Nhãn hàng của Rihanna thể hiện tham vọng kiếm tiền tại Trung Quốc. Ảnh: Vogue. |
Ngày 21/5, trong phiên livestream đầu tiên trên Douyin, tỷ phú Rihanna giới thiệu các sản phẩm làm đẹp Fenty Beauty, thương hiệu do cô sáng lập, đến với khán giả của xứ tỷ dân. Ca sĩ tự tay trang điểm cho người mẫu, cho thấy hiệu quả, chức năng của những món mỹ phẩm được bán ra.
Sự kiện này thu hút sự chú ý của công chúng Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác. Tỷ phú Rihanna chính thức bước vào cuộc đua livestream “chốt đơn” tại thị trường tiềm năng này, theo Jing Daily.
Rihanna xuất hiện trong phiên phát trực tiếp đầu tiên của Fenty Beauty tại Trung Quốc. |
Thị trường màu mỡ
Giá trị của thị trường làm đẹp Trung Quốc hiện đạt 63 tỷ USD, ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các thương hiệu xa xỉ phương Tây.
Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của các sàn thương mại điện tử cũng tạo ra cơ hội bán hàng lớn. Quốc gia này hiện có thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới với giá trị dự kiến đạt 4.000 tỷ USD vào năm 2027.
Ngoài ra, hành vi của người tiêu dùng thuộc thế hệ Millennials và Gen Z ở Trung Quốc ngày càng thay đổi. Họ không chỉ mua các mặt hàng đến từ những thương hiệu truyền thống, được ưa chuộng bởi thế hệ bố mẹ, ông bà.
Nhóm khách hàng này đề cao chủ nghĩa cá nhân, khao khát thể hiện bản thân và tiếp cận nhiều với văn hoá phương Tây. Tâm lý và hành vi tiêu dùng này mở đường cho các nhãn hàng quốc tế gia nhập thị trường Trung Quốc.
Mỹ phẩm là chủ đề không chỉ được bàn luận trong lĩnh vực làm đẹp, mà còn xuất hiện rộng rãi trên các mạng xã hội như Weibo, WeChat hay Douyin.
Sự phát triển của Thương mại điện tử xuyên biên giới (CBEC) cho phép các thương hiệu quốc tế dễ dàng vận chuyển sản phẩm đến Trung Quốc với ít quy định hơn. Nhập khẩu CBEC ở đất nước này tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rihanna xuất hiện trên bìa Vogue Trung Quốc, mở đường cho thương hiệu mỹ phẩm của mình tại thị trường này. Ảnh: Vogue. |
Fenty Beauty gia nhập
Nhãn hàng mỹ phẩm Fenty Beauty gia nhập thị trường Hong Kong và Macau từ năm 2019, sau đó mở gian hàng chính thức trên sàn thương mại điện tử TMall và mạng xã hội Douyin.
Tháng trước, thương hiệu này cũng lập tài khoản Weibo để tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Các sản phẩm của Fenty Beauty chính thức có mặt trực tuyến và tại cửa hàng Sephora Trung Quốc từ ngày 1/4.
Gia nhập thị trường làm đẹp Trung Quốc, Fenty Beauty nhanh chóng thực hiện sự điều chỉnh để phục vụ thị hiếu thẩm mỹ và văn hoá của người dân quốc gia này.
Nhãn hàng bắt đầu chiến dịch truyền thông bằng việc đưa Rihanna lên trang bìa tạp chí Vogue Trung Quốc. Phát trực tiếp cũng là hoạt động thúc đẩy doanh số bán nằm trong chiến lược tiếp thị của thương hiệu.
Tận dụng sức mạnh các nền tảng số là cách làm thông minh của Fenty Beauty. Nội dung UGC (viết tắt của “User-Generated Content”) là hình thức quảng cáo tự nhiên của nhãn hiệu. Những người tiêu dùng Trung Quốc sử dụng mỹ phẩm Fenty Beauty, giới thiệu các mặt hàng này đến người theo dõi, tạo ra một “làn sóng” trên mạng xã hội.
Mặc dù được xem là “miếng bánh béo bở” đối với các nhãn hàng quốc tế, thị trường làm đẹp Trung Quốc vẫn tạo ra những thách thức nhất định. Nhiều thương hiệu ghi nhận thất bại tại xứ tỷ dân.
Cụ thể, nhãn hàng mỹ phẩm Revlon đã thua khi không thể điều chỉnh sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng địa phương. Sai lầm của Revlon là không đẩy mạnh tiếp thị kỹ thuật số. Đây là bài học đáng nhớ đối với Fenty Beauty và các nhãn hiệu theo sau khác.