Ngày đầu thực tập tại một cơ quan truyền thông, Maya Bodnick, 20 tuổi, bước vào văn phòng với bộ vest màu tím sang trọng. “Thà thừa còn hơn thiếu trong ngày thực tập đầu tiên”, cô nghĩ.
Tuy nhiên, khi bước vào công ty, cô sinh viên 20 tuổi ngỡ ngàng khi nhận ra mình đã ăn diện quá lố. Đa số đồng nghiệp của cô mặc quần jeans và áo sơ mi đơn giản. Song cô cũng nhẹ nhõm khi biết mình có thể mặc loại trang phục này trong những ngày thực tập tiếp theo.
Câu chuyện của Bodnick không hề hiếm gặp. Sau thời kỳ đại dịch, giới nhân viên văn phòng trở lại làm việc, họ bắt đầu linh hoạt hơn về lịch trình và vai trò công việc.
Do đó, trang phục công sở cũng thay đổi theo. Một khảo sát của Gallup cho thấy 72% nhân viên văn phòng đang ăn mặc giản dị hơn tại công sở, 41% chọn phong cách “công sở giản dị”. Đặc biệt, 31% người được hỏi cho biết họ mặc quần áo thường ngày đến công ty.
Cú sốc trang phục trong ngày đầu tiên
Mỗi mùa hè, các sinh viên thường đổ về những cơ quan nhà nước ở khu Capitol Hill (khu dân cư lâu đời nhất của Washington, D.C. và là nơi tọa lạc của Quốc hội Mỹ). Nhiều người lầm tưởng bản thân phải mặc những bộ áo vest thật chuyên nghiệp, trang trọng trong những ngày thực tập ở đây.
Song, ý tưởng và thực tế thường không trùng khớp.
Danny Escala, 21 tuổi, là thực tập sinh tại văn phòng của Thượng nghị sĩ Roger Marshall trong mùa hè năm nay. |
Danny Escala, 21 tuổi, là thực tập sinh tại văn phòng của Thượng nghị sĩ Roger Marshall trong mùa hè năm nay. Anh quyết định “mua một tủ quần áo hoàn toàn mới” theo lời khuyên của gia đình và những phong cách được gợi ý trên mạng xã hội.
Chàng sinh viên 21 tuổi quên rằng Quốc hội Mỹ thường không họp vào mùa hè và quy định trang phục của họ vào ngày thường lại đơn giản hơn nhiều. Anh cũng dính lỗi “ăn mặc quá lố” trong ngày đầu thực tập.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Angy Rushford, 20 tuổi, thực tập sinh tại văn phòng Hạ nghị sĩ Brian Fitzpatrick. Trong lần đầu thực tập vào năm 2023, cô phải hỏi ý mẹ và tham khảo một số bài đăng trên mạng để biết mình nên mặc gì.
“Tôi là thực tập sinh nữ duy nhất ở văn phòng nên áp lực còn cao hơn. Để tạo ấn tượng tốt cho con gái trong ngày đầu thực tập, mẹ tôi đã mua hàng chục chiếc blazer và váy bút chì”, cô kể lại.
Mặc dù cơ quan yêu cầu “trang phục công sở chuyên nghiệp”, bộ váy bút chì và chiếc blazer nâu của Rushford lại nổi bật giữa những chiếc váy ngắn, quần jeans, áo sơ mi của đồng nghiệp.
Rushford tận dụng tủ đồ cũ và mua một số phụ kiện ở chợ second-hand (chợ đồ cũ) để hoàn thiện “tủ đồ thực tập sinh”. |
Năm nay, Rushford đăng ký thực tập lần hai tại văn phòng của Hạ nghị sĩ Fitzpatrick. Cô mặc một chiếc váy ngắn màu trắng và mang đôi giày cao gót quai mảnh thường dùng để đi ăn tối ở nhà hàng hoặc đi chơi đêm. Sinh viên này còn mua một số phụ kiện ở chợ second-hand (chợ đồ cũ) để hoàn thiện “tủ đồ thực tập sinh” của bản thân.
