Như Lan bị đặt nghi vấn dùng túi xách giả. Ảnh: @nhulan.daily. |
Hàng hiệu nhái luôn là vấn đề gây tranh cãi, được các tín đồ thời trang đặc biệt quan tâm. Gần đây, Như Lan, một nhà sáng tạo nội dung chuyên “đập hộp” hàng hiệu trên nền tảng TikTok, bị “bóc phốt” dùng hàng fake.
Cụ thể, một người dùng khác tên Lucy lên tiếng tố Như Lan sử dụng chiếc Hermès Birkin Faubourg (còn được gọi là Hermès ô cửa sổ) giả. Ngay sau đó, chủ nhân của món đồ đăng tải clip phản bác, đồng thời cho biết đã chi trả 5 tỷ đồng cho mẫu túi này, sẵn sàng gặp gỡ người “bóc phốt” mình để đối chất.
Sự việc này thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Số lượng lớn người dùng đồ hiệu tham gia vào cuộc tranh luận, “chọn phe” trong tình huống này.
Hermès Birkin Faubourg là chiếc túi gây tranh cãi trong những ngày qua. Ảnh: Hermès. |
Theo báo cáo được công ty cung cấp giải pháp phân biệt hàng hiệu giả Entrupy thực hiện năm 2023, tỷ lệ hàng nhái tăng nhanh từ năm 2019 đến 2021. Một trong những lý do chính là sự khan hiếm hàng hóa có sẵn tại các cửa hàng bán lẻ.
Tình trạng này làm tăng nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm tại thị trường thứ cấp. Từ đó, hàng loạt nguồn hàng thiếu uy tín phát triển nhanh chóng, xâm lấn thị trường, mở đường cho hàng giả xuất hiện tràn lan.
Chuyện gì đang xảy ra?
Trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, nhà sáng tạo nội dung chuyên về đồ hiệu Lucy gây chú ý khi đăng tải video hướng dẫn cách phân biệt túi Hermès giả. Trong clip này, cô sử dụng hình ảnh chiếc Hermès Birkin Faubourg của Như Lan làm ví dụ.
Như Lan bị nghi ngờ “đập hộp” túi Hermès nhái. Ảnh: @nhulan.daily. |
Cô chỉ ra những điểm bất thường của mẫu túi này. Thứ nhất, những ô cửa sổ đặc trưng trên chiếc túi không được sắp xếp đồng đều. Đường kim mũi chỉ cũng thể hiện lực khâu/may mạnh hơn hàng thật.
Thứ hai, túi Hermès ô cửa sổ cũng là phiên bản giới hạn, được đựng trong hộp xanh thay vì hộp trắng.
Cuối cùng, TikToker này cho rằng hành động dùng filter làm mờ và ôm túi xách vào người của chủ nhân cũng tương đối đáng ngờ.
Trong clip đáp trả lời cáo buộc trên, Như Lan lập luận rằng việc phân biệt túi hiệu thật – giả đòi hỏi hình ảnh chi tiết, được thực hiện bởi những cá nhân, đơn vị có chuyên môn.
Ngoài ra, nhà sáng tạo nội dung cũng thẳng thắn chia sẻ rằng cô mua món đồ qua seller (người bán hàng trung gian) nên không thể chắc chắn về mức độ thật – giả. Tuy nhiên, chiếc túi được tậu về với mức giá lên đến 5 tỷ đồng.
Vì vậy, người phụ nữ này sẵn sàng đưa túi mang đi kiểm tra, hứa trả gấp đôi (tương đương với 10 tỷ đồng) cho người “bóc phốt” nếu món đồ là hàng fake. Cô cũng cho biết đã nhiều lần bị lừa mua đồ hiệu giả, không ngại chia sẻ về những sự cố này và công bố tên seller trong clip sau.
Tình trạng phổ biến
Như Lan không phải trường hợp cá biệt. Nhiều người chơi hàng hiệu lâu năm vẫn “mắc bẫy” mua sắm, rơi vào tình trạng “tiền mất, đồ giả mang”.
Từng chia sẻ với Tri thức – ZNews, Trang Trần (32 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết đã chi gần 1 tỷ đồng cho chiếc túi Lady Dior da cá sấu Himalaya loại kích cỡ mini.
Túi Lady Dior Himalaya phiên bản hạn chế khiến Trang Trần không ngại “xuống tiền” để sở hữu. Ảnh minh hoạ: Dior. |
Tuy nhiên, chiếc túi xách mà cô nhận lại là một phiên bản nhái được thiết kế tương đối tinh vi. Chất liệu da và kiểu dáng giống đồ thật đến 90%.
Trang Trần mua mẫu túi qua người bán hàng thân quen suốt 3 năm qua. Vì tin tưởng seller, cô không kiểm tra kỹ món đồ, ước tính bị lừa hàng trăm triệu đồng ở phiên mua sắm này.
Theo báo cáo của Entrupy, người bán hàng trung gian, ở cả hình thức trực tiếp (offline) và trực tuyến (online), là một trong những nguồn cung cấp sản phẩm nhái lớn nhất.
Trong năm 2021, 10,1% hàng giả đến từ reseller offline. Trong khi đó, 8,1% được trao đổi bởi người bán online.
Những cá nhân thiếu uy tín hoặc thậm chí có danh tiếng trong lĩnh vực này đều có thể trở thành mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán hàng xa xỉ giả mạo.
Các phương pháp phân biệt túi xách thật – giả hiện nay tương đối phong phú, dựa vào kinh nghiệm của người dùng hoặc một số ứng dụng, chương trình, nền tảng kiểm tra.
Hồng Ngọc (35 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM), người có kinh nghiệm dùng đồ hiệu trong 10 năm nay, thường phân biệt túi Hermès thật – giả thông qua mùi hương của chất liệu da. Da thật có mùi dễ chịu, không toả hương “ngai ngái” như da giả.
Bên cạnh kinh nghiệm cá nhân của khách hàng, các thương hiệu thời trang cao cấp đều cung cấp phương pháp nhận diện hàng giả. Vào năm 2021, Prada và Cartier đã bắt tay với công ty cung cấp giải pháp phân biệt hàng thật – hàng nhái Aura Blockchain Consortium.
Nền tảng mua sắn trực tuyến The RealReal cũng đầu tư vào chương trình nhận dạng, xác thực sản phẩm có tên Vision, kiên quyết áp dụng các phương pháp chống hàng nhái để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, theo SCMP.