Cuộc đấu giá trực tiếp Asian Art Spring của Christie’s tại Hong Kong vừa qua thu về tổng cộng 70,46 triệu USD, chứng tỏ sức hấp dẫn trường tồn của nghệ thuật châu Á. Ảnh: Christie’s. |
Các nhà đấu giá hàng đầu thế giới đồng loạt mở trụ sở mới và thêm không gian triển lãm tại Hong Kong (Trung Quốc), cũng như công bố nhiều lịch đấu giá hơn. Có thể thấy, họ đang nhắm tới giới siêu giàu nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn ở thị trường Trung Quốc và thúc đẩy doanh số bán hàng ở châu Á, Financial Times đưa tin.
Nhà đấu giá 250 năm tuổi Christie’s chuẩn bị chuyển trụ sở khu vực của mình sang mặt bằng rộng hơn 4.600 m2 trong tòa nhà chọc trời Henderson (Hong Kong) vào tháng 9 tới. Họ hy vọng có thể tăng số lượng vật phẩm bán ra tại châu Á bằng cách tổ chức lịch đấu giá quanh năm tại đây.
“Đối thủ” Sotheby’s cũng không kém cạnh khi công bố địa điểm bán lẻ mới tại trung tâm khu kinh doanh ở Hong Kong vào tháng 7, đồng thời chuyển đến văn phòng mới cũng trong thành phố này. Bonhams, một trong những nhà đấu giá hàng đầu thế giới, sẽ mở trụ sở mới tại xứ Cảng thơm vào tháng 9, trong khi Phillips đã chuyển đến một địa điểm mới từ năm ngoái.
Những động thái này diễn ra bất chấp thị trường nghệ thuật toàn cầu đang chậm lại, cũng như tiêu dùng xa xỉ đang giảm ở Trung Quốc. Một số nhà phân tích cảnh báo điều này sẽ ảnh hưởng đến ngành nghệ thuật và xa xỉ.
Sotheby’s khai trường một tổ hợp triển lãm – bán lẻ ở Hong Kong (Trung Quốc) vào tháng trước. Ảnh: Sotheby’s. |
Doanh số bán các tác phẩm nghệ thuật tại các cuộc “đấu giá buổi tối” ở Hong Kong, thuật ngữ dùng để chỉ những cuộc đấu giá nổi bật nhất, đã giảm 40% giá trị trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kì năm trước, đạt mức thấp nhất kể từ năm 2017, theo nhóm nghiên cứu ArtTactic.
Song, Francis Belin, Chủ tịch của Christie’s tại châu Á, không đồng tình.
“Nhìn chung, những con số phản ánh ngành xa xỉ ở Trung Quốc không tốt, nhưng tôi không nghĩ những con số tổng hợp đó phản ánh vĩ mô”, ông chia sẻ.
Chủ tịch cho biết 80% trong số khách hàng châu Á của Christie’s đến từ Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong, thuộc tầng lớp siêu giàu, và phần lớn không bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm kinh tế. Trong nửa đầu năm nay, khách hàng châu Á chiếm 41% người mua trong các cuộc bán hàng xa xỉ của nhà đấu giá này.
“Để mua những vật phẩm mà chúng tôi bán, bạn không chỉ cần có tiền, mà cần rất nhiều tiền. Những khách hàng như vậy chỉ tồn tại một nhóm rất nhỏ”, ông nói thêm, khẳng định những vật phẩm hiếm được bán bởi nhà đấu giá thể hiện sự “phi tương quan” với các sự kiện kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự đóng góp của khách hàng châu Á vào tổng doanh số bán đấu giá của Christie’s giảm từ mức 39% vào giữa năm 2021, khi công ty công bố kế hoạch chuyển đến địa điểm mới, xuống 21% vào giữa năm nay.
Trong đó, doanh số về tác phẩm nghệ thuật thế kỷ 21 ở thị trường Hong Kong không đạt mức ước tính thấp của Christie’s, và doanh số tác phẩm nghệ thuật thế kỷ 20 cũng chỉ ở mức tương đương.
Bất chấp thị trường nghệ thuật ảm đạm, các nhà đấu giá đang mở rộng quy mô mạnh mẽ tại châu Á. Ảnh minh họa: Sotheby’s. |
Nhưng ông Belin cho biết khách hàng châu Á của Christie’s chỉ dành khoảng 1/2 chi tiêu tại Hong Kong, có nghĩa là vẫn còn nhiều nhu cầu chưa được khai thác để tăng doanh số ở thành phố này.
“Chúng tôi thấy rằng các nhà sưu tập châu Á hoạt động tích cực hơn ở nước ngoài hơn là ở Hong Kong”, ông chia sẻ.
Sotheby’s cũng gặp khó khăn trước tình cảnh thị trường đấu giá nghệ thuật giảm sút toàn cầu và đã tiến hành cắt giảm nhân sự trong những tháng gần đây.
Tháng 7, nhà đấu giá 280 năm tuổi bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ châu Á. Một tổ hợp triển lãm và bán lẻ gồm 2 tầng, nằm bên trong một trung tâm thương mại ở trung tâm Hong Kong, sẽ bày bán sách hiếm, tranh vẽ và tượng điêu khắc có giá từ 5.000 HKD (640 USD) đến 50 triệu HKD (6,4 triệu USD).
Phát biểu tại lễ khai trương, Nathan Drahi, Giám đốc điều hành của Sotheby’s châu Á, bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng dài hạn của thị trường này, đồng thời cho biết hơn 1/3 khách hàng tại các cuộc đấu giá gần đây của Sotheby’s tại New York đến từ châu Á.
Nói về triển vọng của giới siêu giàu ở Trung Quốc, ông nhận định những khách hàng này vẫn nằm ở phân khúc cao nhất của thị trường và thực hiện những mức giao dịch rất lớn cho các vật phẩm cao cấp.
Tuy nhiên, theo Meg Maggio, một cố vấn nghệ thuật làm việc tại Hong Kong và giám đốc điều hành toàn cầu của Pearl Lam Galleries, công cuộc mở rộng của các nhà đấu giá hiện nay khá mạo hiểm khi diễn ra vào thời điểm thị trường đang gặp nhiều thách thức từ bất ổn địa chính trị và cạnh tranh khốc liệt.
“Thách thức được đặt ra là: Liệu sẽ có quá nhiều cuộc đấu giá và hoạt động của các nhà đấu giá ở Hong Kong không? Họ có đang làm bão hòa thị trường không”, bà nói.