Tổng giám đốc Yeah1: ‘Với Anh trai, tôi chấp hết các đối thủ’

Hơn 20 năm hoạt động trong ngành giải trí, truyền thông, CEO Ngô Thị Vân Hạnh nói bà hiểu quy luật thị trường, lý do các thương hiệu thoái trào hoặc đạt tới đỉnh cao.

Thị trường giải trí Việt đang chứng kiến cuộc đấu căng thẳng chưa từng thấy giữa các chương trình truyền hình thực tế cùng lên sóng giờ vàng thứ 7 mỗi tuần: Anh trai vượt ngàn chông gai (Yeah1), Anh trai “say hi” (DatViet VAC), Đảo thiên đường (Cát Tiên Sa). Cả ba đều đến từ những tập đoàn truyền thông và giải trí lớn, tạo nên cuộc đấu khốc liệt, thu hút lượng lớn nghệ sĩ tham gia và khán giả theo dõi.

Nếu hai tập đoàn DatViet VAC và Cát Tiên Sa có CEO là nam giới kiêm luôn vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Yeah1 là một nữ giới – bà Ngô Thị Vân Hạnh. Bà Hạnh về Yeah1 vào thời điểm tập đoàn này được cho là rơi vào giai đoạn sa sút, gần như “thay máu” toàn bộ nhân sự. Song chỉ sau một năm cải tổ, lợi nhuận của công ty đã đạt mức cao nhất trong 5 năm qua nhờ khoản doanh thu tăng mạnh từ mảng quảng cáo trên kênh truyền hình và nền tảng kỹ thuật số.

Và bà Ngô Thị Vân Hạnh bắt đầu được gọi như một “nữ tướng” của thương hiệu này.

Tri thức Znews có cuộc phỏng vấn với bà Hạnh ngay tại phim trường quay chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai.

‘Tôi chông chênh trong ngày đầu về Yeah1’

– Lý do bà đến Yeah1 sau gần hai thập kỷ làm việc ở Cát Tiên Sa?

– Đây thực ra như một cơ duyên. Tôi và anh chủ đầu tư của Yeah1 ngoài đời là phụ huynh của hai đứa trẻ học chung lớp. Thế nhưng, chúng tôi chưa từng gặp nhau ngoài đời.

Khi anh quyết định đầu tư vào Yeah1, cần tìm một người đủ tin tưởng, đủ sức để cùng xây dựng lại vị thế của thương hiệu, vì một số lý do mà nó bị lãng quên trong nhiều năm. Qua câu chuyện của những đứa trẻ, anh bỗng nhớ đến tôi và mời đi cà phê. Trong buổi cà phê hôm đó, anh chia sẻ nhiều về định hướng phát triển công ty.

Thời điểm ấy, tôi đã trải qua gần 20 năm ở một công ty truyền thông, giải trí có tiếng. Tôi khá chán nản và cảm giác công việc này không đủ niềm vui, sức hút để mình đam mê, cống hiến nữa. Tôi đã nghĩ đến việc nghỉ hưu sớm, đi du lịch.

CEO Yeah1,  ba Van Hanh,  Anh trai chong gai,  chi dep dap gio,  tu long,  trong com anh 1

Lúc gặp anh, lắng nghe cách anh nói chuyện cùng những định hướng rõ ràng, tôi cảm nhận được sự chân thành. Tôi tự nói với bản thân hay thử thêm một lần nữa, biết đâu đó lại là thứ hay ho khiến mình có thể tiếp tục. Nếu không vui thì dừng lại. Không sao hết.

– Ngày đầu đến văn phòng công ty, mọi thứ thế nào?

– Thời điểm mới về, tôi bị chông chênh. Tư duy, năng lượng, không khí, tinh thần của mọi người không như mình tưởng tượng. Tôi cảm thấy mình phải làm một cuộc cách mạng mà chưa biết bản thân có đủ nghị lực, kiên nhẫn để theo đuổi không.

Khi nghĩ về nghệ sĩ, công chúng hay nhớ đến drama, đấu đá. Tôi đã từng làm những chương trình truyền hình thực tế như thế và nhận về kết quả rất chán.

Tôi mất 3 tháng để tìm hiểu về doanh nghiệp, văn hóa làm việc. Tôi thấy mọi thứ Yeah1 đang có trong tay chưa phải là những gì tốt nhất.

