Thae Su Nyein không còn giữ danh hiệu Á hậu 2 sau hàng loạt lùm xùm với tổ chức Miss Grand International (MGI). Cô gái Myanmar bị tố có hành động không đúng mực, vi phạm nhiều quy định trong cuộc thi.
Thực tế, ông Nawat – chủ tịch MGI – sẵn sàng để Thae Su Nyein tiếp tục sứ mệnh á hậu, nhưng do cách hành xử bị chỉ trích ngạo mạn, thiếu chín chắn của cô này và cả giám đốc quốc gia Miss Grand Myanmar Htoo Ant Lwin, chiếc vương miện phải “chia tay” mỹ nhân 17 tuổi.
Kết quả hôm nay có lẽ không nằm ngoài dự đoán của Thae Su Nyein, vì trước đó, cô thẳng thừng tuyên bố trên livestream: “Tôi đến để trở thành hoa hậu chứ không phải đứng hạng 2, hạng 3”.
Miss Grand chìm trong ồn ào
Sau chung kết Miss Grand International 2024 vào đêm 25/10, Htoo Ant Lwin chỉ trích cuộc thi không công bằng, tố ông Nawat hứa hẹn nếu bỏ ra 25.000 USD thì thí sinh Myanmar sẽ thắng giải Miss Popular Vote. Cuối cùng đại diện Indonesia thắng vòng này.
Htoo Ant Lwin khẳng định “gà cưng” được bình chọn cao nhất giải Trang phục dân tộc và cả hạng mục Country’s Power of the Year, tuy nhiên, Thae Su Nyein lại trắng tay ở các giải phụ.
Theo Khaosod, bên kia chiến tuyến, Nawat phủ nhận cuộc thi của ông mua bán giải, đồng thời yêu cầu Htoo Ant Lwin đưa bằng chứng về vụ 25.000 USD, nếu không sẽ khởi kiện. Chủ tịch MGI cho rằng 25.000 USD là con số quá ít ỏi, nếu ngã giá 250.000 USD, ông còn suy nghĩ lại.
Màn “bóc phốt” giữa 2 bên hiện chưa dừng và chẳng rõ ai đúng ai sai, nhưng loạt lùm xùm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của MGI. Qua đây cũng thấy rằng, khi các thí sinh tranh tài trên sân khấu, ở hậu trường, “cuộc chiến” thực sự đã sớm bắt đầu giữa các giám đốc gia trong việc chinh phục ông Nawat.
Và có thể khi đôi bên không đi đến thống nhất, các vụ vạch trần nhau xảy ra.
Anea Garcia (trái) và Claire Elizabeth Parker đều là Miss Grand International 2015 và đều bị thu hồi danh hiệu. |
Đây không phải lần đầu Nawat xảy ra lùm xùm với các người đẹp và đơn vị nắm bản quyền quốc gia trong hệ thống Miss Grand. Năm 2022, Á hậu 5 Yuvna Rinishta (người Mauritius) tuyên bố đã chủ động từ bỏ danh hiệu do không đồng tình với cách hành xử của MGI. Trái lại, tổ chức MGI thông báo Yuvna bị hủy danh hiệu vì không hoàn thành nghĩa vụ. Hình ảnh của cô lập tức bị gỡ bỏ trên website chính thức cuộc thi, được thay thế bằng Roberta Angela Tamondong (người Philippines).
Bê bối hủy danh hiệu không thể không kể đến năm 2015, trường hợp hy hữu nhất khi ban tổ chức thu hồi vương miện tới hai lần. Vương miện hoa hậu ban đầu thuộc về Anea Garcia, đại diện Cộng hòa Dominica, nhưng chỉ 5 tháng sau cô này đã bị truất ngôi vì “không sẵn sàng làm việc”. Tổ chức MGI cho biết họ phải hoãn nhiều lịch trình hoạt động cũng như các chuyến bay của Anea.
