Thất bại của ông hoàng phim kinh dị

M.Night Shyamalan, vị đạo diễn đứng sau thành công của loạt tác phẩm kinh dị đình đám một thời, có màn trở lại gây thất vọng với “Trap”.

Genre: Hồi hộp, Tội phạm
Director: M.Night Shyamalan
Cast: Josh Harnett, Saleka Shyamalan, Ariel Donoghue…
Rating: 6/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim

Một ngày bình thường, người cha trung niên bận rộn đưa cô con gái tuổi teen đến concert của Lady Raven – ca sĩ mà cô bé thần tượng. Có điều gì đó bất thường trong cách cư xử lẫn hành động của người đàn ông này.

Sự thật nhanh chóng lộ diện. Gã chính là Đồ Tể, biệt danh cảnh sát dành cho kẻ sát nhân hàng loạt, gây ra nhiều vụ án rúng động thời gian gần đây. Trước đó, một nguồn tin mật báo rằng Đồ Tể sẽ tới concert của nữ ca sĩ trẻ. Để bắt được kẻ sát nhân ranh mãnh này, FBI quyết định dựng lên một cái bẫy ngay tại buổi trình diễn. Concert thực chất là vòng vây mà họ sử dụng để tóm gọn kẻ thủ ác.

Câu chuyện của Bẫy bắt đầu từ đây.

“Lật bài ngửa” từ sớm

Bẫy (tựa gốc: Trap) là đứa con tinh thần tiếp theo của M. Night Shyamalan, đạo diễn phim độc lập lừng danh đứng sau thành công của loạt tác phẩm kinh dị, hồi hộp đình đám. Nhà làm phim người Mỹ gốc Ấn vẫn được coi là ông hoàng phim kinh dị suốt 2 thập kỷ qua, với “chữ ký” là những ý tưởng kinh dị/siêu nhiên bí ẩn, cùng phong cách chơi đùa với các cú plot-twist gây sốc.

Trong phim mới, cú sốc đầu tiên mà Shyamalan dành cho khán giả là việc vạch trần chân tướng phản diện ngay từ đầu phim, trực tiếp, thẳng thừng và không chút giấu giếm. Một pha “lật bài ngửa” rất sớm, cách làm ít phổ biến giữa rừng phim cùng thể loại.

Bẫy mở ra với bối cảnh bình thường, cùng những nhân vật bình thường: một người cha bận rộn dắt con gái nhỏ tham dự concert. Thế nhưng, ẩn sau sự bình thường đó lại là những dấu hiệu “bất thường” được nhấp nhả, thu hút sự chú ý.

Trap,  bay,  M.Night Shyamalan anh 1

Ngân sách phim vào khoảng 30 triệu USD.

Từ các cú máy rung lắc đột ngột, những mảng màu neon không hài hòa gây ức chế thị giác, cho tới cách hành xử lạ lẫm của người cha tên Cooper (Josh Hartnett thủ vai)… Tất cả là một đường dây kéo sự chú ý của người xem tới thời điểm chân tướng gã Đồ Tể được tiết lộ.

Ngay sau đó, tác phẩm chuyển hoàn toàn sang góc nhìn của Cooper khi phát hiện mình mắc kẹt trong cái bẫy của FBI. Chuyện phim từ đây trở thành hành trình “thoát bẫy” của kẻ mắc chứng thái nhân cách, trong khi vẫn một mực sắm vai người cha tâm lý trong mắt con gái nhỏ.

Bối cảnh phim gần như gói gọn trong không gian buổi concert, tạo ra cái “bẫy” nhốt kẻ sát nhân lẫn chính sự tò mò của người xem, khi phải nín thở dõi theo từng diễn biến tâm trạng của phản diện. Mỗi nước đi thể hiện rõ suy nghĩ của tên sát nhân, mặt khác đặt khán giả trên ranh giới đạo đức: mong chờ gã trốn thoát ngoạn mục ra sao, hay đợi gã sảy chân và bị tóm gọn thế nào.

Cú sốc tiếp theo Shyamalan dành cho người xem là… chẳng còn cú twist nào cả. Không có “twist chồng twist”, vốn là công thức được mong chờ tạo nên sự phức tạp, hấp dẫn và đột phá trong hành trình của Bẫy. Chuyện phim cứ như vậy diễn ra mà thiếu đi những tình tiết lắt léo, hay cú lừa ngoạn mục đưa đẩy cảm xúc khán giả.

