Giới trẻ Mỹ muốn ‘sống thật’ trên MXH Trung Quốc

Chán lời khen thảo mai, nhiều người trẻ ở Mỹ đang tìm đến ứng dụng Xiaohongshu của Trung Quốc, với mong muốn được góp ý thẳng thắn về ngoại hình.

Mang xa hoi Xiaohongshu, gioi tre my, app Trung Quoc, MXH Trung Quoc, song ao, loi khen thao mai anh 1
Người dùng Xiaohongshu đã chỉnh sửa ảnh của Arna Guðlaugardóttir để minh họa góp ý trang điểm. Ảnh: Arna Guðlaugardóttir.

Trên ứng dụng Xiaohongshu, giới trẻ Mỹ sẽ đăng tải hình ảnh hoặc video của họ với nội dung tiếng Trung “tingquan” (tạm dịch: “xin lắng nghe góp ý”) để mời những người khác đưa ra đánh giá về ngoại hình.

Sau đó, người xem có thể bình luận bằng văn bản. Ngoài ra, ứng dụng cũng cho phép người góp ý chỉnh sửa trực tiếp trên ảnh của người yêu cầu tư vấn, Wall Street Journal đưa tin.

Tại Trung Quốc, Xiaohongshu được xem như “kim chỉ nam”, ứng dụng cung cấp thông tin về địa điểm ăn uống, mua sắm, làm đẹp, du lịch,… với hơn 300 triệu người dùng.

Tuy nhiên, đối với giới trẻ Mỹ, đặc biệt là thế hệ Gen Z và Millennials, Xiaohongshu có sức hút vì trào lưu làm đẹp mới trên ứng dụng. Hiện tại, hashtag #tingquan đã thu hút hơn 500 triệu lượt xem trên toàn thế giới, không chỉ riêng Trung Quốc.

Mang xa hoi Xiaohongshu, gioi tre my, app Trung Quoc, MXH Trung Quoc, song ao, loi khen thao mai anh 4
Không chỉ giới trẻ Mỹ, người dùng quốc tế nói chung đang ngày càng chán nản với văn hóa “khen xã giao” trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: Los Muertos Crew/Pexels.

Sự thật không mất lòng

“Ngày nay, mọi người quá chú trọng đến chuẩn mực diễn đạt, họ ngại nói ra suy nghĩ của mình vì sợ bị tẩy chay trên mạng xã hội”, Candise Lin, nhà sáng tạo nội dung với gần 2 triệu người theo dõi trên TikTok, Instagram và YouTube, chia sẻ.

Là người từng di cư từ Trung Quốc đến California (Mỹ) cách đây 20 năm, cô nhận định người Trung Quốc thường thẳng thắn hơn, đôi khi “thẳng” đến mất lòng, trong khi người dùng trên nền tảng mạng xã hội Mỹ thường hay buông ra lời khen “thảo mai”.

Mặc dù cộng đồng trên Xiaohongshu rất thẳng thắn, điều đáng ngạc nhiên là người dùng quốc tế lại không cảm thấy khó chịu, thậm chí còn đón nhận một cách tích cực.

“Ở phương Tây, mọi người luôn tỏ ra lịch sự với các câu nói như ‘bạn lúc nào cũng trông rất tuyệt’”, Miko Hayashi (37 tuổi), người Mỹ gốc Nhật sống ở Tokyo (Nhật Bản), cho biết.

Hayashi đã tải Xiaohongshu vào đầu tháng 2. Ngay sau khi đăng những bức ảnh đầu tiên yêu cầu tư vấn “nâng tầm” ngoại hình, cô đã nhận được nhiều góp cải thiện vẻ ngoài, như nhuộm lông mày và tóc cùng màu. Một số người dùng khác còn chỉnh sửa ảnh của cô để minh họa kiểu tóc hoặc màu son môi đậm sẽ trông như thế nào.

Sinh viên ngành thú y Arna Guðlaugardóttir (25 tuổi, Ba Lan) cho biết cô đã từng thử sử dụng Reddit để tìm kiếm lời khuyên về kiểu tóc và phong cách, nhưng nhận thấy hầu hết bình luận đều khá tiêu cực khi mọi người khuyên cô nên phẫu thuật thẩm mỹ.

Trong khi cộng đồng Xiaohongshu gợi ý cô nên loại bỏ bớt quần áo màu đen, thay vào đó là màu trung tính nhạt hơn như hồng để làm sáng da. Một số bình luận khác đề xuất Guðlaugardóttir tạo kiểu tóc mái để che bớt phần trán tương đối rộng.

Mang xa hoi Xiaohongshu, gioi tre my, app Trung Quoc, MXH Trung Quoc, song ao, loi khen thao mai anh 9
Người dùng Xiaohongshu bảo Zaria MaBon hãy nhấn mạnh vào đôi mắt của cô ấy nhiều hơn. Ảnh: Zaria MaBon.

Bình luận bổ ích

Cậu bé Z.J. Rubin (16 tuổi) đến từ Pittsburgh (Pennsylvania, Mỹ) đã tham gia chiến dịch #tingquan vào tháng 2 vừa qua. Rubin cũng nhận được nhiều lời khuyên rằng cậu nên ngủ nhiều hơn vì sắc mặt trông mệt mỏi và nhiều lời động viên khác khiến cậu tự tin hơn.

Theo Rubin, Xiaohongshu dễ sử dụng bởi người dùng chỉ cần cung cấp số điện thoại không phải của Trung Quốc, trong khi nhiều nền tảng khác yêu cầu xác minh danh tính khiến người dùng ngoài Trung Quốc khó đăng ký.

Tuy nhiên, người dùng quốc tế cũng không nhận được toàn bộ lợi ích của nền tảng này. Xiaohongshu không có công cụ dịch tích hợp và ví điện tử, người dùng chỉ có thể liên kết với các hệ thống thanh toán của Trung Quốc.

Rubin cũng như những người dùng nước khác, thường sử dụng phần mềm dịch để đăng bài và đọc phản hồi.

Hiện nay, việc Xiaohongshu mở rộng sang người dùng ở Mỹ rủi ro hơn so với trước đây. Đặc biệt trước tình hình TikTok, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, đang phải đối mặt với nguy cơ cao bị cấm ở Mỹ sau khi Hạ viện bỏ phiếu.

Mặc dù có những rào cản, Xiaohongshu vẫn thu hút người dùng quốc tế nhờ phong cách tương tác chân thành và hữu ích.

Zaria MaBon (22 tuổi), sinh viên chuyên ngành y tế công cộng ở Atlanta, người điều hành một diễn đàn tư vấn phong cách trên Discord, đã bắt đầu sử sụng Xiaohongshu từ 3 năm trước, sau khi được bạn bè giới thiệu đây là nên tảng giống mạng xã hội Instagram, nhưng có nhiều điểm tốt hơn.

Là người Mỹ gốc Phi, MaBon đã từng lo lắng sẽ nhận được những “lời lăng mạ phân biệt chủng tộc và miệt thị ngoại hình khi yêu cầu tư vấn về phong cách. Trên các nền tảng khác, mọi người từng khuyên cô nên tẩy trắng da. Tuy nhiên, trên Xiaohongshu, cô nhận được những phản hồi tích cực.

Nhiều người dùng khen ngợi vóc dáng của MaBon, nói rằng cô không cần giảm cân mà chỉ cần cải thiện ngoại hình đơn giản thông qua trang điểm, thời trang và tập thể dục.

“Đây là nơi đầu tiên tôi không nhận được những bình luận khó chịu”, MaBon chia sẻ.


Cùng chuyên mục