XEM VIDEO: “Ông hoàng nhạc nghèo” khoe cuộc sống chăm vườn ở Mỹ.
Trường Vũ là một trong những giọng ca đặc biệt và thành công ở thị trường trong nước lẫn hải ngoại từ những năm đầu 2000. Nhắc đến ngôi sao sinh năm 1963, nhiều người gọi ông bằng cái tên “ông hoàng nhạc nghèo”. Đó là bởi hào quang có được cho đến ngày hôm nay của Trường Vũ đều từ những ca khúc nhạc vàng với chủ đề “nghèo” hay “thất tình”, có thể kể tới: Nghèo, Đám cưới nghèo, Nghèo mà có tình, Thân phận nghèo…
Trường Vũ từng trải qua quãng thời gian khó khăn, làm đủ nghề để mưu sinh. Có thể đó là chất xúc tác giúp nam ca sĩ “thổi hồn” vào những ca khúc nghèo sau này.
Suốt những năm tháng ở đỉnh cao sự nghiệp, Trường Vũ được đồng nghiệp và khán giả kính nể bởi ông chưa bao giờ hát nhép. Nam ca sĩ nghiệm ra rằng: “Tôi muốn về hát cho khán giả thật sự thưởng thức, tôi thích hát live chứ không hát nhép, hát phải có ban nhạc của mình chứ bỏ đĩa ra hát thì tôi hát không được”. Danh tiếng của Trường Vũ còn được khẳng định với cát-xê thuộc hàng “khủng” ở hải ngoại. Nhiều nguồn tin cho rằng từ năm 2012, thu nhập của ông đã ở mức 140 triệu đồng/show, trong khi Quang Lê lúc đó chỉ khoảng 120 triệu, hay Phi Nhung cũng chỉ 60 triệu. Có người bảo, Trường Vũ giàu nhờ chữ “nghèo”.
Cuộc sống nơi xứ người cực khổ trăm bề, nhưng niềm đam mê âm nhạc thì chưa bao giờ tắt trong Trường Vũ.
Dù hiện tại có cuộc sống trong mơ của nhiều người Việt ở hải ngoại, nhưng Trường Vũ luôn trân trọng quá khứ đi lên từ nghèo khó. Thời chưa nổi tiếng, ông chấp nhận làm nhiều nghề, kiếm vài trăm đô mỗi tháng chỉ để theo đuổi ước mơ.
Từ “kỹ sư lái dĩa bay” kiếm trăm đô mỗi tháng đến ngôi sao “xấu tự nhiên”, cát-xê “khủng” ở hải ngoại
Khác với nhiều sao Việt sang Mỹ khi đã có sự nghiệp, Trường Vũ bắt đầu cuộc sống ở trời Tây năm 20 tuổi, khi theo gia đình tới định cư ở Los Angeles vào năm 1983. Đặt chân đến xứ người, chàng trai với nhiều hoài bão đã bắt đầu cuộc sống tự lập dù còn nhiều bỡ ngỡ và lạc lõng.
Với Trường Vũ, đó là những năm tháng không thể nào quên khi việc gì cũng làm, miễn có thu nhập để lo cho bản thân và gia đình. Ông cho biết mình bắt đầu với việc ở nhà hàng như lau dọn bát đĩa, phụ bếp… cho đến sai vặt, kiếm mỗi tháng vài trăm đô. Lúc đó, nhiều người gọi vui nghề đó là “kỹ sư lái… dĩa bay”. “Tôi làm đủ thứ, cái gì người ta cần đằng sau bếp là tôi phải làm hết, chỉ có điều là không được vào trong bếp để nấu”, ông kể.
Song song với việc ở nhà hàng, Trường Vũ kiếm thêm từ một số việc tay chân khác. Mỗi khi nhắc đến quá khứ, ông lại bồi hồi: “Thời đó, trong lúc nhà hàng chưa mở cửa từ 2 rưỡi chiều tới 5 giờ chiều, mọi người đi ngủ còn tôi phải đi làm thêm lợp tôn, làm mái nhà, cắt đồ cho nhà may vest. 5 giờ trở đi thì khách tới đông, tôi phải quay lại nhà hàng để làm cật lực”.
