Sau ồn ào bạo hành, Lâm Minh được cho là đã rời khỏi nhà Decao, bắt đầu chương mới trong cuộc sống. Mới đây, cô quyết định xuống tóc, cạo trọc, thể hiện sự thay đổi lớn trong tâm lý. Fashionista này cũng nhanh chóng thực hiện bộ hình thời trang đánh dấu sự hồi sinh. Cụ thể, cô xây dựng tạo hình phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn. Lâm Minh chọn những chiếc váy corset vừa quyến rũ vừa cá tính. Phần chân váy bị cháy xém mang ý nghĩa biểu tượng, cho thấy sự vực dậy sau đổ vỡ của người mặc. Ảnh: @lseoul.official. |
Lâm Minh cũng diện một thiết kế bán khoả thân, hoá nữ thần vươn lên từ khổ đau. Chi tiết vặn thừng được làm từ những sợi tóc giả, ẩn dụ cho mái tóc mà cô đã cắt đi sau biến cố. Hình tượng mới của Lâm Minh được nhiều tín đồ thời trang khen ngợi, cho thấy sức sống mạnh mẽ của fashionista này. Cô thành công tiếp nối lịch sử của những chiếc “váy trả thù” trong ngành thời trang. Ảnh: @lseoul.official. |
“Revenge dress” (tạm dịch: “váy trả thù”) là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ trang phục mang tính lột xác, vực dậy của những người phụ nữ sau khi trải qua biến cố lớn trong cuộc sống. Đây là những chiếc váy đánh dấu một chương mới trong cuộc đời người mặc, kết thúc bi kịch trong quá khứ. Các tín đồ thời trang nữ thường diện một thiết kế lộng lẫy sau khi chia tay, kết thúc một giai đoạn đau khổ. Ảnh: @lseoul.official. |
Một trong những chiếc váy trả thù có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử thời trang là thiết kế trễ vai của Công nương Diana. Sau khi Hoàng tử Charles thừa nhận chuyện ngoại tình của bản thân, Công nương Diana rạng rỡ xuất hiện tại một sự kiện ở London (Anh) trong chiếc váy cocktail màu đen của NTK Christina Stambolian. Theo giới mộ điệu, đây là một vũ khí bằng lụa, lưỡi dao thời trang, cho thấy sức mạnh nội tại của người mặc. Chiếc váy sang trọng, quyến rũ là tuyên bố của Công nương Diana về sự mạnh mẽ của bản thân trước bi kịch tình yêu. Ảnh: Martin Keene. |
Thay vì dùng hành động bạo lực hay ngôn ngữ sát thương, Công nương Diana trả thù một cách văn minh bằng thời trang, phổ biến xu hướng mặc “váy trả thù”. Theo nhà tâm lý học thời trang Dawnn Karen, tác giả cuốn Dress Your Best Life, việc ăn diện đẹp để thể hiện sự “hồi sinh” có tác dụng chữa lành lớn. Chiếc váy của Công nương Diana có chi tiết hở vai, bó sát, đối lập với các nguyên tắc bất thành văn về trang phục dành cho các thành viên hoàng gia thời đó. “Có lẽ bà cảm thấy bị kiểm soát, khao khát thoát khỏi sự cầm tù”, Dawnn Karen cho biết. Lúc đó, phụ nữ hoàng gia cũng không được khuyến khích mặc đồ đen trừ khi để tang. Với “váy trả thù”, Công nương nước Anh đã ngầm chứng minh rằng bà không chấp nhận quy tắc ăn mặc nào. Nhiều ý kiến cho rằng thiết kế này mang lại sự tự tin, cảm giác quyền lực cho Diana. Ảnh: Tim Graham. |
Theo Fade Eadeh, giáo sư tâm lý học tại Đại học Seattle (Mỹ), Công nương Diana là một nhân vật nổi tiếng, bị đối xử bất công một cách công khai. Vì vậy, khi mặc chiếc “váy trả thù”, bà muốn Hoàng tử Charles thấy những gì ông đã đánh mất, đồng thời nỗ lực khôi phục công lý và gửi thông điệp về sự hồi sinh đến với công chúng. Diana không phải người phát minh ra trang phục trả thù, song đã đem đến một xu hướng kéo dài qua nhiều thế hệ, trở thành một phần văn hóa đại chúng. Ảnh: Jayne Fincher. |
Năm 2021, nữ ca sĩ, tỷ phú Taylor Swift cũng xuất hiện trong chương trình Late Night With Seth Meyers với một chiếc “váy trả thù”. Chiếc đầm đen trễ vai của Taylor được nhận định là có nhiều điểm giống với mẫu váy của Công nương Diana trước khi. Trong ca khúc Vigilante Shit, Taylor Swift cũng từng thừa nhận việc ăn mặc để thể hiện sức mạnh tái sinh của bản thân: “Tôi không ăn diện vì phụ nữ/ Tôi không ăn diện vì đàn ông/ Gần đây, tôi ăn diện để trả thù”. Ảnh: NBC. |