Hai bên liên tiếp tố cáo nhau. Phía Anea nói họ chủ động trả vương miện, kèm theo đó những email trao đổi giữa người đẹp và tổ chức MGI cũng được đăng tải. Còn bà Teresa Chaivisut – phó chủ tịch MGI – nói nhiều chi tiết cựu hoa hậu sai sự thật, đồng thời tố cô ích kỷ, yêu sách, thường xuyên xin ứng tiền trước.
Claire Elizabeth Parker (người Australia), Á hậu 1 năm ấy, sau đó thay thế Anea Garcia. Cô hoàn thành nhiệm kỳ suôn sẻ, tham gia nhiều hoạt động. Nhưng biến cố lại đến vào đầu năm 2019 khi Parker muốn thử sức ở đấu trường Miss Universe.
Dù đã qua thời gian đương nhiệm, ban tổ chức MGI vẫn không đồng ý cho Claire tham gia sân chơi khác. Người đẹp sinh năm 1991 chấp nhận bỏ danh hiệu hoa hậu quốc tế để theo đuổi đam mê. Đó cũng là lý do danh hiệu Miss Grand International 2015 bị bỏ trống. Tại mùa giải kỷ niệm 10 năm ở Indonesia, khán giả chỉ thấy 9 hoa hậu đứng chung khung hình.
Lùm xùm tước vương miện từ các cuộc thi khác
Ngoài Miss Grand, một số cuộc thi khác xảy ra tình huống ban tổ chức bị bóc phốt, nhưng đến từ vị trí thí sinh, hoa hậu.
Chỉ trong vòng 2 ngày đầu tháng 5, tổ chức Hoa hậu Mỹ chứng kiến sự rời đi của hai người đẹp đương nhiệm là Noelia Voigt – Miss USA 2023 và UmaSofia Srivastava – Miss Teen USA 2023. Theo Business Insider, hai cô gái không thể chịu đựng bức xúc trước cách làm việc độc đoán, nhiều góc khuất của đơn vị này.
Tại Miss USA 2022, hơn 10 thí sinh tố cáo R’Bonney Gabriel được dọn đường để đăng quang. Lập tức, tổ chức Miss Universe (quản lý Miss USA) mở cuộc điều tra. Crystle Stewart – chủ tịch Miss USA – sau đó bị phế truất. Bê bối của vợ chồng Stewart được New York Times đưa vào bộ phim tài liệu How to Fix a Pageant.
Trong khi đó, cô gái đăng quang Hoa hậu Thế giới Lào 2021 Phongsavanh Souphavady đã chủ động trả lại vương miện sau 3 ngày đương nhiệm vì dính cáo buộc mua giải, khai man tuổi tác. Đây là trường hợp chưa từng có trong lịch sử cuộc thi này.
Miss Earth, cuộc thi từng được chuyên trang Global Beauties xếp vào Big 6 sân chơi sắc đẹp uy tín nhất hành tinh, giờ đây bị công chúng quay lưng vì bê bối, khâu tổ chức xuống cấp. Fan sắc đẹp ắt hẳn còn nhớ vụ phóng viên của tờ Komsomolskaya Pravda đã giả danh khách hàng để thương lượng với Lorraine Schuck – chủ tịch Miss Earth, về chuyện “đi cửa sau”, và cái giá bà này đưa ra cho vương miện là 4 triệu USD.
Phương Khánh đăng quang Miss Earth 2018. |
Trên thế giới, trường hợp hoa hậu trả lại vương miện khá ít, nhưng bị tước danh hiệu là không hiếm. Cái kết này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, song phổ biến nhất là do không hoàn thành nghĩa vụ, khai gian tuổi, lén kết hôn hoặc sinh con trước hoặc trong quá trình đương nhiệm. Trường hợp của Marie Hughes là ví dụ. Khi đăng quang Hoa hậu Ireland 2012, cô thực tế đã 25 tuổi nhưng khai man mới bước sang tuổi 21.
Laura Garcete – Miss Universe Paraguay 2015, Joyce Prado – Miss Bolivia 2018, Veronica Didusenko – Miss Ukraine 2018, Viyan Amir – Miss Iraq 2017, Laura Garceta – Miss Universe Paraguay 2017… đều bị thu hồi danh hiệu vì mang bầu hoặc kết hôn dù đang là hoa hậu.