Hermès tỉnh táo

Nhờ chiến lược kinh doanh dài hạn thay vì chạy theo lợi nhuận trước mắt, Hermès đạt tăng trưởng ấn tượng ở quý III dù “cơn bão” suy thoái đang càn quét thị trường hàng xa xỉ.

Hermès không chỉ đang “sống sót” qua cơn suy thoái, mà còn đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh minh họa: Andrey Rudakov/Bloomberg.

Trong khi LVMH và Kering đều báo cáo doanh thu sụt giảm, Hermès lại ghi nhận tăng trưởng 14% trong 9 tháng đầu năm, đạt 11,2 tỷ euro (12,1 tỷ USD).

Đặc biệt, doanh thu quý III của hãng thời trang cao cấp đạt 3,7 tỷ euro (4 tỷ USD), tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, thương hiệu gần 200 năm tuổi này vẫn duy trì mức tăng trưởng 7% tại châu Á, thị trường đang gây khó khăn cho nhiều “ông lớn” xa xỉ khác, theo Business Insider.

“Điểm trừ” duy nhất của Hermès là mảng đồng hồ, với doanh số giảm 6%, nguyên nhân do sự kiện đồng hồ thường niên tại Trung Quốc bị dời lịch và xuất khẩu từ Thụy Sĩ chậm lại.

Bà Dupont-Pietri, Giám đốc quan hệ nhà đầu tư của thương hiệu, cho biết điều khiến bà bất ngờ nhất chính là sự tương phản rõ rệt giữa sức bật của Hermès so với những “dân chơi” khác trong ngành hàng xa xỉ, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc.

thi truong suy thoai,  thuong hieu Hermes,  doanh thu Hermes,  tui xach Hermes,  thi truong xa xi, anh 1

Giới chuyên môn nhận định Hermès đang hưởng lợi từ chiến lược kinh doanh bài bản, dài hạn và sự am hiểu sâu sắc những quy luật của ngành hàng xa xỉ. Ảnh minh họa: Hermès.

Theo Martin Roll, chiến lược gia kinh doanh toàn cầu, nhu cầu đối với thời trang xa xỉ vận động theo chu kỳ. Nhà mốt Pháp vẫn giữ vững phong độ bởi hãng đánh giá thành công qua lăng kính dài hạn, khác với các đối thủ.

Ông cũng chỉ ra rằng bản sắc thương hiệu của thương hiệu “dựa trên sự khan hiếm”. Thương hiệu này không chạy theo xu hướng thời trang hay tung ra sản phẩm theo mùa vụ.

“Bạn không mua túi xách hay khăn Hermès chỉ để dùng trong một mùa. Sản phẩm của thương hiệu này gần như là một tài sản dài hạn”, Martin Roll nói.

Thương hiệu Pháp chủ động “hy sinh” tăng trưởng ngắn hạn vì hãng không chạy theo lợi nhuận trước mắt. Nhà mốt này ý thức rõ rủi ro bão hòa thị trường và tập trung vào chiến lược bền vững.

Bên cạnh đó, việc thuộc sở hữu gia đình cũng là một lợi thế, giúp hãng duy trì sự ổn định trong quản lý và định hướng phát triển, khác với các thương hiệu thuộc tập đoàn lớn như LVMH, vốn chịu nhiều áp lực từ các cổ đông.

thi truong suy thoai,  thuong hieu Hermes,  doanh thu Hermes,  tui xach Hermes,  thi truong xa xi, anh 2

Tại Trung Quốc, các đối thủ cạnh tranh đã rơi vào “bẫy tham lam” khi lợi dụng tình trạng gián đoạn để tăng giá sản phẩm sau đại dịch. Ảnh minh họa: The New York Times.

Milton Pedraza, CEO của Luxury Institute, công ty tư vấn hàng hóa và dịch vụ xa xỉ và cao cấp tại Mỹ, cho biết thành công của Hermès trong bối cảnh nhiều thương hiệu khác gặp khó khăn đến từ sức hút của sự độc tôn.

Tại Trung Quốc, nhiều thương hiệu xa xỉ đã tăng giá sản phẩm quá mạnh sau đại dịch, khiến người tiêu dùng phẫn nộ. Một số thương hiệu thậm chí phải giảm giá để xoa dịu khách hàng, nhưng chiến lược này lại gây bối rối và mất lòng tin.

Trong khi đó, Hermès vẫn “kiên định” với con đường riêng của mình. Hãng không chạy theo xu hướng hợp tác với người nổi tiếng hay lấn sân sang các lĩnh vực khác.

Theo Pedraza, nhà mốt Pháp chọn cách “nổi bật bằng cách không tìm kiếm sự chú ý”. Thương hiệu này tập trung vào chất lượng sản phẩm và giá trị thương hiệu bền vững, thay vì những chiêu trò marketing rầm rộ.


Cùng chuyên mục