Võ Thanh Hòa – vị đạo diễn trẻ đứng sau những bộ phim đình đám như Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử và Quỷ cẩu đã không ít lần khiến khán giả Việt Nam kinh ngạc với tài năng của mình. Đằng sau những thành công ấy là một người đạo diễn luôn khao khát thúc đẩy và cổ vũ thế hệ trẻ Việt Nam tiến xa hơn trên con đường điện ảnh.
Sony Future Filmmaker Awards (SFFA) là cuộc thi làm phim toàn cầu do Sony tổ chức hàng năm, mang lại cơ hội cho những tài năng trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Không chỉ là một cuộc thi trao giải thông thường, SFFA còn là bệ phóng giúp các nhà làm phim trẻ cọ xát, học hỏi từ những chuyên gia hàng đầu trong ngành. Những người lọt vào danh sách đề cử sẽ được mời tham dự lễ trao giải tại Sony Pictures Studios (Culver City, California), một trong những phim trường danh giá bậc nhất thế giới.
Thông qua những chia sẻ về cuộc thi Sony Future Filmmaker Awards (SFFA), đạo diễn Võ Thanh Hòa đã gửi gắm những thông điệp mạnh mẽ, không chỉ cho các nhà làm phim trẻ mà còn cho bất kỳ ai đang khao khát bước vào thế giới điện ảnh đầy mê hoặc này.
Cánh cửa ra thế giới cho nhà làm phim trẻ Việt
– Anh có thể chia sẻ cảm xúc khi được mời tham dự lễ trao giải Sony Future Filmmaker Awards?
– Đó là lần đầu tiên tôi được đến trụ sở và phim trường của Sony. Những thứ ở đây có điều gì đó vừa xa lạ lại vừa quen thuộc, là những gì tôi từng thấy trong các clip hậu trường của nhiều phim bom tấn Mỹ.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa. |
Khi được chứng kiến tận mắt, cảm giác ấy càng đặc biệt hơn. Điều khiến tôi ấn tượng nhất không phải là buổi trao giải hoành tráng, mà là các workshop. Những buổi học mang lại cơ hội quý báu để các nhà làm phim trẻ học hỏi từ những chuyên gia tầm cỡ thế giới. Đó thực sự là một trải nghiệm vô giá.
Hành trình tìm kiếm bản thân
– Theo anh, SFFA đóng vai trò gì trong sự nghiệp của các nhà làm phim trẻ?
– Khi tham gia SFFA, các bạn trẻ sẽ không còn cảm thấy lạc lõng hay đơn độc nữa. Thay vào đó, các bạn sẽ thấy mình là một phần của cộng đồng toàn cầu, những người cũng đang nỗ lực theo đuổi đam mê. Điều đó mang lại động lực rất lớn.
Tôi đã gặp Duy Trần, một nhà làm phim trẻ Việt Nam tham gia SFFA, và bạn ấy chia sẻ đã gặp rất nhiều bạn bè quốc tế. Bạn cảm thấy như đang sống trong một giấc mơ. Những trải nghiệm này giúp các bạn nghĩ xa hơn về dự án thứ hai, thứ ba, chứ không chỉ dừng lại ở bộ phim duy nhất.
– Lời khuyên của anh dành cho những nhà làm phim trẻ có ý định tham dự SFFA là gì?
– Đừng chờ đợi. Nghề làm phim là một cuộc đua của đam mê, không phải là cuộc đua của sự hoàn hảo. Bạn có thể có hàng trăm ý tưởng trong đầu, nhưng nếu bạn cứ chờ đến khi mọi thứ hoàn hảo mới bắt tay vào làm, thì bạn mãi mãi chỉ đứng ngoài cuộc chơi. Hãy làm ngay, bắt đầu từ những gì bạn có, và bạn sẽ tìm ra cách để hoàn thiện.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa khuyến khích các bạn trẻ mạnh dạn với các ý tưởng làm phim. |
Bệ phóng cho sự nghiệp và lòng tin của nhà làm phim
– Ngoài việc định hướng cho các dự án tương lai, SFFA còn đóng vai trò nào khác trong sự nghiệp của các nhà làm phim trẻ Việt Nam?
