‘Thuế độc thân’ đè nặng giới trẻ ở TP.HCM, Hà Nội

Những người độc thân ở thành phố lớn phải trả một khoản phí có thể gọi là “thuế độc thân” vì không thể chia sẻ chi phí sinh hoạt. Song lập gia đình, sinh con còn áp lực hơn.

9h, Bảo Trần (25 tuổi, sống ở quận 2, TP.HCM) bước vào một quán phở gần nhà để ăn sáng. Song anh chần chừ khi thấy quán quá đông khách và chỉ còn trống một bàn lớn dành cho 4 người. “Mình ngại vì chỉ đi một mình, nếu một cặp đôi hoặc gia đình ngồi vào bàn đó thì sẽ hợp lý hơn”, anh tâm sự.

“Vào đi con. Ngồi đi, còn bàn trống mà”, chủ quán nhận ra sự chần chừ của Bảo và kêu lớn.

Bảo cho biết đây không phải là lần duy nhất anh gặp tình huống khó xử khi là một người độc thân sống ở TP.HCM. “Các gia đình hoặc cặp đôi sẽ hưởng lợi nhiều hơn khi sử dụng các dịch vụ ăn ở, vui chơi ở thành phố”, anh nhận xét.

Nhiều người độc thân ở TP.HCM lẫn Hà Nội cũng gặp tình trạng tương tự khi phải chịu một chi phí có thể gọi là “thuế độc thân”. Đây là các khoản chi phí có thể phát sinh mà những người độc thân hoặc không kết hôn phải đối mặt. Thuế độc thân có thể bao gồm nhiều chi phí khác nhau, từ lợi thế về thuế cho những người đã kết hôn đến cơ hội giảm chi phí sống như tiền thuê nhà, ăn uống, khách sạn…

Gánh nặng độc thân

Báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có mức giá đắt đỏ nhất cả nước. Điều này tạo áp lực lớn đối với những người trẻ sống một mình ở đô thị.

Song không phải lúc nào việc tìm bạn ở ghép cũng dễ dàng. Vài tháng gần đây, Bảo Trần muốn chuyển trọ để thuận tiện công việc và nâng cao chất lượng sống. Anh gặp rắc rối khi tìm người chia tiền thuê căn hộ có giá 12 triệu đồng/tháng.

“Rất khó để thuê một căn hộ tốt ở TP.HCM khi chưa có gia đình. Các căn hộ có 2-3 phòng ngủ vốn được thiết kế cho gia đình hoặc một cặp đôi đang yêu nhau. Trong khi đó, những căn hộ 1 phòng ngủ có số lượng ít và giá thuê lại cao”, anh phân tích.

doc than o thanh pho anh 1

Bảo Trần (áo đen) gặp khó khăn khi tìm người góp tiền thuê căn hộ với giá 12 triệu đồng/tháng. Ảnh: NVCC.

Nguyên Trần (28 tuổi) đang sống và làm việc tại khu vực quận 2 (TP Thủ Đức). Với mặt bằng giá thuê nhà gần công ty rơi vào khoảng 4 triệu đồng trở lên, nam nhân viên văn phòng đã ở ghép trong suốt 6 năm đi làm.

“Ban đầu, tôi ở ghép với một bạn trong phòng trọ giá 4 triệu đồng. Nhưng đi làm lâu, tài chính ổn định hơn, tôi cũng muốn nâng cấp chất lượng sống và chuyển sang chung cư 3 phòng ngủ với đầy đủ tiện nghi, có giá trên 20 triệu đồng/tháng. Đổi lại, tôi chấp nhận ở ghép với 5 người lạ. Như vậy, mỗi tháng tôi tốn 4 triệu tiền thuê nhà và phí dịch vụ”, anh nói.

Nguyên cho hay anh không lo lắng khi ở ghép với người lạ, vì trước khi chuyển vào mọi người đều xem xét thông tin của nhau để cân nhắc.

Tuy nhiên, sống chung nhiều người không tránh khỏi những mâu thuẫn và phức tạp, ví dụ thành viên trong phòng dẫn người yêu về mà không báo trước hoặc gây ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt chung. Khi xảy ra vấn đề, các thành viên sẽ cùng họp bàn để đưa ra phương án giải quyết.

Dù cũng nhiều lần muốn chuyển ra ở riêng nhưng Nguyên thừa nhận sẽ rất khó. Giá thuê nhà ngày càng tăng cao, đặc biệt ở khu vực gần nơi làm việc, khiến cho việc gồng gánh chi phí cho một căn hộ đủ tiện nghi trở thành “nhiệm vụ bất khả thi” nếu anh chỉ ở một mình.

Điều áp lực hơn “thuế độc thân”

Tháng 6 năm nay, An Khánh (22 tuổi, sống ở Bình Thạnh, TP.HCM) vừa có người yêu. Song chi phí sinh hoạt của cô cũng không khác biệt quá nhiều so với thời còn độc thân.