“Đồng nghiệp khen tôi là một quý cô dễ thương, cá tính mà cũng chuyên nghiệp khi tôi mặc trang phục này”, Rushford nói thêm cô lấy cảm hứng từ hình ảnh tiểu thư Elle Woods trong tác phẩm Legally Blonde để phối đồ.
Phong cách thực tập sinh
Bên cạnh những lời khuyên từ gia đình và kinh nghiệm cá nhân, các thực tập sinh Gen Z còn sử dụng mạng xã hội để tìm đồ phù hợp. Họ sử dụng TikTok, Instagram, Pinterest và cả Google để tìm ra phong cách đơn giản mà chuyên nghiệp.
Trước khi bắt đầu thực tập tại Cơ quan Di trú Mỹ, Cristal Sanchez, 20 tuổi, sinh viên Đại học Missouri, cũng gặp rắc rối với trang phục. “Tôi không ngủ được vì không biết phải mặc gì, khi còn là sinh viên thì những bộ đồ nghiêm túc nhất của tôi chỉ là quần jeans và áo polo”.
Cô sử dụng các từ khóa như “thực tập sinh” và “trang phục công sở phù hợp” để tìm gợi ý trên Pinterest. Kết quả, sinh viên 20 tuổi mặc một chiếc áo ba lỗ trắng, quần dài và khoác một chiếc sơ mi màu hồng nhạt có giá 10 USD. Kết quả, người hướng dẫn thực tập khen Sanchez là người “có thẩm mỹ tốt”.
Trước khi bắt đầu ngày thực tập đầu tiên tại Cơ quan Di trú Mỹ, Cristal Sanchez, 20 tuổi, sinh viên Đại học Missouri, cũng gặp rắc rối với trang phục. |
Việc ăn mặc giản dị ở văn phòng cũng giúp các thực tập sinh – những người chưa được hưởng 100% lương – bớt lo lắng về tài chính hoặc không cần mượn đồ của cha mẹ. Giống như Sanchez, họ có thể tận dụng quần áo có sẵn hoặc mua đồ second-hand để có trang phục phù hợp mà không bị “cháy túi”.
Khi được thông báo có thể ăn mặc đơn giản trong kỳ thực tập, Bodnick gần như vỡ òa. Điều này có nghĩa là sinh viên năm ba không cần “vét túi” để mua những bộ vest chuyên nghiệp và trang trọng.
“Hầu hết sinh viên không có quần áo đắt tiền hay cầu kỳ trong tủ quần áo”, cô nói. “Vậy nên tôi rất vui khi được phép mặc váy và trang phục thường ngày để làm việc”.
Cũng có thực tập sinh hào hứng chọn những bộ vest trang trọng trong ngày làm việc đầu tiên, dù họ bắt buộc phải làm vậy.
Theo khảo sát của Gallup, phong cách thời trang của giới văn phòng đã thay đổi đáng kể từ sau Covid-19. |
“Tôi tận hưởng cảm giác được đồng nghiệp khen ngợi mỗi khi mặc vest đến văn phòng”, Reagan Patrick, 21 tuổi, thực tập tại văn phòng Hạ nghị sĩ Julia Letlow, cho biết.
Patrick nói thêm cô cũng đề xuất cho các thực tập sinh khác những thương hiệu thời trang vừa túi tiền với sinh viên mà lại phù hợp. “Tôi nói với họ: ‘Đây là những nơi mà tôi đã mua quần áo. Bạn không cần một chiếc áo vest như tôi để trở nên chuyên nghiệp. Váy như thế này cũng được”, cô nhớ lại.
Các thực tập sinh đang sử dụng thời trang để thể hiện phong cách cá nhân tại nơi làm việc. Điều này giúp họ gây ấn tượng với các đồng nghiệp tương lai về sự chỉn chu và chuyên nghiệp.