Trong đoàn thể thao hùng hậu của Trung Quốc tại Olympic Paris 2024, 5 chàng trai của đội tuyển bơi lội đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý. Những cái tên như Wang Shun, Pan Zhanle, Xu Jiayu… không chỉ đốn tim người hâm mộ bởi vẻ ngoài điển trai, mà còn khiến cả thế giới ngưỡng mộ bởi tài năng trong trận tranh tài gay cấn. Ảnh minh họa: @CGTNSportsScene. |
Wang Shun là một trong những gương mặt kỳ cựu của đội tuyển bơi lội nam Trung Quốc. Kình ngư năm 1994 tại Chiết Giang đã bén duyên với bơi lội từ năm 6 tuổi. Anh có lợi thế lớn về thể hình khi sở hữu chiều cao 1,91 m cùng sải tay dài. Sau tấm huy chương đồng ở nội dung bơi 200 m nam tại Olympic Paris, anh đã có màn đáp trả đanh thép trước những nghi ngờ về việc gian lận trong quá trình tập luyện. Anh vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ tại ĐH Thể dục Thể thao Bắc Kinh và hiện theo đuổi chương trình tiến sĩ tại ĐH Ninh Ba. Ảnh: @CGTNSportsScene. |
Pan Zhanle (19 tuổi) đã trở thành tâm điểm chú ý tại Olympic Paris 2024 khi phá kỷ lục thế giới nội dung 100 m tự do nam. Chiến thắng thuyết phục với khoảng cách bỏ xa đối thủ 1,08 giây đã khiến chuyên gia người Australia Brett Hawke phải thốt lên rằng đây là thành tích “không thể xuất hiện trong đời thực”. Chia sẻ với truyền thông, chàng trai cao cao 1,89 m cho biết yếu tố then chốt làm nên chiến thắng nằm ở phương pháp tập luyện khoa học, chú trọng rèn luyện sức bền và khả năng bứt tốc. Ảnh: HK01, 2nuno_forphysio. |
Xu Jiayu sở hữu bộ sưu tập thành tích đáng nể, gồm một chức vô địch thế giới cùng 3 tấm huy chương bạc Olympic. Nam thần 29 tuổi có biệt danh là Rùa, tên được đặt theo hai chữ cuối trong tên mình. Kình ngư bước chân vào con đường vận động viên chuyên nghiệp năm 11 tuổi. Huy chương vàng ở nội dung tiếp sức hỗn hợp nam 4×100 m Olympic Paris 2024 không chỉ là giấc mơ thành hiện thực của Xu Jiayu sau nhiều năm chờ đợi, mà còn là lời tri ân sâu sắc gửi đến người huấn luyện viên quá cố Xu Guoyi. Ảnh: @xujiayu0819. |
Sinh năm 2000 tại Hồ Bắc, Sun Jiajun (thứ 2 từ trái qua) bén duyên với bơi lội từ năm 6 tuổi và nhanh chóng bộc lộ tài năng thiên bẩm. Anh liên tiếp gặt hái thành công ở các giải đấu trẻ, nhưng cũng phải đối mặt với chấn thương đầu gối dai dẳng từ năm 2018. Dù được khuyên từ bỏ bơi lội sau ca phẫu thuật, kình ngư vẫn quyết tâm trở lại bể bơi chỉ sau 2 tuần nghỉ ngơi. Anh chuyển sang tập luyện kiểu bơi bướm để giảm áp lực lên đầu gối và dần lấy lại phong độ. Tại Olympic Paris năm nay, Sun Jiajun đã có màn lột xác ngoạn mục khi xuất sắc giành huy chương vàng ở nội dung tiếp sức hỗn hợp 4×100 m. “Tôi chưa bao giờ dám mơ mình sẽ có được tấm huy chương này. Lúc lên bờ, tôi đã không kìm được nước mắt. Hôm nay, tôi đã làm được!”, VĐV đã vỡ òa trong nước mắt sau chiến thắng. Ảnh: Xinhua. |
Qin Haiyang (Hồ Nam, Trung Quốc) bắt đầu bơi từ năm 5 tuổi rưỡi và bắt đầu huấn luyện chuyên nghiệp tại căn cứ huấn luyện của đội tuyển bơi lội Hải quân Thượng Hải khi mới 9 tuổi. Chuyên về kiểu bơi ếch, chàng trai sinh năm 1999 liên tục phá vỡ các kỷ lục quốc gia ở các nhóm tuổi. Năm 2017, anh giành chức vô địch nội dung 200 m ếch tại Đại hội Thể thao toàn quốc và phá kỷ lục quốc gia ở Trung Quốc, chính thức ghi dấu ấn trên đấu trường bơi lội. Tại Olympic Paris 2024, kình ngư xuất sắc cùng đồng đội giành huy chương bạc ở nội dung tiếp sức hỗn hợp 4×100 m nam, đồng thời phá kỷ lục châu Á. Ảnh: Xinhua, @haiyangqin. |