So với Thái Lan, Philippines hay Việt Nam, Campuchia và Myanmar vẫn còn non trẻ trên thị trường sắc đẹp khu vực châu Á. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hai quốc gia này quyết tâm gia nhập đường đua khi tổ chức nhiều cuộc thi lớn nhỏ.
Nỗ lực của họ được công nhận qua thành tích quốc tế và những đánh giá tích cực từ giới mộ điệu, nhưng đi kèm với đó là tranh cãi. Gần nhất, ê-kíp Campuchia và Myanmar đều dính lùm xùm với tổ chức Miss Grand International (MGI).
Dần được chú ý trên bản đồ sắc đẹp
Theo Russel, kể từ năm 2013, Myanmar gần như luôn cử đại diện đến các đấu trường Miss Universe, Miss International, Miss Earth và Miss Grand International. Còn 2013 trở về trước, dải băng Myanmar chỉ xuất hiện trong một số sân chơi nhất định nhưng với tần suất không đều đặn. Có khoảng thời gian nước này nói không với lĩnh vực sắc đẹp.
Tại Miss Universe 2020, người đẹp Thuzar Wint Lwin thắng giải Trang phục dân tộc đẹp nhất nhờ truyền tải được thông điệp về sự đoàn kết, giành một suất vào top 21. Đây là thành tích tốt nhất (không nhờ bình chọn) của Myanmar tại cuộc thi nhan sắc khốc liệt nhất hành tinh.
Trong khi đó, Miss Grand International là đấu trường mà Myanmar tỏa sáng. Vào năm đầu dự thi, nước họ đã lọt top 20. Vị trí này 2 lần được duy trì vào những năm sau. Cho đến 2023, Myanmar thắng giải Á hậu 1 với vương miện được trao cho Ni Ni Lin Eain.
Và năm nay, Thae Su Nyein vượt hơn 60 thí sinh để ẵm danh hiệu Á hậu 2. Nếu không xảy ra lùm xùm dẫn đến bị tước vương miện, cô gái 17 tuổi vẫn được chủ tịch Nawat đánh giá có năng lực phù hợp ngôi vị này. Trong cuộc thi, Thae Su Nyein khá tự tin, tiếng Anh tốt, kỹ năng trình diễn chuyên nghiệp.
Ni Ni Lin Eain và Pich Votey Saravody (phải) – niềm tự hào của Myanmar và Campuchia tại Miss Grand International. Ảnh: @ninilineain. |
Còn với Campuchia, thành tích cao nhất ở Miss Grand là giải Á hậu 5 của Pich Votey Saravody (năm 2022). Cô này sở hữu vóc dáng quyến rũ, gương mặt hài hòa nhất trong số thí sinh mà đất nước chùa tháp cử thi quốc tế. Ông Nawat đã dành lời khen cho sự chăm chỉ làm việc của Saravady trong thời gian đương nhiệm.
Ngoài ra, Campuchia cũng lọt top 10 (Sothida Pokimtheng – 2021) và top 20 của Chily Tevy (2020) ở Miss Grand International.
8 năm là chặng hành trình Campuchia chinh phục Miss Universe, nhưng may mắn chưa mỉm cười với họ. Năm nay, đại diện Campuchia là Davin Prasath nhận nhiều sự quan tâm của truyền thông và cả tổ chức Miss Universe. Anne Jakkaphong Jakrajutatip – đồng sở hữu cuộc thi – đã công khai khen Prasath “xinh đẹp” trên livestream.
Trong danh sách dự đoán của chuyên trang Sash Factor, Davin Prasath tạm đứng thứ 5. Cô 33 tuổi, là diễn viên, người mẫu thời trang. Cô là người phụ nữ đầu tiên đã kết hôn, sinh con đăng quang Miss Universe Campuchia.
Tại Miss World, Miss Earth, Miss Supranational… ứng viên Campuchia chưa ghi tên mình vào top nổi bật.
Theo Angelopedia, những năm gần đây Campuchia sôi động với nhiều cuộc thi sắc đẹp. Trong đó, Miss Campuchia (Hoa hậu Campuchia) hiện là cuộc thi hoa hậu chính thống lớn nhất nước, được khởi động từ năm 2016 bởi công ty Arise Agency Ltd. Bên cạnh đó, nước này là nơi đăng cai các sân chơi quốc tế như Hoa hậu Toàn Cầu (hồi tháng 1) và sắp tới là Hoa hậu Hành tinh Quốc tế 2024 (19-27/11).
Loạt ồn ào
Mùa giải Miss Grand International 2024 vừa kết thúc, điều đọng lại trong lòng khán giả là lùm xùm giữa người đứng đầu tổ chức và giám đốc quốc gia Myanmar, giám đốc quốc gia Campuchia.
Htoo Ant Lwin – giám đốc quốc gia Miss Grand Myanmar – tố Nawat mua bán giảm Miss Popular Vote với giá 25.000 USD, chỉ trích cuộc thi không công bằng, không vì mục đích “bảo vệ hòa bình và ngăn chặn chiến tranh”.
Người đẹp Thae Su Nyein của nước này cũng tuyên bố không cần vương miện Á hậu 2, dù đây là danh hiệu nhiều cô gái khao khát. “Tôi đến đây để chiến thắng chứ không phải đứng hạng 2, hạng 3” – câu tuyên bố của Thae Su Nyein bị chỉ trích ngạo mạn, háo thắng.
Trong diễn biến mới nhất, Nawat tước vương miện của cô gái 17 tuổi và cho biết đang cân nhắc đệ đơn kiện Htoo Ant Lwin.
Htoo Ant Lwin và “gà cưng” Thae Su Nyein, 2 nhân vật được nhắc đến trong lùm xùm gần đây. Ảnh: Fb Htoo Ant Lwin. |
Trong khi đó, tổ chức MGI tước quyền đăng cai của phía Campuchia khi cuộc thi chỉ mới diễn ra được vài ngày đầu tháng 10. Lý do Nawat đưa ra là “nước chủ nhà không đáp ứng được yêu cầu như quy định trong hợp đồng”, ông chê đội ngũ Campuchia thiếu kinh nghiệm, cư xử hung hăng, lớn tiếng.
Bên kia chiến tuyến, phía Miss Grand Campuchia mở họp báo, yêu cầu Nawat chịu trách nhiệm về những kế hoạch đã phát sinh, hành động và lời nói coi thường nhân viên nước họ. Hoa hậu Sotheary Bee – đại diện nước này – tuyên bố bỏ thi và nói rằng chủ tịch Miss Grand không tôn trọng ê-kíp Campuchia, thích tự làm theo ý mình. Cô chỉ trích Nawat là người gây ra xung đột trong khi thông điệp của cuộc thi là “ngừng chiến tranh và bạo lực”.
Trước khi xảy ra lùm xùm với MGI, Miss Grand Campuchia cũng không ít lần dính ồn ào. Năm 2022, cuộc thi này ồn ào vì có thí sinh mặc trang phục phản cảm, xúc phạm văn hóa quốc gia. Nhiều câu chuyện xung quanh cuộc thi được cho là đăng tải nhằm mục đích câu view. Nhận định này phần nào phản ánh thực tế một số sân chơi sắc đẹp ở Campuchia đang cố tạo chiêu trò để gây chú ý.