Hình ảnh nam ca sĩ thời trẻ. Nhiều năm trôi qua, nhưng tên tuổi của Trường Vũ cũng như Hoài Linh, Mạnh Quỳnh chưa bao giờ “nguội”.
Bám trụ một thời gian, ông xin nghỉ vì quá mệt, rồi bắt đầu chạy bếp ở một nhà hàng của người Hoa. Sau vài năm “đầu tắt mặt tối”, ông tích góp mua được chiếc ô tô đầu tiên. Ít ai biết, trước khi có được phương tiện “che nắng che mưa”, Trường Vũ đón xe bus đi làm nhưng không ai dám ngồi gần vì mùi hôi ám vào quần áo do suốt ngày quanh quẩn trong bếp. Lúc đó, ngửi mùi của mình nam ca sĩ còn khó chịu, nói gì đến người ngoài.
“Vào trong xe bus, những người ngồi cạnh tôi chạy đi hết, không ai dám ở gần. Ban đầu tôi không biết, về sau mới nhận ra do mùi thối đó. Tôi phải mua loại xà bông đắt tiền nhất của Pháp, thơm nồng lên, về tắm sạch sẽ mà mùi vẫn bám vào người, không thể tẩy sạch được”, ông nhớ lại.
Trong những ngày tháng cơ cực, tiền kiếm chỉ đủ ăn chứ chẳng dám mơ làm người nổi tiếng, âm nhạc là điều duy nhất an ủi Trường Vũ. Từ những cuốn băng nghe Chế Linh, Duy Khánh hát mỗi đêm, ông bắt đầu dành thời gian cho ca hát, sau đó đánh liều bỏ học phổ thông để theo đuổi nghệ thuật. Từ một lần ngâm nga được ca sĩ Chung Tử Lưu phát hiện, mời về trung tâm Phượng Hoàng và trung tâm Ca Dao hợp tác, cuộc sống của “ông hoàng nhạc nghèo” Trường Vũ đã “sang trang”.
Ban đầu, việc đi hát của Trường Vũ chỉ đủ để kiếm sống qua ngày. Có lẽ bởi vậy mà trông gương mặt ông khá buồn và khắc khổ.
Với rất nhiều sự cố gắng, từ một chàng trai lớn lên ở khu phố Hoa chỉ rành tiếng Triều Châu và Quảng Đông, hiểu vài từ tiếng Việt đơn giản, Trường Vũ đã dành 5 năm theo đuổi cách phát âm nhạc lý, theo học danh ca Chế Linh. Cuối cùng, hào quang đến với ông hanh chóng khi cái tên Trường Vũ “thống trị” các bản tin âm nhạc ở hải ngoại, trở thành “ngôi sao bán vé” ở khắp các tụ điểm với mức cát-xê thuộc top đầu. Năm 2006, Trường Vũ bắt đầu được cấp phép về Việt Nam biểu diễn.
Giàu có từ những ca khúc mang chủ đề “nghèo” nhưng ngôi sao hải ngoại luôn khiêm tốn. Ông nói về mình: “Show giờ tuần có tuần không, sống qua ngày thôi, giàu có thì không”. Không chỉ không công nhận mình giàu, Trường Vũ còn phủ nhận mình đẹp trai: “Tôi biết mình xấu mà, giờ làm cái gì cũng không đẹp lên được”. Đó là lý do ông ngại thay đổi vẻ ngoài. “Tại vì mình xấu tự nhiên nên không dám đòi hỏi nữa, tự nhiên đi làm cái này cái kia, hay thay đổi kiểu tóc lại càng xấu nữa. Thôi tôi để vậy luôn, cho nó xấu tự nhiên”, ông hóm hỉnh.
Cũng vì ngoại hình chẳng có chút bóng bẩy của các ngôi sao nổi tiếng, nói chuyện lại duyên dáng dễ mến, nhiều người cho rằng nếu không làm ca sĩ thì Trường Vũ chắc chắn sẽ là diễn viên hài. Điều này thấy được từ những lần lên sân khấu, ông luôn khiến khán giả cười nghiêng ngả từ màn chào hỏi. Thi thoảng, ông còn đóng vai ăn xin, làm trò xin tiền các mỹ nhân làng nhạc khiến ai cũng thích thú.
