Ở độ tuổi thất tuần, Thành Long vẫn miệt mài với công việc diễn xuất.
Song khoảng thời gian gần đây, tên tuổi tài tử thường bị gắn cùng cụm từ “liều thuốc độc phòng vé” – biệt danh không mấy dễ nghe mà khán giả đặt cho những diễn viên có phim thua lỗ, doanh thu bết bát.
Nhiều dự án mà Thành Long tham gia có thành tích không mấy khả quan. Đơn cử như hồi tháng 8, Thần thoại 2 với ngân sách 360 triệu NDT (khoảng 50 triệu USD), rốt cuộc lại trở thành “bom xịt” khi chỉ mang về 71 triệu NDT (gần 10 triệu USD) trong tuần mở màn. Tác phẩm kết thúc hành trình ở rạp với thành tích thấp, nối dài chuỗi thất bại của ngôi sao phim hành động.
Chuỗi thất bại chưa dứt
Trái ngược với lời khen ngợi dành cho tiền truyện, những gì khán giả bàn luận về Thần thoại 2 chủ yếu xoay quanh gương mặt cứng đờ với đôi mắt vô hồn vì AI của Thành Long, cùng những màn “quăng miếng hài” bị nhận xét đã lỗi thời.
Nói về doanh thu bết bát của phim, giới quan sát cho rằng ngoài những tranh cãi về việc sử dụng AI kém mượt mà, bản thân Thành Long cũng đã “hạ nhiệt”. Ý tưởng làm phim của anh những năm gần đây bị đánh giá kém sáng tạo, có phần cũ kỹ, khó chiều chuộng được khẩu vị khán giả hiện đại.
Dù đã cố gắng áp dụng kinh nghiệm làm phim võ thuật, ngôi sao Túy quyền vẫn không thành công chinh phục đại chúng.
Phim của Thành Long liên tục thua lỗ khoảng thời gian gần đây. |
Chẳng riêng Thầnthoại 2, Thành Long từng có cả chuỗi phim bết bát doanh thu trước đó.
Loạt tác phẩm như Kẻ ngoại tộc, Thần thám Bồ Tùng Linh, Long ấn cơ mật… đều chung cảnh hẩm hiu ngoài phòng vé, bị khán giả lạnh nhạt. Chính Thành Long cũng thừa nhận trong 6 năm qua, anh đã lỗ gần 2 tỷ NDT vì những dự án điện ảnh thất bại.
Sau nhiều lần “ngã ngựa” liên tiếp, không ít người cho rằng Thành Long đã mất đi ánh hào quang.
Vì lẽ đó, khi những thông tin đầu tiên về Panda Plan – phim điện ảnh mới nhất của ngôi sao võ thuật được hé lộ, một bộ phận khán giả tỏ ra thờ ơ, không mấy mong chờ.
Thực tế, phim của Thành Long sau khi ra rạp nhận phản hồi không tệ về chất lượng. Song, thành tích của phim vẫn không như kỳ vọng.
Theo thống kê từ đơn vị Entgroup, Panda Plan xếp thứ 4 trên bảng tổng sắp phòng vé dịp Quốc khánh. Những ngày sau đó, phim thậm chí có thời điểm vươn lên vị trí thứ 2, chỉ sau bom tấn The Volunteers: To the War 2. Tới hiện tại, tổng doanh thu tác phẩm đã lên tới gần 250 triệu NDT – một con số khá ấn tượng nếu không đặt lên bàn cân với ngân sách khổng lồ của phim.
Theo đó, chi phí sản xuất Panda Plan được cho là vào khoảng 250 triệu NDT. Dựa trên tỷ lệ 37 – 40% thị phần phòng vé mà hãng phim nhận được, đồng nghĩa với việc tác phẩm phải thu về 675 triệu NDT mới bắt đầu sinh lời.
Với tốc độ kiếm tiền hiện tại, Panda Plan không có khả năng chạm tay tới cột mốc doanh thu này. Phim sẽ kết thúc hành trình phòng vé với doanh thu không quá 350 triệu NDT, dự kiến gây lỗ cho nhà sản xuất.
