Filter làm đẹp khiến người dùng trông thông minh hơn

Các nghiên cứu chỉ ra rằng bộ lọc làm đẹp trên MXH và ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh giúp người dùng trông thông minh, đáng tin cậy hơn, song tạo ra tiêu chuẩn thẩm mỹ sai lệch.

Ảnh minh hoạ: @helinndoski/TikTok.

Bộ lọc làm đẹp (filter) trên mạng xã hội hay ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh không chỉ giúp người dùng “thăng hạng dung nhan”, mà còn khiến khuôn mặt được chỉnh sửa trở nên thông minh và đáng tin cậy hơn.

Tuy nhiên, các nhà tâm lý học đánh giá rằng đây không phải một tin tức tốt, theo SCMP.

Tháng 11, mạng xã hội TikTok chính thức áp dụng quy định cấm sử dụng filter đối với người dùng dưới 18 tuổi nhằm bảo vệ trẻ em tại Anh và châu Âu, cho thấy rủi ro của các tính năng làm đẹp phi thực tế.

TikTok,  TikTok cam filter,  bo loc lam dep,  bo loc chinh anh anh 3

Bộ lọc làm đẹp không chỉ cải thiện vẻ ngoài, mà còn đem đến cảm giác đáng tin cậy, thông minh hơn cho người dùng. Ảnh minh hoạ: Renee Rodriguez/Pop Sugar.

Khuôn mặt dùng filter trông thông minh hơn

Một nghiên cứu do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Anh thực hiện cho người tham gia xem hình ảnh của những khuôn mặt thực tế hoặc đã qua chỉnh sửa. Đáp viên không được biết hình ảnh có sử dụng bộ lọc làm đẹp hay không.

Kết quả khảo sát cho thấy những khuôn mặt sử dụng filter đều được đánh giá cao hơn về tính cách, trí tuệ và thái độ sống.

Đối với một nghiên cứu khác do các nhà khoa học Tây Ban Nha thực hiện với 2.748 đáp viên tham gia, 462 khuôn mặt của đàn ông và phụ nữ được sử dụng để khảo sát. Kết quả của nghiên cứu này giống với khảo sát trên.

Mặc dù có nhiều ưu điểm, dần trở thành tính năng không thể thiếu trên mạng xã hội và ứng dụng trong điện thoại thông minh, bộ lọc làm đẹp thường xuyên gặp sự chỉ trích, đặc biệt từ cộng đồng khoa học.

“Filter nuôi dưỡng thẩm mỹ của người dùng bằng vẻ đẹp phi thực tế. Những khuôn mặt được tô vẽ một cách giả tạo ngày càng xa rời khuôn mặt thật”, Helmut Leder, giáo sư tâm lý học tại Đại học Vienna (Áo), cho biết.

Giáo sư cũng cho biết thêm rằng tình trạng này khiến khuôn mặt thực tế ngày càng trở nên kém hấp dẫn, thiếu sức hút. Sự chỉnh sửa qua bộ lọc trở thành tiêu chuẩn của cái đẹp.

Như vậy, người dùng filter dễ dàng mất đi sự tự tin về vẻ ngoài của bản thân, hướng đến sự hoàn hảo phi thực tế. Thậm chí, bộ lọc làm đẹp trên mạng xã hội hoặc ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh cũng thúc đẩy mong muốn can thiệp thẩm mỹ hoặc thực hiện các thủ thuật tương tự.

TikTok,  TikTok cam filter,  bo loc lam dep,  bo loc chinh anh anh 6

MXH TikTok cấm người dùng dưới 18 tuổi sử dụng filter. Ảnh minh hoạ: GreenBot.

Động thái của mạng xã hội

Tháng trước, mạng xã hội TikTok chính thức đưa ra quy định cấm người dùng dưới 18 tuổi sử dụng filter. Trong thời gian tới, những tính năng làm đẹp như làm to mắt, căng môi, làm mịn da sẽ bị hạn chế với nhóm tuổi từ 13-17, theo The Guardian.

TikTok công bố quyết định này tại sự kiện về an toàn diễn ra tại trụ sở châu Âu ở Dublin (Ireland).

Quyết định này được đưa ra dựa trên nhiều kết quả nghiên cứu. Các khảo sát chỉ ra rằng người dùng mạng xã hội thường xuyên so sánh khuôn mặt thực tế với những bức ảnh sử dụng filter. Họ cũng không ý thức được hành vi này.

Việc lạm dụng bộ lọc làm đẹp dẫn đến sự tự ti lâu dài, thậm chí gây ra hậu quả khôn lường từ những nỗ lực thay đổi khuôn mặt thực tế.

Theo tiến sĩ Jasmine Fardouly, chuyên gia về hình thể từ Đại học New South Wales (Australia), việc tiếp thu các tiêu chuẩn không thực tế về cái đẹp trên mạng xã hội tác động tiêu cực đến tâm lý của người trẻ.

“Mạng xã hội tuyên truyền chuẩn mực sắc đẹp phi lý, khiến người dùng tin tưởng vào vẻ ngoài hoàn hảo. Trên thực tế, không người dùng nào có khuôn mặt giống hệt hình ảnh ứng dụng filter”, Jasmine Fardouly cho biết.


Cùng chuyên mục