh minh hoạ: Pexels/Cottonbro Studio.

Ác mộng đến từ mạng xã hội

“Khi mạng xã hội ngày càng gắn bó với cuộc sống con người, tác động của chúng vượt ra khỏi khung giờ tỉnh táo, ảnh hưởng đến cả những giấc mơ”, nhà nghiên cứu Reza Shabahang (Đại học Flinders, Cao đẳng Giáo dục, Tâm lý học và Công tác xã hội) nói.

Nghiên cứu bao gồm 595 người trưởng thành sử dụng mạng xã hội tại Iran. Thuật ngữ “social media-related nightmares” (tạm dịch: “ác mộng liên quan đến MXH”) bắt đầu xuất hiện, thể hiện những giấc mơ đáng sợ tương ứng với các trải nghiệm trực tuyến.

Những cơn ác mộng này thường bắt nguồn từ các nội dung bạo lực hoặc kích động sự thù hận. Để nghiên cứu mối quan hệ giữa hành vi “lướt mạng” và những giấc mơ, nhóm nghiên cứu đã phát triển Thang đo ác mộng liên quan đến nội dung trực tuyến (SMNS), bao gồm một bảng hỏi 14 câu.

87% đáp viên tham gia khảo sát sử dụng Instagram, 11% dùng Twitter và 2% là người dùng Facebook. Theo báo cáo, tần suất dùng mạng xã hội tỷ lệ thuận với số lượng những cơn ác mộng liên quan.

Phần lớn giấc mơ liên đới với các nội dung trên phương tiện truyền thông đều thể hiện cảm giác lo lắng, sợ hãi, đau khổ, được xem như ác mộng, phản ánh chất lượng giấc ngủ thấp.

“Mặc dù những giấc mơ liên quan đến phương tiện truyền thông trực tuyến không quá phổ biến, những người sử dụng MXH vẫn phải đối mặt với nguy cơ gặp ác mộng tương ứng với nội dung họ tiêu thụ, rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng, thậm chí trầm cảm”, nhà nghiên cứu Shabahang cho biết.

giac ngu,  ac mong,  mang xa hoi anh 6

Người dùng Internet cần kiểm soát hành vi sử dụng MXH để đảm bảo sức khoẻ tinh thần. Ảnh minh hoạ: Pexels/Cottonbro Studio.

Bảo vệ bản thân trong thời kỳ công nghệ

Báo cáo này được đưa ra khi mức độ lo lắng về tác động của MXH đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tinh thần của công chúng gia tăng.

Theo Reza Shabahang, trong bối cảnh công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông, trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển nhanh chóng, những giấc mơ kết nối với nội dung trên mạng ngày càng gia tăng, diễn ra phổ biến, thường xuyên hơn.

Để chống lại tình trạng này, các nhà nghiên cứu khuyên người dùng Internet nhận thức rõ ràng về cách thức sử dụng và tương tác với những nội dung xuất hiện trên MXH, đồng thời kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc nảy sinh sau khi tiêu thụ thông tin. Họ cũng cần tạo ra một môi trường nghỉ ngơi thư giãn, lý tưởng để hạn chế ác mộng.

Việc “lướt mạng” trước khi ngủ đã trở thành thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo không nên duy trì hành động này. Họ lưu ý rằng những nội dung trên MXH được tạo ra để giữ người dùng tiếp tục online, vì thế có khả năng ảnh hưởng sâu sắc đến tâm trí người tiếp nhận sau khi tắt thiết bị.

“Bạn thức dậy trong tình trạng mệt mỏi, cảm thấy chán chường và không thể bắt đầu ngày mới tốt lành. Do đó, bạn ở trong tình trạng lờ đờ suốt ngày và luôn khao khát dùng các phương tiện truyền thông” Rachel Beard, Giám đốc chăm sóc sức khỏe giấc ngủ tại thương hiệu nệm A.H.Beard, từng chia sẻ với News.com.au.

Chuyên gia về giấc ngủ này cũng khuyên người dùng Internet nên kết thúc việc “lướt mạng” 1 giờ trước khi nhắm mắt để đảm bảo chất lượng giấc ngủ.


Cùng chuyên mục