– SFFA còn giúp các nhà làm phim trẻ cảm thấy mình không đơn độc. Nghề làm phim, đặc biệt là trong giai đoạn đầu, có thể khiến bạn cảm thấy rất cô đơn. Không có ai hiểu, tin tưởng, hay hỗ trợ bạn. Nhưng khi tham gia cuộc thi này, bạn sẽ thấy mình không phải là người duy nhất đang cố gắng.
Điều đó tạo nên động lực rất lớn để các bạn tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Hơn nữa, đây còn là cơ hội để bạn chứng minh cho gia đình và những người xung quanh thấy rằng những gì mình làm không phải là vô nghĩa.
Với đạo diễn Võ Thanh Hòa, SFFA tạo động lực để các đạo diễn trẻ tiếp tục theo đuổi đam mê. |
– Anh có cảm nhận gì khi tiếp xúc với các nhà làm phim trẻ quốc tế tại SFFA?
– Tôi cảm nhận được nguồn năng lượng dồi dào từ họ. Tôi khá thân với một bạn quay phim người Ai Cập và biết đâu trong tương lai sẽ có một dự án hợp tác giữa Việt Nam và Ai Cập. Đó là một ví dụ cho thấy SFFA không chỉ là nơi để bạn học hỏi, mà còn là cơ hội để mở rộng mạng lưới và đưa các sản phẩm điện ảnh Việt Nam ra thế giới.
Tương lai của điện ảnh Việt Nam
– Nhìn vào các bạn trẻ như Duy Trần, anh nghĩ gì về tương lai của điện ảnh Việt Nam?
– Nhìn thấy những bạn trẻ như Duy, tôi cảm nhận được rằng những hạt mầm đang nảy nở. Trong vài năm gần đây, các nhà làm phim trẻ Việt Nam đã bắt đầu gặt hái được thành công tại các liên hoan phim quốc tế.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải biết người biết ta. Làm phim với kinh phí 1 triệu USD sẽ không thể có chất lượng như bom tấn 200 triệu USD, nhưng điều quan trọng là chúng ta biết mình đang ở đâu và làm được gì. Những thế hệ đi trước cũng cần hỗ trợ và chuyển giao kinh nghiệm cho các bạn trẻ để giúp họ tiến xa hơn.
– Anh có chia sẻ nào để các nhà làm phim trẻ có thể đạt thứ hạng cao trong SFFA?
– 95% tác phẩm dự thi thường có vấn đề về âm thanh. Mọi người đều tập trung vào hình ảnh, nhưng âm thanh lại bị bỏ quên. Hãy nhớ rằng, âm thanh là yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo nên một bộ phim tốt. Ngoài ra, hãy tập trung vào việc viết kịch bản. Khi viết một kịch bản hoàn chỉnh, bạn đã trải qua quá trình dựng phim trong đầu. Điều đó giúp bạn định hình rõ ràng hơn những gì cần làm khi bước vào giai đoạn quay phim.
SFFA không chỉ là nơi để học hỏi, mà còn là cơ hội để đạo diễn mở rộng mạng lưới và đưa các sản phẩm điện ảnh Việt Nam ra thế giới. |
– Nếu có thể quay lại và nhắn nhủ điều gì đó với bản thân ở thời điểm mới bước chân vào nghề, anh sẽ chọn nói gì?
– Nếu có thể nói với mình khi đó một điều, tôi sẽ nói rằng “Hãy hiểu bản thân mình”. Làm phim không chỉ là về kỹ thuật hay ý tưởng, mà còn là sự kiên nhẫn và kiên định. Nếu bạn không đủ mạnh mẽ và không hiểu rõ mình muốn gì, bạn sẽ khó vượt qua những khó khăn mà ngành công nghiệp điện ảnh đòi hỏi.