Jin chuẩn bị xuất ngũ, kết thúc chuỗi ngày dài tạm dừng hoạt động. Sự trở lại của Jin có ý nghĩa lớn lao với người hâm mộ khi nó đánh dấu sự trở lại của BTS trên thị trường âm nhạc. Tuy nhiên, cộng đồng ARMY (fan của BTS) chưa kịp vui mừng, tranh cãi đã nổ ra. Lý do là Big Hit Music, công ty quản lý của BTS tổ chức sự kiện để tại đó Jin ôm khoảng 1.000 người hâm mộ khác nhau.
Từ việc Jin ôm 1.000 người hâm mộ
Theo Tvchosun, Jin sẽ tham dự sự kiện offline 2024 FESTA được tổ chức tại khu liên hợp thể thao Jamsil ở Seoul vào 13/6, một ngày sau khi anh xuất ngũ. Đây cũng là sự kiện kỷ niệm ngày ra mắt của BTS. Công ty quản lý của BTS Big Hit Music cho biết sự kiện này được chuẩn bị theo gợi ý của Jin. Qua đây, anh muốn dành khoảng thời gian ý nghĩa, gần gũi với ARMY. Sự kiện gồm 2 phần. Trong đó, ở phần đầu tiên, 1.000 người hâm mộ may mắn có cơ hội được ôm Jin.
Những người hâm mộ muốn đăng ký tham gia sự kiện này phải mua album The Astronaut của Jin hoặc các album khác của BTS trên Weverse Shop trong thời gian 2/6 đến 6/6. Đồng nghĩa, càng mua nhiều album, người hâm mộ càng tăng cơ hội tham gia sự kiện.
Ngoài bị chỉ trích “bào tiền” fan, Big Hit Music còn khiến khán giả phẫn nộ vì không bảo vệ thần tượng. Người hâm mộ bày tỏ sự lo ngại về tính an toàn của sự kiện. Đặc biệt, việc Jin ôm hàng nghìn người có thể khiến anh gặp những mối nguy hiểm tiềm ẩn từ những người lạ, thậm chí có người trong số có thể không phải fan của BTS. Cộng đồng fan đang kêu gọi Big Hit Music chuyển hình thức sự kiện sang họp mặt hoặc tặng quà, ký tặng cho hàng nghìn người hâm mộ đã mua album.
Người hâm mộ lo lắng khi Jin sẽ ôm 1.000 người hâm mộ trong sự kiện sắp diễn ra. Ảnh: Big Hit Music. |
“Không phải Jin sẽ bị ốm khi ôm hàng nghìn người ở khoảng cách gần như vậy sao”, “Hãy giảm số lượng người xuống khoảng 100-300 và chuẩn bị thật kỹ càng để nghệ sĩ cũng như người hâm mộ không bị tổn thương, đồng thời mọi chuyện có thể kết thúc an toàn”, “Giảm số lượng người đi. Jin làm sao có thể kiểm soát được 1.000 người”, “Không phải quá nguy hiểm khi để 1.000 người ôm anh ấy sao. Công ty có thể đảm bảo sẽ không có người kỳ lạ nào trà trộn vào 1.000 người đó không?”, cộng đồng mạng chỉ trích Big Hit Music.
Mới đây, hình ảnh Mark (thành viên nhóm NCT) thân mật với một cô gái lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Tấm ảnh thu hút sự chú ý vì trông giống cặp đôi yêu nhau. Mark thậm chí ôm mặt fan. Cư dân mạng bàng hoàng khi phát hiện cô gái trong tấm hình là một người hâm mộ nổi tiếng, có lượt theo dõi lớn của NCT.
Theo đó, cửa hàng Mumo của Nhật Bản trao thưởng là cơ hội chụp hình thân mật với thần tượng cho 5 người hâm mộ mua nhiều album nhất. Một người hâm mộ của Haechan (thành viên cùng nhóm với Mark) đã chi 16.000 USD để giành được phần thưởng này.