Trong một cuộc họp với lãnh đạo cao cấp của tập đoàn, họ nói muốn Yeah1 lấy lại vị thế số một của thị trường như đã từng. Tôi nhớ lúc ấy có nói rằng: ‘Nếu mọi người đưa cho tôi những thứ đã có, tôi chỉ có thể làm ra một chương trình tốt, nhưng không phải rất tốt, khó tạo tiếng vang để ghi dấu ấn ở phát súng đầu tiên’.

Họ tiếp tục hỏi tôi sẽ làm gì. Sau khi cân nhắc những lựa chọn, tôi quyết định bỏ The Voice và đưa ra phương án thực hiện Chị đẹp đạp gió rẽ sóng.

– Trong ‘phát súng’ đầu tiên với Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, vấn đề kinh phí đầu tư có phải là bài toán khó nhất phải giải?

– Với Yeah1, sau hai năm tái cấu trúc để đi vào giai đoạn chuyển mình, cất cánh, kinh phí đầu tư là điều bắt buộc, không thể tính toán quá nhiều đến chuyện lãi, lỗ. Trăn trở lớn nhất của chúng tôi là làm thế nào để xây dựng lại thương hiệu.

Ai cũng hiểu là làm chương trình tốt sẽ có sự đồng hành của các nhãn hàng. Nhưng chúng tôi cũng chấp nhận trường hợp xấu nhất. Hội đồng quản trị đồng ý và đưa duy nhất một điều kiện là tôi phải làm tốt.

Thật lòng, ở thời điểm đó, rất khó để dự đoán được tương lai của Chị đẹp đạp gió rẽ sóng. Khi ngồi với nhau, chúng tôi xác định không phải làm vì lợi nhuận, sự nổi tiếng, mà tạo ra giá trị thực sự, có thể truyền cảm hứng đến thế hệ sau. Nếu tạo ra một chương trình đầy drama thì đi ngược lại với những điều tôi mong muốn.

Tôi tiếp tục mất ba ngày để suy nghĩ tiếp về con đường sẽ đi. Thông thường, khi nghĩ về nghệ sĩ, công chúng hay nhớ đến drama, đấu đá. Tôi đã từng làm những chương trình truyền hình thực tế như thế và nhận về kết quả rất chán.

Nếu khán giả cho rằng không có tình bạn trong showbiz, tôi có thể chứng minh điều ngược lại. Từ mục tiêu ban đầu như vậy, tôi bắt đầu xắn tay thực hiện. Lúc ấy, cả team chỉ khoảng 10 người, tìm từng cái tên nghệ sĩ nữ trên 30 tuổi, phù hợp tiêu chí chương trình. Sau đó, tôi gặp hết các nghệ sĩ, nói rõ mong muốn, giá trị của chương trình, một số chị đẹp bắt đầu tin tưởng và đồng ý tham gia.

Khi có 20 nghệ sĩ, chúng tôi bắt đầu làm kịch bản, ghi hình, quay song song mọi thứ. Lúc bắt tay vào làm, mọi thứ không như hình dung, độ khó chắc gấp 100 lần. Không gian rất chật chội. Ngày đầu quay là 24 tiếng liên tục. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi làm việc với cường độ như vậy. Quay xong, tôi không ngủ được vì hưng phấn quá.

‘Sốc khi phim trường bị tháo dỡ’

– Khi đến Anh trai vượt ngàn chông gai, bà còn giữ sự hưng phấn đó không?

– Áp lực chồng chất. Thật sự một năm vừa qua mà tôi tưởng 5 năm. Tôi bạc hết tóc còn không có thời gian đi nhuộm (Cười).

CEO Yeah1,  ba Van Hanh,  Anh trai chong gai,  chi dep dap gio,  tu long,  trong com anh 2

– Áp lực lớn nhất bà muốn nói đến có phải là sự việc đổi phim trường ghi hình của ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’?

– Nói không cản trở thì không phải. Vì tổ hợp phim trường đầu tiên là cái chúng tôi rất tự hào, tâm huyết. Khi thiết kế các set ghi hình cho Anh trai vượt ngàn chông gai, chúng tôi đã tính toán mọi thứ, làm sao để có một không gian liền mạch, giúp nuôi dưỡng cảm xúc cho các anh.

