Genre: Tâm lý
Director: Nguyễn Ngọc Lâm
Cast: Xuân Lan, Thái Hoà, Lâm Thanh Nhã, Uyển Ân, Hữu Châu…
Rating: 5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim
Cái giá của hạnh phúc là lần đầu thử sức của Nguyễn Ngọc Lâm với vai trò đạo diễn điện ảnh, gây chú ý nhờ sự xuất hiện của “ông hoàng phòng vé” Thái Hòa. Bộ phim xoay quanh chủ đề gia đình và ngoại tình – món ăn tinh thần quen thuộc ở rạp Việt suốt nhiều năm qua.
Phim ban đầu ấn định lịch ra mắt vào dịp lễ 30/4 – 1/5, hứa hẹn tạo nên cuộc đua phòng vé đáng mong chờ với Lật mặt 7: Một điều ước. Song ê-kíp phát hành lại quyết định đổi lịch chiếu sớm, nhằm tránh đụng mặt với bom tấn của Lý Hải.
Kịch bản ôm đồm, tình tiết thiếu logic
Cái giá của hạnh phúc xoay quanh gia đình thượng lưu 3 thế hệ nhà họ Võ. Họ tự hào vẽ nên bức tranh “gia đình hoàn hảo” – vợ chồng thành đạt, hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, có nền tảng giáo dục, đạo đức tốt. Mấy ai biết lớp vỏ bọc không tì vết này được người đời ngưỡng mộ, nhưng lại khiến cho chính những thành viên trong gia đình cảm thấy bức bối.
Biến cố ập đến trong đêm tân hôn của con trai, bà Dương (Xuân Lan) bàng hoàng phát hiện chồng mình – ông Thoại (Thái Hòa) ngoại tình với con dâu. Từ đây, những bí mật mà từng thành viên chôn kín suốt bấy lâu dần hé mở. Bức tranh gia đình hoàn hảo cũng bị phá vỡ hoàn toàn.
Cái giá của hạnh phúc là phim điện ảnh đầu tay của Nguyễn Ngọc Lâm. |
Cấu trúc kịch bản Cái giá của hạnh phúc có nhiều điểm được chắt lọc, học hỏi từ các tác phẩm ăn khách khác, mà điển hình tại Việt Nam có Tiệc trăng máu (2020). Tất nhiên, biên kịch đã có những sáng tạo cho riêng mình, với việc đào xới câu chuyện ồn ào về hôn nhân, ngoại tình, đồng tính hay thậm chí cả góc khuất giới showbiz…
Song việc ôm đồm quá nhiều thông điệp, vấn đề khiến bộ phim của Nguyễn Ngọc Lâm trở nên dàn trải, đôi khi còn làm mờ đi mâu thuẫn trọng tâm.
Ngay từ những cảnh đầu tiên, đạo diễn dẫn dắt góc nhìn của khán giả đến với ngôi biệt thự nhà họ Võ. Bối cảnh chính của phim được đặt cô lập với thành phố nhộn nhịp. Không gian sống thoạt nhìn bề thế, hào nhoáng nhưng mang lại cảm giác ngột ngạt, ẩn ý cho việc “giam chân” các thành viên trong không gian sống hạnh phúc mà bà Dương vẽ ra.
Biên kịch chủ đích xây dựng câu chuyện theo lối bồi đắp, khi mỗi bí mật được vạch trần lại góp phần đẩy mâu thuẫn lên cao. Càng cố gắng níu chân hạnh phúc, gia đình mà nhân vật dày công vun đắp càng nhanh chóng sụp đổ.
Dẫu vậy, ý tưởng này chưa được tái hiện một cách trọn vẹn. Bộ phim dần sa đà vào drama, bi kịch hóa giọt nước mắt. Câu chuyện hồi sau có phần lê thê vì những tình tiết dàn trải, mang tính kể lể mà thiếu đi sự thúc đẩy cao trào. Tiết tấu phim do vậy cũng trở nên thất thường, chưa được kiểm soát tốt.
Phim ôm đồm nhiều thông điệp, vấn đề xã hội. |
Cú plot-twist xuất hiện ở những cảnh cuối cùng thành công “cứu” phim về mặt cảm xúc. Nó kéo lại sự chú ý của khán giả sau khoảng thời gian ngạt thở trong mớ bi kịch bị lạm dụng và nước mắt của nữ chính.