Panda Plan nối dài chuỗi thua của Thành Long. |
Tuy nhiên, Panda Plan vẫn còn tiếp tục hành trình tại phòng vé một số quốc gia trên thế giới, nên khoản thua lỗ sẽ ít nhiều được thu nhỏ.
Tiếc cho Thành Long
Thành tích phòng vé phim Thành Long không nằm ngoài dự đoán ban đầu của giới quan sát. Bởi lẽ, khởi chiếu dịp lễ Quốc khánh Trung Quốc, Panda Plan phải cạnh tranh với hạng chục đối thủ sừng sỏ cả ở nội địa lẫn quốc tế, khả năng “bùng nổ” được cho là khó xảy ra.
Tín hiệu tích cực ngày đầu ra mắt từng nhóm lên kỳ vọng, rằng phim sẽ giúp ngôi sao hành động thoát mác “liều thuốc độc phòng vé”. Song, sức hút mạnh mẽ của The Volunteers: To the War 2 và loạt phim nội địa khiến Panda Plan dần trở nên lép vế.
Kết thúc kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, lượng khán giả ra rạp thưởng thức phim giảm đáng kể. Kéo theo đó, tốc độ kiếm tiền của Panda Plan cũng lao dốc không phanh. Thời điểm hiện tại, đứa con tinh thần của Thành Long đã tụt xuống vị trí thứ 5 trên bảng tổng sắp.
Với thời lượng gần 100 phút, chuyện phim xoay quanh chính ngôi sao Thành Long. Anh nhận nuôi chú gấu trúc Hu Hu. Song, con vật lại trở thành mục tiêu của một nhóm tội phạm quốc tế. Chúng treo thưởng 100 triệu USD để lính đánh thuê bắt được Hu Hu. Thành Long cùng đặc vụ thân cận phải hợp tác để bảo vệ chú gấu trúc, chống lại những kẻ hung ác.
Việc Panda Plan thất thu gây tiếc nuối, bởi phim nhìn chung được đánh giá khá tích cực về chất lượng. |
Với thể loại hài/hành động, lại đặt chú gấu trúc ở trung tâm phim, không khó nhận ra Panda Plan muốn hướng đến đối tượng là các gia đình – tệp khán giả không nhỏ ra rạp dịp lễ Quốc khánh. Đa số đánh giá tốt về phim đều xoay quanh tình tiết vui nhộn, mang lại những giây phút giải trí, thư giãn cho người xem.
Chất liệu hành động của Panda Plan cũng được xử lý khác với hầu hết dự án của Thành Long những năm gần đây. “Anh ấy rất giỏi trong việc tìm ra niềm vui trong các cảnh hành động, màn trốn chạy, hay cả những câu thoại dí dỏm không tưởng”, tờ Movie Nation nhận xét. Theo đó, tác phẩm được cho là đã gợi nhắc khán giả về các phim hài hành động “kỳ quặc mà thú vị” của Thành Long ở thời hoàng kim.
Trong khi, cây bút Avi Offer của NYC Movie Guru đánh giá Panda Plan sẽ rất dễ chinh phục trẻ em khi mang đến cảm giác vui nhộn, với những sự ngớ ngẩn và hài hước xen kẽ duyên dáng.
Song, cũng chính câu chuyện “màu hồng”, dễ thương của Panda Plan khiến tác phẩm khó tiếp cận tệp người xem trưởng thành hơn. Trang Voices From The Balcony chỉ ra vấn đề lớn nhất trong kịch bản phim là những nhân vật phản diện không tỏ ra là mối đe dọa thực sự.
Dù được mô tả là lực lượng chiến đấu tinh nhuệ, chúng nhiều khi tỏ ra ngốc nghếch, ngô nghê. Những tình tiết có phần trẻ con như đám lính đánh thuê mắc kẹt trong ống thông gió, hay bị tước mất vũ khí do bận chơi game mà không để ý đến con tin khiến phim trở nên thiếu chặt chẽ.
Vì lẽ đó, đứa con tinh thần của Thành Long có thể khiến khán giả nhí cảm thấy thích thú, nhưng khó chiều chuộng những người xem trưởng thành.