Trường Vũ mang vẻ ngoài đặc biệt nhưng gần gũi với khán giả.
Hưởng lạc ở trời Tây với gia đình hạnh phúc, viên mãn với cuộc sống trồng trọt, chăm khoe clip nấu ăn với vợ con
Vài năm gần đây, không ít ngôi sao hải ngoại thuộc nhiều dòng nhạc khác nhau về Việt Nam biểu diễn, muốn phát triển sự nghiệp ở quê hương. Dẫu vậy, khán giả thấy thiếu vắng giọng hát nhiều tự sự, sâu lắng cùng phong cách diễn mộc mạc của Trường Vũ. Đó là những thứ mà người yêu nhạc quê hương bấy lâu nay mong chờ trong thời buổi nhạc thị trường “lên ngôi”.
Lúc này, ngoài những khi xuất hiện trên sân khấu, người hâm mộ còn thấy nam danh ca xuất hiện với hình ảnh một người chồng, người bố yêu gia đình. Những năm qua, ông sống rất kín tiếng bên cạnh người bạn đời chung chăn gối hơn 15 năm. Khi nhắc về vợ, nam danh ca dành nhiều sự trân trọng vì bà là người “đồng cam cộng khổ” với ông từ những ngày đầu đi hát. Trường Vũ cho biết lý do lớn nhất khiến ông ít nhắc về vợ vì không muốn gia đình nhỏ của mình bị ảnh hưởng. “Vợ tôi đã hy sinh rất nhiều để tôi có được ngày hôm nay. Tôi không muốn đưa vợ con vào giới showbiz. Cuộc sống của họ sẽ bị xáo trộn ít nhiều” – ông nói.
Gần đây, Trường Vũ đã cởi mở hơn khi nhắc về gia đình. Ông thoải mái đăng tải những khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình trên trang cá nhân.
Những năm gần đây, Trường Vũ cởi mở hơn khi thường xuyên đăng tải clip, hình ảnh kể về góc sinh hoạt của ông trong gia đình, từ việc mê trồng trọt cây ăn trái cho đến việc học nấu ăn với vợ, dạy các con nói tiếng Việt… Trên trang cá nhân, khán giả thấy nam danh ca trổ tài làm bánh cuốn, bánh xèo, chuối chiên… Khi “ông hoàng nhạc nghèo” chịu khó tương tác, khán giả mới nhận ra nam danh ca chuyên hát nhạc thất tình, “than nghèo kể khổ” trên sân khấu hóa ra lại là một người khá vui tính, hài hước trong đời thường.
Năm 2020, nam danh ca rất tự hào khi khoe “thành quả” trồng trọt của mình trong cơ ngơi ở Mỹ. Trường Vũ cho biết ở nhà, ông trồng rất nhiều cây ăn trái, như mãng cầu, lê, nhãn, dừa kiểng, tắc, lựu…, bố trí cả một hồ cá phong thủy để cùng gia đình thưởng thức thú điền viên. Ông cũng dành một không gian riêng để trồng những loại rau như rau má, rau dền và đặc biệt là rau đắng. Anh chia sẻ: “Rau đắng ngày xưa ở quê mọc quá trời, nhưng bây giờ về tôi không thấy. Ở Mỹ phải đi kiếm rau đắng để trồng”.
Dù bận đi hát, song Trường Vũ luôn dành thời gian chăm sóc vườn nhà và tự tay trồng những loại cây ăn quả mình yêu thích.
Trong một chia sẻ khác, ngôi sao hải ngoại cho biết lúc này ông chỉ hát cho cộng đồng, chùa chiền. Nam nghệ sĩ cho biết: “Giờ thì nhiều trung tâm chết hết rồi, còn vài trung tâm nữa thôi. Ở Việt Nam khán giả quá nhiều, gần 100 triệu dân, mình là ca sĩ Việt Nam về đó đương nhiên có nhiều show. Ở Mỹ không có khán giả nhiều như vậy, chỉ có những sòng bài thôi và chỉ hát vào cuối tuần, một năm có vài ngày lễ thì được hát thêm. Ở Việt Nam thì mình có thể hát hằng ngày, một tuần thì hát 5-6 ngày luôn”.