Đặc biệt là trang thiết bị, trần cao là điều thường thiếu trong một phim trường, chúng tôi đã có được. Khi đổi qua phim trường mới, chúng tôi bỏ một khoản kinh phí lớn để cải tạo, nâng cấp để đảm bảo các set ghi hình được giữ nguyên.

Mọi thứ xong xuôi, các anh trai đến và ngỡ ngàng, ngạc nhiên, không hiểu vì sao chúng tôi có thể làm được mọi thứ trong một khoảng thời gian ngắn như thế. Các anh còn đùa rằng chúng tôi có “thần đèn” mới có thể di dời thần tốc và giữ cho các anh một không gian cảm xúc, tuyệt vời y như lúc đầu.

Có lẽ vì thấy nỗ lực của nhà sản xuất, các anh trai thương chương trình nhiều hơn và chúng tôi cùng làm mọi thứ tốt nhất cho chương trình. Tôi may mắn khi có hậu phương vững chắc là gia đình.

Chồng và các con tôi ủng hộ tôi vô điều kiện. Mọi người nói rằng chỉ cần là mẹ thích, mẹ thấy vui là cả nhà ủng hộ. Mọi người cũng tự hào vì những điều tôi làm.

Chồng tôi rất bận nhưng nếu ngày nào tôi đi quay, anh đều lái xe đưa tôi đi rồi sát cánh cùng vợ ở phim trường đến khuya. Nếu không có sự ủng hộ, chia sẻ từ gia đình, mọi thứ sẽ rất khó khăn. Tôi rất vui vì con gái út của tôi cũng thích ngành này. Cháu hiện là biên tập viên trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai.

‘Tôi không sợ bất kỳ đối thủ nào’

– Thời gian qua, cuộc đấu giữa Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai “say hi” căng thẳng chưa từng thấy. Hỏi thật, tâm thế của bà ra sao?

– Nói thật, nếu không kinh qua Chị đẹp, chúng tôi khó mà thực hiện thành công được Anh trai. May mắn là chúng tôi có format gốc và hiểu vì sao phải là Chị đẹp, vì sao là Anh trai.

Ngày đầu tiên đặt bút để phác thảo ra những nội dung ban đầu, tôi ghi rõ 4 tiêu chí để chọn lựa nghệ sĩ cho Anh trai. Tôi đã nói với Chủ tịch hội đồng quản trị rằng chắc chắn chương trình thành công. Tôi chấp hết các đối thủ và tin rằng không một chương trình nào có thể vượt qua Anh trai vượt ngàn chông gai.

Cạnh tranh để cố gắng phát triển, chứ không phải giết nhau. Nói thẳng là cũng không ai giết được tôi. Tiêu chí và những cái tôi đang có trong tay, thực sự tuyệt vời lắm.

Khi mọi người trong ê-kíp nói có một chương trình tương tự đang lên sóng, tôi dặn các nhân viên của mình cứ yên tâm và làm tốt nhất những gì đang có trong tay, không phải lo lắng.

Chúng tôi không cần cạnh tranh với ai. Tôi cũng không sợ bất cứ ai. Thực ra, họ phải cạnh tranh với tôi mới đúng.

Nhưng ở khía cạnh nào đó, nếu cạnh tranh lành mạnh thì tốt cho thị trường, khán giả. Cạnh tranh để cố gắng phát triển, chứ không phải giết nhau. Nói thẳng là cũng không ai giết được tôi. Tiêu chí và những cái tôi đang có trong tay, thực sự tuyệt vời lắm.

– Nghĩa là bà không quan tâm đối thủ đang làm gì?

– Đừng nghĩ người khác làm gì mà hãy thực hiện những điều tốt nhất của mình. Đấy là câu mà tôi thường dặn nhân viên của mình. Nếu đối thủ làm tốt, chúng ta có thể học. Có thời gian, tôi cũng lên mạng đọc bình luận, xem góp ý của khán giả.

Những cái gì cảm thấy tốt cho chương trình, khán giả, chúng tôi đều nhìn nhận, học hỏi. Trái lại, điều gì chưa tốt thì rút kinh nghiệm để né.

