Vì sao Việt Hương đến Hồng Đào đều thắng lớn?

“Linh miêu” sau 10 ngày đã thu 65 tỷ đồng, trong khi một loạt phim kinh dị Việt trước đó cũng thắng lớn như Mada (127 tỷ đồng) hay Cám (96 tỷ đồng).

Khoảng thời gian trước đây, kinh dị không phải món ăn tinh thần được khán giả Việt ưa chuộng rộng rãi. Thể loại này từng được cho là kén khách, hầu như không có sức cạnh tranh tại rạp trong nước so với các dòng phim vốn được yêu thích như hài hước hay gia đình.

Song, thị trường điện ảnh không ngừng biến đổi và khẩu vị thưởng thức của khán giả cũng vậy. Một năm đổ lại đây, rạp nội địa chứng kiến sự lên ngôi của kinh dị, với hàng loạt tác phẩm thi nhau trình làng, số lượng áp đảo những thể loại khác.

Cột mốc doanh thu trăm tỷ vốn khó chinh phục, thế nhưng đã xuất hiện không ít phim kinh dị Việt lẫn quốc tế chạm tay đến.

Những cột mốc ‘không tưởng’ của phim kinh dị Việt

Từ những Cù lao xác sống, Vong nhi, Virus cuồng loạn hay Kẻ đào mộ… nhiều phim kinh dị những năm trước phải ngậm ngùi rời rạp với doanh thu bết bát. Không ít dự án trong số đó bị gắn mác “thảm họa”, với nội dung cũ kỹ, kịch bản ngập sạn và kỹ xảo ba xu, khiến người xem từng có khoảng thời gian mất niềm tin vào phim kinh dị nội địa.

Thế nhưng, cú hích từ Tết ở làng Địa NgụcKẻ ăn hồn, ra mắt cuối năm 2023, đã giúp dòng phim này “tái sinh” tại Việt Nam. Không chỉ tiêu tốn giấy mực truyền thông, những tác phẩm này còn trở thành đề tài được khán giả bàn luận sôi nổi.

Tết ở làng Địa Ngục làm dậy sóng mạng xã hội. Bộ phim kinh dị cổ trang đầu tiên của Việt Nam được cư dân mạng thi nhau mổ xẻ nội dung, đào bới các chi tiết ẩn. Cho tới Kẻ ăn hồn, tận dụng nhiệt từ series truyền hình, đã nhanh chóng tạo cơn sốt ngoài rạp. Phim kết thúc hành trình phòng vé với doanh thu 67 tỷ đồng, lọt top 50 phim Việt ăn khách nhất lịch sử.

Nhưng phải tới khi Quỷ cẩu (12/2023) trình làng, thể loại kinh dị mới thực sự bùng nổ tại Việt Nam. Phim của Lưu Thành Luân thống trị phòng vé nhiều tuần liên tiếp. Tác phẩm phá mọi kỷ lục doanh thu phim kinh dị Việt tại thời điểm đó, khi lần đầu tiên có 1 tác phẩm thuộc thể loại này vượt mốc 100 tỷ đồng.

Linh mieu,  quy cau anh 1

Kẻ ăn hồn mang cơn sốt kinh dị trở lại rạp Việt.

Bước sang năm 2024, thể loại kinh dị tiếp tục được đón nhận tích cực, với số lượng phim ra rạp tăng mạnh. Bình quân mỗi tháng, có khoảng 4 – 6 phim kinh dị trình làng, vượt trội so với con số 2 – 3 phim của các năm trước. Thậm chí trong tháng 4, rạp Việt chào đón sự xuất hiện của 8 tác phẩm kinh dị. Hay gần nhất, tháng 11 cũng chứng kiến 9 dự án kinh dị ra mắt.

Không chỉ áp đảo về số lượng, nhiều cái tên trong số đó ghi nhận doanh thu tốt. Ở mảng quốc tế, cả hai phần phim Quỷ ăn tạng đều đạt thành tích phòng vé ngoạn mục. Trong đó, phần 2 ra mắt tháng 10/2024 thu hơn trăm tỷ, trở thành phim Thái Lan ăn khách nhất lịch sử rạp Việt. Hay Quật mộ trùng ma từ thị trường xứ kim chi cũng từng khuấy động phòng vé tháng 3. Tác phẩm dắt túi hơn 200 tỷ đồng, xác lập kỷ lục phim Hàn có doanh thu cao nhất tại Việt Nam.

Phim kinh dị nội địa cũng đạt thành tích vẻ vang không kém, như Ma da thu 127 tỷ đồng, Cám thu 96 tỷ đồng… Gần nhất, Linh miêu ra rạp và soán ngôi vương phòng vé. Tác phẩm sau khoảng 10 ngày đã bán được hơn 800 nghìn vé, thu 65 tỷ đồng. Với việc còn kéo dài hành trình tại rạp nhiều tuần, việc Linh miêu chạm tay tới cột mốc trăm tỷ hoàn toàn có thể xảy ra.

