Trà sữa Trung Quốc có thể làm được gì ở Việt Nam?

Nối gót Mixue, thương hiệu khác từ Trung Quốc là Chagee cũng sắp đổ bộ thị trường Việt Nam, tuy nhiên thành bại của “ông lớn” này vẫn là một ẩn số.

Chagee đã mở rộng tại một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Singapore… Ảnh: Chagee Singapore.

Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 2023 của iPOS.vn đã nhận định trong năm 2024, thị trường sẽ đón nhận nhiều làn sóng kinh doanh F&B mới từ các thương hiệu Trung Quốc. Xu thế này không chỉ xuất hiện tại Việt Nam, mà trên toàn Đông Nam Á.

Thực tế, trong những năm gần đây, riêng mảng trà và cà phê đã đón nhận nhiều cái tên đáng chú ý như Mixue, Cooler City hay Cotti Coffee. Chagee – cái tên được ví như “kẻ thách thức” Starbucks – cũng đã có những động thái đáng chú ý thể hiện sự quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Lợi thế của thương hiệu Trung Quốc

Chia sẻ với Tri Thức – Znews, ông Trần Xuân Trung – Giám đốc kinh doanh miền Bắc của iPOS.vn nhấn mạnh Mixue chính là nhân tố giúp định hình lại thị trường trà sữa Việt Nam trong vài năm trở lại đây.

Thương hiệu này đóng vai trò rất lớn trong việc mở rộng phân khúc đồ uống bình dân dành cho ngành trà sữa, cùng chiến lược nhượng quyền mạnh mẽ trên toàn quốc.

Mixue chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2008 thông qua Công ty TNHH Snow King Global, với trụ sở chính tại Thanh Xuân, Hà Nội. Đáng chú ý, chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, đến tháng 4/2023, thương hiệu này đã cán mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam.

Sản phẩm chủ lực của Mixue là trà sữa và kem, nổi bật với lợi thế cạnh tranh về giá cả phải chăng, trung bình rơi vào khoảng 25.000-35.000 đồng. Đây là mức giá gây ấn tượng mạnh vì khá rẻ so với sản phẩm tương đương trên thị trường.

Số liệu của Vietdata chỉ ra Mixue đã đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong năm 2023 với doanh thu gần 1.260 tỷ đồng, tăng hơn 160% so với năm 2022.

F&B,  he thong,  Chagee anh 1

Mixue thành công tại Việt Nam nhờ sản phẩm với mức giá bình dân. Ảnh: Quỳnh Danh.

Bên cạnh Mixue, thị trường cũng chứng kiến sự xuất hiện của các thương hiệu từ Trung Quốc khác như Bingxue, Cooler City…

“Các thương hiệu kể trên ảnh hưởng khá mạnh mẽ tới thị trường trà sữa tại Việt Nam, bao gồm cả các thương hiệu phân khúc tầm trung và bình dân, do tính cạnh tranh về giá. Người tiêu dùng được hưởng lợi lớn khi có nhiều lựa chọn khác nhau”, ông Trung nhận định.

Theo ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director và Horeca Business School, các thương hiệu F&B Trung Quốc sở hữu hệ thống nhà máy sản xuất hiện đại, giúp kiểm soát chi phí và duy trì chất lượng sản phẩm, đồng thời tăng khả năng phản hồi nhanh với nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, các thương hiệu này có thể nắm bắt nhanh thị hiếu của giới trẻ Việt Nam, đặc biệt trong phân khúc giá rẻ với các sản phẩm dễ tiếp cận như trà và kem. Đổi mới sản phẩm liên tục cũng là điểm mạnh giúp họ duy trì sức hút và sự trung thành của người tiêu dùng.

Bài toán với thương hiệu trung và cao cấp

Tiếp nối các “đồng hương”, một thương hiệu nổi tiếng khác từ Trung Quốc là Chagee cũng sắp đổ bộ Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng đây minh chứng cho thấy thị trường trong nước đang có nhiều hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy vậy, sự thành bại của Chagee vẫn còn là một ấn số và thương hiệu này cần rất nhiều yếu tố để chinh phục khách hàng.

Xét theo giá bán của Chagee tại Thái Lan, ông Trần Xuân Trung ước tính giá các sản phẩm của thương hiệu này khi về Việt Nam có thể dao động từ 65.000 đến 100.000 đồng, tức ở phân khúc cận cao cấp và cao cấp.

Theo ông Trung, ở phân khúc này, khả năng mở rộng chuỗi sẽ gặp nhiều thách thức, đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm và cơ sở vật chất, không như phân khúc bình dân của Mixue.

F&B,  he thong,  Chagee anh 2

Đánh vào phân khúc trung và cao cấp, Chagee được cho là sẽ khó mở rộng tại Việt Nam hơn Mixue. Ảnh: Chagee.

Mặt khác, ông Trung cho rằng giai đoạn đầu các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đầu tư vào Việt Nam khá thận trọng. Vị này lấy ví dụ như Cotti Cafe, một thương hiệu có hơn 5.000 cửa hàng tại Trung Quốc đã gia nhập thị trường Việt Nam vào cuối năm 2023. Thương hiệu chỉ mở một vài chi nhánh sau hơn 1 năm thâm nhập, và đa số là cửa hàng nhượng quyền.

“Chúng ta cần thời gian để quan sát thêm về tác động của Chagee tới thị trường đồ uống”, ông Trung nhận định.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Duy Thanh cho rằng mặc dù có nền tảng vững mạnh, Chagee cũng sẽ đối mặt với những thách thức khi tham gia vào thị trường Việt Nam, nơi đã có nhiều đối thủ nội địa và quốc tế cùng văn hoá trà – cà phê đa dạng.

Ngoài ra, các thương hiệu đến từ Trung Quốc như Chagee đều áp dụng mô hình nhượng quyền, giúp họ mở rộng số lượng cửa hàng nhanh chóng và tăng sự hiện diện trên toàn quốc. Tuy nhiên, với tốc độ mở rộng nhanh, việc kiểm soát chất lượng đồng nhất và duy trì trải nghiệm tích cực tại tất cả cửa hàng cũng là bài toán mà Chagee cần giải quyết.


Cùng chuyên mục