Câu chuyện của Mark và Jin một lần nữa cho thấy cả người hâm mộ lẫn các thần tượng đang bị thương mại hóa quá mức để kiếm lợi nhuận. Tình yêu đơn thuần giữa fan với thần tượng ngày càng bị lợi dụng.
Mô hình tình yêu thương mại hóa
Theo Snunews, cách thị trường Kpop khổng lồ theo đuổi lợi nhuận khá cực đoan. Một trong những hình thức được duy trì nhiều năm qua là sự kiện ký tặng người hâm mộ. Để có cơ hội tham gia sự kiện này, người hâm mộ phải mua thật nhiều album. Bạn càng mua nhiều album thì cơ hội giành quyền tham gia sự kiện ký tặng càng cao. Không có thông tin chính xác về cách thức các công ty quản lý lựa chọn người tham gia hay số tiền một người phải bỏ ra để tham dự sự kiện ký tặng là bao nhiêu. Nhưng, nhiều trường hợp phải mua mua hàng chục, thậm chí hàng trăm album.
Trong khi đó, fandom thần tượng lại thường xuyên là đối tượng bị coi thường, Snunews nhận định. Người hâm mộ khi đến sự kiện này đôi khi trải qua hành vi khám xét cơ thể quá mức và mang tính xúc phạm, chẳng hạn kiểm tra đồ lót với mục đích an ninh.
Nhóm nhạc Le Sserafim gần đây liên tục bị chỉ trích vì kỹ năng ca hát quá yếu kém. Ảnh: HYBE. |
Tình yêu của người hâm mộ với thần tượng được các công ty giải trí rao bán giống mô hình tình yêu thương mại hóa. Mối quan hệ tưởng chừng đẹp đẽ, ý nghĩa giữa người hâm mộ và ca sĩ đã bị thương mại hóa triệt để giữa thị trường khổng lồ của ngành công nghiệp Kpop.
Kpop theo đuổi lợi nhuận cực cao và đối xử tệ với người tiêu dùng hơn bất kỳ ngành kinh doanh nào khác, vì đây là ngành kinh doanh dựa trên tình yêu của người hâm mộ. Toàn bộ ngành công nghiệp Kpop, bao gồm phát nhạc trực tuyến, mua album, biểu diễn, sự kiện ký tặng người hâm mộ, bán hàng hóa, đều dựa trên sự tiêu dùng và tham gia tích cực của cộng đồng fan. Tức mọi hoạt động dựa trên niềm đam mê cuồng nhiệt của những người hâm mộ, chủ yếu là phụ nữ trẻ.
Về phía các thần tượng, họ cũng phải hy sinh mọi thứ, bao gồm cuộc sống riêng tư từ tuổi thiếu niên và bị đẩy vào đời sống thực tập sinh khắc nghiệt. Họ phải trở thành một sản phẩm của con người ngay cả sau khi thành công, DongA nhận định và thậm chí miêu tả các thần tượng như những “vũ khí con người”.
Không thể phủ nhận các công ty quản lý Hàn Quốc có khả năng vô song trong việc đào tạo thần tượng và tạo ra các bài hát, vũ đạo có tính cạnh tranh toàn cầu. Đó là lợi thế đã tạo nên những thần tượng đẳng cấp như BTS hiện tại.
Nhưng điều nan giải là Kpop ngày nay sẽ không thể có được khả năng cạnh tranh nếu không có sự đào tạo khắc nghiệt đó.
Theo Kunews, các chiến lược theo đuổi lợi nhuận quá mức đã dẫn đến vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Người hâm mộ Kpop đang dần quay lưng khi các công ty quản lý tìm mọi cách để bào tiền trong khi chất lượng các phần trình diễn hoặc thậm chí kỹ năng của các thần tượng không được đảm bảo. Thời gian qua, hàng loạt thần tượng như ILLIT, Le Sserafim bị chỉ trích hát nhép hoặc kỹ năng thanh nhạc quá yếu kém.