Song trên góc độ nội dung, nó khiến cho một số trăn trở hiện lên xuyên suốt tác phẩm có phần thiếu logic. Thông điệp Cái giá của hạnh phúc cũng vì vậy mà chưa thực sự trọn vẹn, mới mẻ và ấn tượng.
Diễn xuất của Thái Hòa chưa cứu được chất lượng phim
Cái giá của hạnh phúc chứng kiến màn biến hóa của Thái Hòa với nhân vật người chồng ti tiện, ích kỷ, khác biệt với những vai nghèo khổ thường thấy. Lần này, ông hoàng phòng vé hóa thân một doanh nhân có địa vị đáng mơ ước, thậm chí được vinh danh là “Man of the year”.
Thế nhưng, ẩn sau lớp vỏ thành đạt, hết lòng vì gia đình lại là một kẻ biến thái, không ngại ngủ với con dâu ngay trong căn phòng tân hôn. Chi tiết này gây khó hiểu, vì vượt quá giới hạn thực tế. Chưa kể, nhân vật thực chất còn bị xây dựng theo kiểu đơn biến, một kẻ thuần ác. Vậy nên, việc làm thế nào để người xem ức chế, căm phẫn là điều không mấy khó khăn với một ngôi sao giàu kinh nghiệm như Thái Hòa.
Thế nhưng, nam diễn viên vẫn tìm được đất tỏa sáng, đơn cử như trong cảnh tượng 18+ điên rồ ở cuối phim.
Bộ phim cho thấy sự đầu tư chỉn chu về mặt hình ảnh. |
Còn với Xuân Lan, đây là lần đầu nữ siêu mẫu đóng chính trong một phim nặng về tâm lý. Nhân vật được ưu ái quá nhiều đất diễn, chiếm phần lớn thời lượng. Cô cho thấy nhiều sắc thải cảm xúc nhưng đài từ rất hạn chế. Dù vậy, vào vai một bà vợ ám ảnh với định nghĩa “hạnh phúc” nhưng đằng sau đó là cả một quá khứ tổn thương, bà Dương dưới sự thể hiện của Xuân Lan có một số khoảnh khắc “chạm” đến cảm xúc người xem.
Tâm lý nhân vật được khắc họa ở nửa đầu phim tương đối tốt, trải qua đủ hành trình cảm xúc từ hoảng sợ, tự vấn và trách cứ chính mình, cho đến liều lĩnh, bằng mọi giá cứu vãn hôn nhân.
Tuy nhiên, sự đấu tranh của nhân vật ở nửa sau dần trở nên đuối, kém thuyết phục. Hành trình “đòi lại hạnh phúc” của bà Dương thiếu điểm nhấn, nhiều đoạn lê thê, dài dòng không cần thiết. Dưới ngòi bút của biên kịch, nhân vật lạm dụng khóc lóc ở phần lớn thời lượng. Giọt nước mắt chỉ lặp lại những tâm sự chìm đắm trong bi kịch và đau khổ. Cú plot-twist cũng khiến hành trình của nhân vật phát sinh mâu thuẫn.
Tuyến nhân vật phụ của Hữu Châu, Lâm Thanh Nhã hay Uyển Ân đều sở hữu câu chuyện riêng, nhưng hành trình phát triển gượng gạo. Đó là sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình, bên cạnh những mối quan hệ riêng dẫn đến sự xuất hiện khiên cưỡng của một số tình tiết. Đơn cử như màn lật mặt của cô con dâu, việc con gái đi du học 6 năm vì ám ảnh quá khứ hay ồn ào xoay quanh mối tình đồng tính của cậu con trai…
Cái giá của hạnh phúc có điểm cộng là một số khung hình đẹp, cảnh bà Dương chân trần bước ra khỏi căn biệt thự ngột ngạt, hướng về phía thành phố sau khi trải qua cú sốc được dàn dựng khá ấn tượng, phản ánh sự thay đổi lớn trong nội tâm nhân vật. Tuy vậy, tổng thể phim vẫn có nhiều điểm trừ về kỹ xảo lẫn kỹ thuật điện ảnh, nhất là so với kỳ vọng về một tác phẩm có sự tham gia của Thái Hòa.