Càng thắng, càng sôi động

Không phải ngẫu nhiên mà những Kẻ ăn hồn, Quật mộ trùng ma, Ma da, Cám, Quỷ ăn tạng hay gần nhất là Linh miêu lại được khán giả đón nhận nồng nhiệt đến vậy.

Quật mộ trùng ma hay hai phần Quỷ ăn tạng đều làm bùng nổ rạp chiếu quê nhà trước khi tới Việt Nam. Bên cạnh chiến dịch quảng bá hiệu quả, chúng mang theo sức nóng và độ nhận diện cao, dễ dàng được khán giả chú ý.

Linh mieu,  quy cau anh 2

Ma da có Việt Hương nắm giữ kỷ lục phim kinh dị Việt ăn khách nhất lịch sử.

Trong khi, các dự án kinh dị nội địa khoảng 1 năm đổ lại đây đều có đặc điểm chung dễ nhận thấy: khai thác, tận dụng các chất liệu văn hóa, tín ngưỡng dân gian. Ví như Kẻ ăn hồn gây chú ý với tục cưới đêm của người Dao ở Mẫu Sơn, cùng concept “đám cưới chuột”; Ma da xoay quanh truyền thuyết quen thuộc về oan hồn vùng sông nước; Cám là dị bản kinh dị của truyện cổ tích nổi tiếng nhất Việt Nam còn Linh miêu lựa chọn đề tài về truyền thuyết linh miêu – quỷ nhập tràng…

Những nhà làm phim kinh dị Việt khéo léo hô biến những chất liệu đó trở thành món ăn tinh thần đậm vị, vừa lạ vừa quen khiến người xem không khỏi tò mò, thích thú. Mặc dù kịch bản vẫn gây tranh luận, hay phần kỹ xảo cũng chưa hoàn thiện do ngân sách hạn chế, những dự án thuộc thể loại từng được cho là “kén khách” này dần thay đổi định kiến khán giả, tạo được chỗ đứng trên bản đồ điện ảnh Việt.

Trao đổi với Tri Thức – Znews, đạo diễn Trần Nhân Kiên cho biết thể loại kinh dị hầu hết có câu chuyện đơn giản, dễ xem, phần sản xuất tập trung chủ yếu vào hiệu ứng, kỹ xảo và âm thanh nên khán giả dễ tiếp cận. Sự thuận lợi này đã mở ra một thị trường rộng lớn và đầy tiêm năng để các nhà sản xuất phim nhắm đến.

“Doanh thu phòng vé hấp dẫn luôn là yếu tố hàng đầu cho phía nhà đầu tư và sản xuất phim. Điều này đã tạo nên một cơn sốt kinh dị trong giới làm phim Việt. Thêm vào đó, khi việc xuất khẩu ra thị trường khu vực và quốc tế dễ dàng hơn thì dòng phim này càng được đà phát triển. Vì khán giả quốc tế hầu hết đều thích thú và tò mò với các tạo hình kinh dị, hoặc những truyền thuyết dân gian mang màu sắc huyến bí mà họ chưa từng biết đến”, ông Kiên nhận định.

Linh mieu,  quy cau anh 3

Linh miêu dù vướng tranh cãi chất lượng vẫn kiếm tiền “khủng” do hưởng lợi từ làn sóng phim kinh dị bùng lên mạnh mẽ.

Về hướng phát triển tận dụng chất liệu văn hóa dân gian, nam đạo diễn cho rằng mỗi dòng phim sẽ có những thời kỳ nhất định để phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, khó có thể nói hiện tượng kinh dị này sẽ kéo dài trong bao lâu. Tuy nhiên theo anh, nếu hầu hết phim kinh dị đều dựa trên các vụ án, truyền thuyết dân gian hay chất liệu cổ tích, thì việc khai thác lâu dần cũng sẽ đến lúc cạn kiệt, bí ý tưởng.

Trần Nhân Kiên cho rằng không có khán giả trung thành với một dòng phim nhất định. Bởi mọi quyết định mua vé hầu hết đều đến từ sự tò mò ban đầu, và hành vi tiêu dùng sẽ được lặp lại nếu kỳ vọng ban đầu của khán giả được thoả mãn.

“Lấy ví dụ về dòng phim siêu anh hùng, sau 10 năm tung hoành và liên tục phá vỡ các kỷ lục doanh thu, cũng đã không còn duy trì được sức nóng ở thời điểm hiện tại. Vậy thì, việc đa dạng hoá thể loại, tìm tòi sự mới lạ trong nội dung và cập nhật liên tục về mặt kĩ thuật để đem đến sự hài lòng của khán giả có lẽ là những yếu tố chính để chống ‘ngán’ cho khán giả”, đạo diễn nói.


Cùng chuyên mục