Bẫy vì vậy có phần an toàn, dẫu cấu trúc tương đối phức tạp nhưng nội dung lại không khó đoán. Thay vì những âm mưu cao siêu của một kẻ tâm thần khiến FBI tận lực truy vết, tác phẩm của Shyamalan lại đơn thuần là màn ứng biến của gã sát nhân. Dù sắp đặt một số tình tiết khá ấn tượng, hay có ý tưởng lóe sáng trong một vài khoảnh khắc, vị đạo diễn Ấn Độ rốt cuộc vẫn thất bại trong việc kết nối chúng thành một câu chuyện hồi hộp với đủ sự hấp dẫn, gay cấn như mong đợi.

Trap,  bay,  M.Night Shyamalan anh 2

Trap có ý tưởng tốt, nhưng cách triển khai còn nhiều điểm trừ.

Josh Hartnett cứu phim

Ở vị trí trung tâm trong câu chuyện của Bẫy là Đồ Tể Cooper, do Josh Hartnett thủ vai. Bề ngoài, gã là một lính cứu hỏa mẫn cán, một người cha mẫu mực, hết lòng chiều chuộng và yêu thương con gái. Thế nhưng ẩn sau “lớp vỏ con người” ấy lại là một dã thú máu lạnh.

Gã thoải mái theo dõi con tin đang vật lộn tại nơi giam giữ, nhấm nháp nỗi tuyệt vọng của con mồi. Gã không do dự làm hại người vô tội để mở con đường máu. Gã ngang nhiên tiến vào những khu vực cấm nơi cảnh sát gác trực, như có như không mà thu thập thông tin.

Thế nhưng, một phản diện tiềm năng như Cooper lại “nghèo nàn” về nội tâm đến thảm thương, khi tất cả background mà biên kịch trao cho hắn đơn thuần là mâu thuẫn với người mẹ quá cố. Chi tiết này hiện lên thoáng qua và biến mất, trước khi được diễn giải ở hồi cuối phim một cách kém duyên, thậm chí thừa thãi.

Cũng chính vì vậy, hành trình xâu chuỗi tâm lý Cooper chưa đủ sâu sắc, cũng không thể hiện rõ bản chất và cả những khủng hoảng đằng sau căn bệnh thái nhân cách của nhân vật.

Trap,  bay,  M.Night Shyamalan anh 3

Diễn xuất của Josh Hartnett là điểm sáng.

Dẫu phong độ làm phim thất thường, hay bị đánh giá “lãng phí ý tưởng”, M. Shyamalan lại chứng minh bản thân ông rất giỏi ở việc tìm ra nam chính xuất sắc trong bất kỳ dự án nào của mình. Điều này đã được chứng minh qua Bruce Willis của The Sixth Sense (1999), Samuel L. Jackson của Unbreakable, James McAvoy của Split hay Mel Gibson và Joaquin Phoenix của Signs… Còn với Bẫy, đó không ai khác ngoài Josh Hartnett.

Tài tử 46 tuổi “cứu” phim một bàn thua trông thấy nhờ màn nhập vai xuất thần. Không ngoa khi nói diễn xuất của Hartnett là điểm sáng thu hút khán giả xuyên suốt tác phẩm, bất chấp việc kịch bản và cách xây dựng nhân vật còn nhiều điểm non vụng. Anh một mặt thể hiện tinh tế từng biến đổi nhỏ trong tâm lý kẻ sát nhân giữa vòng vây cảnh sát, mặt khác hóa thân một ông bố mẫu mực hoàn hảo.

Bên cạnh màn nhập vai của Josh Hartnett, phần âm nhạc trong Bẫy cũng là một điểm cộng. M. Shyamalan khéo léo “lăng xê” con gái Saleka khi để cô hóa thân nữ thần tượng Lady Raven. Loạt ca khúc trong phim được Saleka viết dựa trên chính diễn biến tâm lý của Cooper. Khi gã sát nhân càng trở nên gấp gáp muốn thoát thân, giai điệu lại càng dồn dập, ám ảnh.

Cô nàng ghi điểm với khả năng ca hát, sáng tác ấn tượng. Dẫu vậy, kỹ năng diễn xuất còn non nớt, chưa đủ sức chinh phục khán giả.


Cùng chuyên mục