Thấy gì từ việc tỷ phú Rihanna bị đồn mang bầu?

Rihanna liên tục bị đồn mang bầu dù cô đã phủ nhận. Không chỉ tin tức chưa qua kiểm chứng, video deepfake miêu tả ca sĩ có thai gây xôn xao dư luận.

The Us Sun đưa tin việc Rihanna mặc chiếc áo khoác dày vào mùa hè khiến các thành viên trên X (Twitter) đặt nghi vấn ngôi sao tỷ phú đang che bụng bầu con thứ 3.

Mặc dù Rihanna đã nhanh chóng phủ nhận, một số tài khoản tiếp tục thêu dệt câu chuyện theo hướng tiêu cực, cho rằng cô nói dối, kéo theo đó là chỉ trích Rihanna lười biếng ra sản phẩm âm nhạc. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến nữ ca sĩ.

Thực tế, Rihanna chỉ là một trong vô số người nổi tiếng trở thành nạn nhân của tin giả. Trong bối cảnh mạng xã hội, công nghệ phát triển, thông tin sai lệch đã len lỏi vào những góc tối tăm, nham hiểm hơn khi xuất hiện dưới các hình thức như meme, ảnh chụp màn hình được phủ bằng văn bản giật gân hoặc bị chỉnh sửa bằng AI.

AI định hình lại vấn nạn tin giả

Theo Express, Rihanna và Meghan Markle là trung tâm của tin giả về việc mang bầu trong thời gian qua. Không chỉ tin tức chưa được kiểm chứng, đoạn video deepfake miêu tả Rihanna mang thai đã gây xôn xao dư luận. Mặc dù vừa sinh con thứ 2 với bạn trai A$AP Rocky vào tháng 8/2023, tin đồn cô tiếp tục có tin vui vẫn lan truyền chóng mặt.

Trong khi đó, một số trang tin đưa kết luận “Markle nhờ người mang thai hộ 2 đứa con với Hoàng tử Harry”. Thông tin này đã sớm bị vạch trần bởi các nguồn thân cận. Riêng với Harry, sau khi anh xuất bản cuốn sách Spare tiết lộ bí mật Hoàng gia Anh, tên của anh đã tạo ra 6.048 lượt tương tác với những câu chuyện sặc mùi bịa đặt.

Trong danh sách những người nổi tiếng dính phải tin giả năm 2023, Markle đứng thứ 5 với 16,731 tin giả, xếp sau là Rihanna với 12,698 tin giả. Tỷ phú Elon Musk dẫn đầu, bị thêu dệt rất nhiều câu chuyện với 157,385 tin chưa qua kiểm chứng được đăng tải.

Rihanna bi don mang bau anh 1

Rihanna đối mặt hàng loạt tin giả. Ảnh: Deadline.

Express cho biết sự trỗi dậy của AI, đặc biệt là công nghệ deepfake, đang định hình lại bối cảnh tin giả. “Deepfake – những sáng tạo AI tinh vi khiến sản phẩm được tạo ra trông giống người thật, việc thật. Công nghệ này là công cụ chính để truyền bá những câu chuyện giả mạo về người nổi tiếng”, tờ báo viết.

Một ví dụ gây sốc liên quan đến cái tên Saint Von Colucci, người được giới thiệu là diễn viên kiêm ca sĩ Canada gốc Bồ Đào Nha, bị đưa tin qua đời sau khi trải qua 12 cuộc phẫu thuật để trông giống Jimin (BTS). Truyền thông toàn cầu xôn xao trước tin này, tuy nhiên sau đó đã ngã ngửa vì Colucci không có thật.

Hàng loạt bằng chứng cho thấy Von Colucci chỉ là sản phẩm của trò lừa bịp phức tạp sử dụng trí thông minh nhân tạo và hàng chục cơ quan truyền thông, trải dài từ Mỹ, Canada đến Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Philippines, đã bị đánh lừa.

Ở diễn biến khác, hình ảnh, video deepfake về Taylor Swift xuất hiện dày đặc trên các nền tảng truyền thông xã hội. Bài đăng deepfake miêu tả Swift khỏa thân và có những tư thế nhạy cảm thu về hơn 27 triệu lượt xem, hơn 260.000 lượt thích trong 19 giờ. Sức hút mãnh liệt của chủ nhân The Eras Tour khiến cô trở thành mục tiêu lý tưởng cho loạt thông tin sai lệch.

