Imane Khelif hứng chịu bình luận xúc phạm cơ thể, giới tính khi tham gia Thế vận hội. Ảnh: Richard Pelham. |
5.630 VĐV nam và 5.416 VĐV nữ là con số “biết nói” tại Olympic Paris. Sự cân bằng về số lượng mở ra bức tranh bình đẳng giới tại sự kiện thể thao này.
Hashtag #GenderEqualOlympics được Uỷ ban Olympic Quốc tế thúc đẩy, sử dụng để tiếp thị cho mùa Thế vận hội năm nay.
Tuy nhiên, nhận xét khiếm nhã nhắm vào vận động viên nữ của Bob Ballard hay sự miệt thị mà võ sĩ bị nghi chuyển giới Imane Khelif phải đối mặt khiến mục tiêu bình đẳng giới trở nên xa vời.
Đơn vị phát sóng nhận yêu cầu hạn chế cảnh quay VĐV nữ tại Olympic. Ảnh: Olympics. |
Nỗ lực của Olympic
Đơn vị phát sóng Thế vận hội nhận được yêu cầu tránh tạo ra những hình ảnh phân biệt giới tính. Nhóm quay phim với số lượng lớn thành viên nam cần hạn chế các cảnh cận các vận động viên nữ.
Trước đây, những hình ảnh, thước phim về nữ giới trở nên phổ biến tại Olympic, bị nhận xét là phục vụ “ánh nhìn đàn ông” (male gaze).
“Vận động viên nữ không ở đây vì họ hấp dẫn hay gợi cảm. Họ đến Olympic vì thành tích thi đấu ưu tú, nổi bật”, Yiannis Exarchos, Giám đốc điều hành OBS, đơn vị phát sóng thường trực cho tất cả kỳ Thế vận hội Olympic, cho biết.
Để chứng minh cho luận điểm này, đài truyền hình quyết định sắp xếp lịch trình các môn thi đấu có sự tham gia của nhiều vận động viên nữ vào khung giờ vàng. Đây là điều hiếm khi xảy ra trong các mùa Thế vận hội trước.
Bên cạnh đó, những vận động viên đang trong thời kỳ cho con bú được sắp xếp phòng riêng. Nhà trẻ trong Làng Olympic cũng hỗ trợ chăm sóc trẻ em.
Tuy nhiên, Vogue Business nhận định rằng đây là nỗ lực ở mức cơ bản, đáng lẽ phải được thực hiện từ các mùa trước.
Nike gây tranh cãi với trang phục thi đấu phân biệt giới tính cho đội tuyển Mỹ. Ảnh: Nike. |
Truyền thông, nhãn hàng vẫn phân biệt giới
Bình luận viên Bob Ballard tạo ra làn sóng phẫn nộ với những nhận xét miệt thị phụ nữ tại Olympic.
Khi bình luận về phần thi đấu thuộc nội dung bơi tiếp sức tự do nữ 4×100 m, Ballard nói: “Những người phụ nữ chỉ đạt mức ‘hoàn thành’ phần thi. Bạn biết phụ nữ thế nào mà. Họ chỉ loanh quanh, trang điểm”.
Thay vì tôn vinh thành tích của các vận động viên nữ, bình luận viên này lại coi nữ giới là tâm điểm của trò đùa kém duyên. Phát ngôn kỳ thị phụ nữ đã khiến Ballard phải trả giá đắt, bị loại khỏi danh sách bình luận của Eurosport.
Trang phục thi đấu phân biệt giới mà Nike thiết kế cho đội tuyển Mỹ cũng là nguồn cơn của sự chỉ trích. Trong khi đồ thi đấu dành cho vận động viên nam bao gồm quần lửng, set trang phục liền thân của nữ giới lại có chi tiết cắt cao, biến phụ nữ thành đối tượng tình dục, theo Vogue.
Theo cựu vận động viên chuyên nghiệp Lauren Fleshman, nữ giới có thể cảm thấy không thoải mái khi thi đấu trong bộ đồng phục hở hang. Họ phải liên tục kiểm tra trang phục, tránh tạo ra tình huống hớ hênh trước khán giả và đảm bảo an toàn cho các bộ phận dễ bị tổn thương trên cơ thể.
“Nếu các nhà sản xuất lập luận rằng thiết kế này giúp gia tăng hiệu suất thi đấu của vận động viên nữ, tại sao nam giới không mặc chúng?”, Lauren Fleshman đặt câu hỏi.
Võ sĩ quyền Anh Imane Khelif bị lăng mạ, bôi nhọ tại Olympic Paris. Ảnh: Richard Pelham. |
Khán giả ‘đổ dầu vào lửa’
Sự việc võ sĩ quyền Anh Imane Khelif bị nghi là người chuyển giới cũng kéo theo nhiều bình luận xúc phạm cơ thể và phân biệt giới tính. Dù Uỷ ban Olympic ra sức bảo vệ, khẳng định quyền thi đấu của Khelif, võ sĩ này vẫn bị bôi nhọ, xúc phạm danh dự.
Cô phải hét lên “Tôi là phụ nữ” với các nhà báo sau trận đấu tại Thế vận hội, nói rằng nhân phẩm bị tổn hại nghiêm trọng vì hành vi bắt nạt tập thể của một bộ phận khán giả Olympic.
“Nó có thể hủy hoại con người, giết chết suy nghĩ, tinh thần và trí óc. Nó còn chia rẽ mọi người. Và vì thế, tôi yêu cầu mọi người kiềm chế việc bắt nạt”, võ sĩ nói với đài SNTV.
Ngoài ra, số lượng lớn người theo dõi nam phàn nàn về quyết định mặc quần legging dài của đội tuyển bóng chuyền bãi biển Canada và Mỹ. Một ý kiến thu hút 12 triệu lượt xem cho rằng việc mặc quần yoga bó sát trong trận thi đấu bóng chuyền bãi biển nữ là “sự báng bổ với fan cuồng”.
Như vậy, sự bất bình đẳng giới không chỉ đến từ đội ngũ sản xuất, đưa tin, mà còn xuất phát từ khán giả Olympic. Vogue Business cho rằng hashtag #GenderEqualOlympics chỉ có thể đạt được với nhiều nỗ lực hơn.