Với An Khánh, việc có người yêu không làm giảm chi phí sinh hoạt nhưng mở ra cơ hội trải nghiệm hàng loạt dịch vụ dành cho các cặp đôi ở TP.HCM. Mỗi khi đặt đồ ăn, Khánh và người yêu cũng dễ chọn những món mà bản thân yêu thích vì cả hai dễ dàng có một đơn hàng 100.000 đồng và nhận khuyến mãi từ các ứng dụng giao hàng.

doc than o thanh pho anh 2

An Khánh vừa có người yêu hồi tháng 6 năm nay và cho rằng khoản “thuế độc thân” chỉ được giải quyết triệt để khi cô lập gia đình. Ảnh: NVCC.

“Mình có quan điểm không ở trọ cùng với người yêu nên phần tiền trọ sẽ không thay đổi. Còn về khoản ăn uống thì mình và bạn trai sẽ thay phiên nhau trả tiền chứ không để bạn trả hết nên cũng không khác biệt lắm”, cô tâm sự với Tri Thức – Znews.

Hoàng Nam (28 tuổi, Hà Nội) lại cho rằng mức “thuế độc thân” không ảnh hưởng quá nhiều đến anh. Nam thích ở một mình dù phải trả giá thuê nhà cao hơn. Hiện tại, anh đang thuê phòng trọ giá 5 triệu đồng, chiếm dưới 25% thu nhập.

“Trong 6-7 năm đi làm, tôi chưa bao giờ ở ghép vì không muốn ở cùng người khác. Thay vì tìm cách chia sẻ tiền nhà, tôi sẽ chọn phòng trọ phù hợp với thu nhập của mình ở từng thời điểm. Ở ghép thì tiền nhà giảm, nhưng chia diện tích trên số người ở thì tôi không chắc có thực sự rẻ hơn không”, Nam nói.

Nam cho biết không gặp trở ngại kinh tế lớn, nhưng giá thuê nhà và giá đất tăng qua từng năm khiến cho việc chọn được chỗ ở hợp lý ngày càng khó. Nếu giá thuê rẻ hơn, chiếm tỷ lệ thấp trong tổng thu nhập thì anh sẽ tiết kiệm được nhiều tiền để làm việc khác.

Anh nói rằng thu nhập hiện tại tương đối thoải mái để anh ở riêng. Hơn nữa, Nam cho rằng đang độc thân chính là một lợi thế vì anh có thể tự điều chỉnh nhu cầu của mình cho phù hợp với mức tài chính sẵn có.

doc than o thanh pho anh 3

Người độc thân ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội phải trả “thuế độc thân” cao hơn những nơi khác vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Theo Hoàng Nam, việc trả thêm “thuế độc thân” không áp lực bằng chuyện kết hôn, sinh con ở thời điểm chi phí sinh hoạt ở đô thị ngày càng đắt đỏ như hiện tại. Đây cũng là lý do khiến người trẻ ngày càng e ngại hẹn hò và lập gia đình.

“Tôi cũng sợ có con sẽ không nuôi nổi. Hẹn hò có thể không tốn kém nhiều nhưng sinh con thì rất áp lực”, anh nói.

Nỗi sợ kết hôn, sinh con của Hoàng Nam cũng là áp lực chung của nhiều người trẻ đang sống tại thành phố lớn.

Theo thông tin được Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 7, độ tuổi kết hôn ở Việt Nam liên tục tăng trong những năm qua, trong đó tuổi kết hôn lần đầu ở TP.HCM đã chạm mốc 30,4. Ở Hà Nội, con số này là 27,9 tuổi.

Tỷ lệ sinh ở TP.HCM cũng chỉ ở mức 1,32 con/ phụ nữ – thấp nhất cả nước và đang giảm dần. Nguyên nhân lớn đến từ áp lực chi phí sinh hoạt và nuôi dạy con cái đắt đỏ ở thành phố lớn.

Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số TP.HCM, chia sẻ với Tri Thức – Znews rằng: “Tâm lý này xuất phát chủ yếu từ mong muốn sinh và nuôi dạy con cái trong điều kiện tốt nhất cũng như những cơ hội phát triển bản thân và gia đình”.

Cũng theo ông Trung, có hai nhóm riêng biệt về lý do người trẻ ngày nay trì hoãn sinh con: Nhóm thứ nhất là những người có nhu cầu sinh con nhưng không an tâm về tài chính và điều kiện nuôi dạy và chăm sóc con cái; Nhóm thứ hai là có điều kiện về tài chính nhưng quan điểm thay đổi về độ tuổi kết hôn (muộn hơn) và sinh con ít hơn để đảm bảo nuôi dạy con cho tốt và đủ điều kiện để chăm sóc và phát triển bản thân trong môi trường cạnh tranh về công việc.


Cùng chuyên mục