Theo Think China, mỗi giờ ăn trưa, hàng chục phụ nữ trung niên tập trung tại tầng trệt của SEG Plaza (TP Thâm Quyến, Trung Quốc) để nhận hàng của shipper và giao đến tận tay người đặt. Cây bút của tờ này gọi đây là những người “dì giao hàng thay thế”.
Những người này sẽ đeo mã QR trên cổ để được thanh toán tiền và viết chi tiết thông tin người nhận lên từng gói hàng. Sau khi đã gom đủ số lượng đơn, “dì giao hàng thay thế” sẽ bắt đầu đến từng tầng để đưa cho người đặt hàng. Sau khi mỗi đơn hàng giao thành công, họ sẽ nhận được 2 NDT (khoảng 6,8 nghìn đồng).
Hiện nay công việc này đang ‘nở rộ’ ở các khu trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng. Đa số mọi người đều xem đây là công việc tay trái, bán thời gian.
Huang Xiumei, đến từ Hồ Nam, Trung Quốc đang là 1 quản gia. Trong thời gian rảnh, cô đến SEG Plaza để kiếm thêm thu nhập từ công việc này. Người phụ nữ cho biết thường nhận được tối đa 30 đơn vào mỗi buổi trưa. Như vậy, mỗi tháng cô có thêm khoảng 1.000-2.000 NDT (3,4 – 6,8 triệu đồng).
Tất nhiên đây chưa phải mức lương tối đa cho công việc này, một số ‘dì giao hàng thay thế” thành thục công việc có thể nhận được 10.000 NDT/tháng (khoảng 34 triệu đồng). Những người này thường được xem là huyền thoại ở khu đô thị Thâm Quyến – nơi “mọi người tìm đến chỉ để làm giàu, kiếm tiền”.
Huang cho biết dịch vụ nhận hộ đơn hàng này nhằm giúp người đặt hàng không phải đợi thang máy để di chuyển. Các shipper cũng không gặp khó khăn trong việc tìm được người đặt hàng.
SEG Plaza là một tòa nhà 71 tầng với hơn 3.000 căn hộ cùng cách bố trí sảnh chờ vô cùng phức tạp. Thời gian chờ đợi thang máy ít nhất là 5 phút. Nếu căn hộ của bạn nằm ở tầng cao nhất, bạn sẽ mất đến 15 phút (bao gồm cả việc dừng lại ở mỗi tầng để cho mọi người ra vào) để có thể di chuyển xuống đến tầng trệt.
Nhưng Huang đã thuộc mọi ngóc ngách của tòa nhà này. Nên bà có thể trả 20 đơn chỉ trong vòng 30 phút nghỉ trưa. Người phụ nữ tự tin cho biết: “Tôi bắt đầu lên kế hoạch cho lộ trình giao hàng ngay khi nhận được đơn hàng. Chúng tôi thường trao đổi với những ‘dì giao hàng’ khác để công việc hoàn thiện một cách nhanh chóng hơn”.
Tuy nhiên, Huang đang than thở rằng công việc này đang bị cạnh tranh dữ dội. Thậm chí nhiều người trẻ bị mất việc hay cắt giảm giờ làm cũng gia nhập công việc này. Điều này khiến số lượng đơn hàng không đủ đáp ứng, ảnh hưởng đến thu nhập.
“Công việc không yêu cầu bằng cấp nên ai cũng có thể làm được. Có thời điểm, ở dưới sảnh của SEG có đến 50-60 người nhận đơn hàng hộ cùng 1 lúc”, Huang chia sẻ.
Về việc chia sẻ 1 phần thù lao cho những người giao hàng, hầu hết các shipper cho rằng đây là sự chia sẻ lợi ích. Bởi thu nhập của họ sẽ bị giảm nếu giao hàng không đúng giờ.
Một người giao hàng tên Zhao Lei cho biết việc chờ thang máy tại các tòa nhà cao tầng như SEG Plaza quá tốn thời gian. Anh ước tính có thể phải mất đến 20 phút để giao hoàn thành 1 đơn hàng.
“Nếu tôi đích thân đưa tận tay đồ cho khách hàng thì các đơn hàng khác sẽ bị chậm trễ. Thời gian là tiền bạc. Chúng tôi sẽ cần phải hoàn thành nhiều đơn hàng nhất có thể để nhận được khoản thưởng. Việc thuê những người giao hàng hộ này thực ra giúp chúng tôi gia tăng thu nhập”, anh chia sẻ thêm.
Để thuận tiện cho việc giao và nhận đơn hàng, các nền tảng giao hàng này đã sắp xếp các tủ đựng đồ ở tầng trệt của những tòa nhà. Tuy nhiên, nó thường không được sử dụng.
Người giao hàng tên Zhang Xiaodong cho biết thường khách hàng không cho phép anh làm điều đó. Bởi hầu hết khách hàng đặt đồ ăn giao tận nhà vì ngại ra ngoài. Nếu phải xuống tận tầng trệt để lấy đồ ăn, họ sẽ ra ngoài ăn luôn.
Theo Think China, một số “dì nhận hộ” vẫn bị trễ và giao nhầm hàng cho khách hàng. Khi đó các shipper là người bồi thường.
Luật sư Li Xianliang cho biết nếu không có sự chấp thuận từ khách hàng, các shipper đang vi phạm thỏa thuận giao hàng. Nếu đơn bị mất, họ phải là người chịu trách nhiệm.
“Họ cũng có thể đòi bồi thường từ người nhận hộ nhưng đồ ăn thường không có giá trị cao và chỉ là thỏa thuận riêng”, Li Xianliang nói thêm.