– Hai đối thủ của Yeah1 hiện tại là Cát Tiên Sa, Đất Việt cũng chính là “chốn cũ” mà bà từng gắn bó nhiều năm trời. Điều gì bà học được từ “đế chế” cũ? Và đâu là giá trị mới mà bà gây dựng cho tập đoàn?

– Tôi may mắn làm việc cùng các anh sếp cũ rất tâm lý, tâm huyết. Tôi học được cách yêu chương trình mình làm ra và sống chết với nó. Còn giá trị mới tôi mang đến cho Yeah1 là hướng đến cộng đồng. Tôi không muốn một chương trình làm ra chỉ mang tính giải trí đơn thuần. Các bạn có thể thấy từ Chị đẹp đạp gió rẽ sóng đến Anh trai vượt ngàn chông gai, chúng tôi luôn muốn đề cao những giá trị của sự nỗ lực, vượt qua giới hạn của bản thân và mang lại nguồn năng lượng tích cực.

Ở Anh trai vượt ngàn chông gai, ngoài việc chuyên chú vào tính giải trí, chúng tôi còn mong muốn lan tỏa và truyền tải giá trị về văn hoá ở từng phần trình diễn của những nghệ sĩ. Bằng sự giao thoa giữa giá trị âm nhạc hiện đại và giá trị văn hoá truyền thông, chúng tôi đã nỗ lực tạo ra những tác phẩm thể hiện dòng chảy văn hoá.

Tôi cũng mang những tiêu chí, thông điệp đó khi mời các người chơi tham gia chương trình. Việc mời những nghệ sĩ như anh Tự Long hay cựu danh thủ Hồng Sơn đâu phải chuyện dễ dàng. Nói thẳng ra việc tham gia một game show rất rủi ro cho họ, mất nhiều hơn được. Nhưng hai anh đều đồng ý góp mặt ở chương trình vì tin tưởng nhà sản xuất và các giá trị cốt lõi nói trên.

– Trong một thị trường đầy cạnh tranh, thậm chí không tránh khỏi những chiêu trò, thủ đoạn để giành miếng bánh thị phần, việc đặt ra một chương trình mà bà nói là tử tế, giá trị tích cực liệu hơi thiếu thực tế và “thi vị quá đà”?

– Nếu ai không hiểu, tin vào những giá trị như tôi đề cập ở trên, sẽ dễ nghĩ rằng chúng tôi phô trương, sáo rỗng. Nhưng tôi tin rằng bất kỳ xã hội nào, độ tuổi gì cũng cần những giá trị cốt lõi. Nếu chúng ta mải mê đi theo những thứ phù phiếm, văn hóa, nền tảng xã hội sẽ thay đổi.

Với Chị đẹp và Anh trai, chúng tôi mang tới những câu chuyện chân thực, xúc động, không có một chút drama, giả tạo, yêu ghét giận hờn gì. Khi họ yêu thương, sống chan hòa, đoàn kết sẽ cùng nhau vượt qua chông gai, khó khăn. Tôi tin rằng giá trị tốt đẹp, tử tế sẽ có kết quả như ý và chinh phục khán giả.

Đến thời điểm này, tôi xin khẳng định nhà sản xuất không bao giờ bắt các anh trai, chị đẹp phải chiêu trò lên hay cãi nhau vào, nhằm mang lại giá trị nào đó cho chương trình.

– Đi qua hào quang, đỉnh cao và cả thoái trào của các tập đoàn giải trí, “vết xe” nào bà nghĩ mình phải tránh?

– Tôi thấy rằng làm nghề gì cũng phải tập trung, toàn tâm toàn ý. Nếu không còn dốc sức mà bỏ lơ nó, thương hiệu ngay lập tức thoái trào. Còn nếu vẫn kiên định, yêu thương, nỗ lực với con đường mình đã và đang đi, mọi thứ sẽ tốt lên.

Tôi sẽ làm đến khi nào không còn niềm tin, cảm hứng nữa. Khi không muốn xây dựng, hét lòng vì nó, tôi sẽ dừng lại bằng bất cứ giá nào. Ai có níu kéo thì tôi vẫn sẽ ra đi vì thấy không còn phù hợp.

May mắn ở giai đoạn này, tôi vẫn bừng bừng khí thế, đầy tinh thần, nhiệt huyết.