Theo The Telegraph, Selena Gomez cũng là nạn nhân của deepfake. Bức ảnh giả mạo cho thấy cô đứng chồng lên Lily James tại Met Gala năm nay. Đây là sản phẩm của những kẻ chơi khăm. Họ thường tạo ra hình ảnh giả về các ngôi sao vì nhiều lý do khác nhau.

Cách người nổi tiếng đối mặt sự đơm đặt

Phát biểu trên NBC News, Clare McGlynn – giáo sư luật tại Đại học Durham, chuyên gia về vấn đề lạm dụng trực tuyến – cho biết những người nổi tiếng, người có địa vị cao là mục tiêu hàng đầu của ảnh khiêu dâm deepfake và tin giả. Những người có sức ảnh hưởng càng cao, nguy cơ bị thêu dệt càng lớn.

Trước làn sóng tin giả tràn lan, Selena Gomez, Justin Bieber, Ariana Grande, Ed Sheeran, Chris Evans, Lily Singh… có xu hướng rời bỏ hoặc tạm dừng hoạt động mạng xã hội để tập trung chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Theo People, Gomez không dưới 3 lần tránh xa mạng xã hội để tránh đọc thông tin tiêu cực, suy đoán không đúng về mình. Keira Knightley, Daniel Radcliffe từ chối đăng ký tài khoản Twitter hay các nền tảng khác vì không muốn tiếp nhận mớ thông tin thật giả lẫn lộn đang ngày một tăng nhanh.

Năm 2020, khi chiến dịch phản đối lan truyền tin giả, tin tiêu cực với hashtag #StopHateForProfit (tạm dịch: ngưng kiếm lợi từ sự thù hằn) khởi động, tài tử Leonardo DiCaprio đã khoá mạng xã hội. Anh cho biết: “Tôi dùng cả 2 ứng dụng vì muốn biến nó thành động lực cho những điều tích cực, chứ không phải sự thù hằn hay thông tin sai lệch”.

Britney Spears cũng là nạn nhân thường xuyên của tin giả trên mạng và báo lá cải. Thay vì chọn cách im lặng, cô luôn lên tiếng giải thích, chống lại điều tiếng vô căn cứ.

Justin Bieber từng phát cáu khi bị đơm đặt thông tin. Năm 2020, anh khởi kiện 2 phụ nữ tung tin anh quấy rối tình dục, đòi mỗi người bồi thường 10 triệu USD. Trong đơn, ca sĩ khẳng định nắm trong tay những bằng chứng “không thể tranh cãi” rằng thông tin anh hiếp dâm, quấy rối tình dục là hoàn toàn bịa đặt.

“Tôi ít khi lên tiếng về những tin đồn kiểu này. Tuy nhiên, việc quấy rối tình dục là điều tôi không thể xem nhẹ. Tôi sẽ làm việc với Twitter và chính quyền để giải quyết sự việc trên phương diện pháp lý”, Bieber nhấn mạnh. Sau phản hồi của anh, người đăng các bài viết đã khóa tài khoản.

Theo Express, tình trạng nhan nhản tin giả trên mạng đã và đang thao túng, đánh lừa dư luận, gây tổn hại danh tiếng của ngôi sao. Việc dễ dàng tạo ra và lan truyền những tin tức giả mạo này đặt ra thách thức nghiêm trọng. Việc phân biệt thật giả ngày càng khó khăn hơn, đe dọa niềm tin nơi công chúng.

Trong cuộc phỏng vấn với Today, nhà báo Marc Ambinder – thành viên cấp cao của Trung tâm chính sách và lãnh đạo truyền thông thuộc trường Truyền thông và Báo chí USC Annenberg (Mỹ) – cho biết vấn nạn tin giả không thể giải quyết triệt để trong một sớm, một chiều, nhưng có thể hạn chế bằng cách kiểm soát nội dung được chia sẻ giữa những người dùng. Cách này đang được một số nền tảng áp dụng.


Cùng chuyên mục