‘5 năm nữa, tôi sẽ nghỉ hưu’

Quan sát các lãnh đạo thị trường giải trí, tôi thấy có những CEO chỉ làm chiến lược, gần như không ra phim trường, trong khi bà dành khá nhiều thời gian tại đây. Vì sao?

– Mang tiếng là CEO nhưng tôi làm mọi việc. Tôi thích ở phim trường nhiều hơn văn phòng vì được làm nghề.

Với hai chương trình Chị đẹp và Anh trai, tôi còn chịu trách nhiệm về nội dung. Tôi đọc sách nhiều lắm nên nhân viên gọi là “trưởng ban tư tưởng”. Từ định hướng, xây dựng nội dung chương trình đến từng công văn, email, thư mời, tôi đều cùng làm với mọi người.

Tôi muốn mình là điểm tựa cho nhân viên về mặt tinh thần. Ví dụ, ở các công ty khác, lãnh đạo nói đi đâu vài ba ngày là cấp dưới thấy vui lắm vì được thoải mái, làm những thứ mình thích. Còn ở đây, khi tôi vừa nói: “Sắp tới, cô đi chơi mấy ngày nhé”, các bạn ở dưới đồng thanh: “Khủng khiếp quá cô ơi”.

Tôi thấy mình dễ gần và không căng thẳng, nóng nảy khi xử lý mọi chuyện.

CEO Yeah1,  ba Van Hanh,  Anh trai chong gai,  chi dep dap gio,  tu long,  trong com anh 3

– Vậy có giới hạn nào bà không thể chấp nhận?

– Drama, tiêu cực là tôi không đồng tình. Có những chi tiết mà ê-kíp nói phát sóng lên sẽ hot lắm, gây bàn luận, viral nhưng tôi gạt ngay. Mọi thứ đã cam kết với nghệ sĩ, tôi sẽ thực hiện.

Để đi được đường dài, bắt buộc phải tôn trọng đối tác, nhãn hàng, nghệ sĩ của mình.

Các nhãn hàng bây giờ họ sợ chương trình drama lắm. Câu đầu tiên họ hỏi tôi là chương trình này có drama không?. Nếu có là họ từ chối hợp tác. Vậy tại sao mình phải đẩy bản thân vào thế khó.

– Bây giờ đã 50 tuổi, bà có nghĩ đến thời điểm về hưu?

– Tôi nghĩ sẽ 5 năm nữa. Khi nói chuyện với anh chủ đầu tư Yeah1, tôi bảo là cho tập đoàn thời gian tối đa 5 năm, tối thiểu 3 năm. Nếu 3 năm, may mắn tìm ra thế hệ kế thừa, sẽ trao lại cơ hội cho các bạn.

– Hơn một năm trôi qua, bà đã đã tìm được thế hệ kế cận chưa?

– Ở đây rất nhiều tài năng nhưng thực sự nói giao ngay vị trí này cho ai đó ngay lập tức thì chưa. Tôi cần sát cánh cùng các bạn, chinh chiến thêm vài năm nữa.

Việc tìm ra một người thay “trưởng ban tư tưởng” như tôi, cần thời gian.

Trong nghề này, người giỏi thì rất nhiều. Nhưng người sở hữu một cái “sense”, hiểu đơn giản là “cảm” cần thiết thì hiếm. Người sếp cũ của tôi có cái “cảm” đó và anh rất giỏi. Tôi cũng may mắn có được. Điều này khó lý giải, phân tích cụ thể lắm. Nhưng khi nhìn một chương trình gì đó, tôi có thể “cảm” được hay hoặc thành công hay không.

  • Ca sĩ Việt e dè sức nóng của 60 anh trai

    Bất cứ sản phẩm âm nhạc Việt nào ra mắt thời điểm này cũng có thể bị lu mờ bởi sức nóng quá lớn từ hai chương trình Anh trai “say hi”, Anh trai vượt ngàn chông gai.

  • Bằng Kiều 3 lần bị từ chối

    Trong quá trình chiêu mộ thành viên cho đội mình, Bằng Kiều tỏ ra hụt hẫng khi lần lượt nhận lấy cái lắc đầu từ STRONG Trọng Hiếu, Kay Trần và Neko Lê.


Cùng chuyên mục