‘Công tử Bạc Liêu’ – hào nhoáng nhưng nhạt nhòa

Tái hiện những giai thoại của nhân vật đình đám một thời, bộ phim do Lý Minh Thắng đạo diễn cần một kịch bản thuyết phục, chắc tay hơn để giúp diễn viên tỏa sáng.

Genre: Tâm lý, Tiểu sử
Director: Lý Minh Thắng
Cast: Song Luân, Thành Lộc, Kaity Nguyễn…
Rating: 6/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim

Công tử Bạc Liêu là phát súng mở màn của điện ảnh Việt trong tháng cuối năm. Ngay khi ra mắt, phim vượt qua nhiều đối thủ như Moana 2 hay Linh miêu để thống lĩnh rạp chiếu. Tác phẩm được đạo diễn bởi Lý Minh Thắng, gương mặt đứng sau thành công phòng vé của Mẹ chồng (2017), hay gần nhất là Pháp sư mù: Ai chết giơ tay (2019).

Trở lại sau 5 năm vắng bóng, Lý Minh Thắng mang đến dự án mới được lấy cảm hứng từ giai thoại về công tử Bạc Liêu, cái tên biểu tượng cho sự giàu có, thích chơi ngông của giới thượng lưu một thời.

Giai thoại đình đám

Lấy bối cảnh Nam Kỳ lục tỉnh những năm 1930, Công tử Bạc Liêu theo chân Trần Đắc Hơn/Ba Hơn (Song Luân), người con trai được thương yêu hết mực của ông hội đồng Lịnh (Thành Lộc) – chủ ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam.

Sau khi du học Pháp trở về, Ba Hơn chứng tỏ bản thân trước thiên hạ qua nhiều trò chơi ngông. Anh vung tiền vào những thú vui tiêu khiển, ăn chơi trác táng, cũng vì vậy mà được người đời gọi bằng cái tên “công tử Bạc Liêu”.

cong tu bac lieu,  song luan anh 1

Song Luân và Thiên Ân trong phim.

Chuyện phim bắt đầu từ khi Ba Hơn còn bé. Cậu là niềm tự hào của ông hội đồng Lịnh. Song trớ trêu thay, “niềm tự hào” này lại hay làm trái ý cha. Trong khi ông hội đồng Lịnh chắt bóp bao năm để có khối tài sản khổng lồ, phải cố gắng trân quý từng đồng bạc, hạt thóc, thì Ba Hơn lại tiêu tiền như phá. Lớn lên trong gia đình phú quý, giàu sang, cậu lấy việc tiêu sản làm thú vui: đổ cả thùng thóc cho bồ câu ăn, hay lấy tiền giấy gấp máy bay vì thấy thích thú…

Sau khi du học trời Tây trở về, Ba Hơn mang theo cả đống bằng cấp, từ khiêu vũ, nếm rượu hay lái máy bay… Ông hội đồng Lịnh bực dọc, cho rằng con trai ngốn cả khoản tiền chỉ để đổi lại mớ “giấy lộn” vô giá trị. Bất chấp sự phản đối gay gắt từ cha, Ba Hơn quyết tâm mua máy bay vì muốn nở mày nở mặt với thiên hạ, “chứng minh vị thế của người An Nam”.

Thời lượng 113 phút, Công tử Bạc Liêu mở đầu hơi dông dài, chưa khơi dậy sự hứng thú của người xem. Chuyện phim được kể theo cấu trúc ba hồi tuyến tính, nhìn chung vẫn dễ theo dõi. Khi ra rạp, tác phẩm đã lược bỏ một số phân đoạn, trong đó có cảnh nóng của Song Luân và Thiên Ân, nên chỉ dán nhãn 13+.

Khai thác nhân vật có thật trong lịch sử, phim tái hiện nhiều giai thoại nổi tiếng của công tử Bạc Liêu, như đốt tiền nấu chè, tổ chức thi sắc đẹp, đấu võ hay cá độ… “Hắc công tử” Ba Hơn còn có màn đối đầu “Bạch công tử” Tư Phát (Công Dương), hay rơi vào lưới tình với cô đào Bảy Loan (Thiên Ân)… Song thực tế, cách tái hiện những giai thoại này trên màn ảnh chưa mấy đặc sắc, trong khi thời lượng còn hạn chế nên chưa để lại ấn tượng mạnh mẽ.

Khao khát sự công nhận của cha, Ba Hơn làm mọi cách khẳng định giá trị bản thân, bất chấp việc bị la mắng, đòn roi từ tấm bé.

Đạo diễn qua đó hướng ống kính vào mâu thuẫn thế hệ – cũng là chủ đề chính mà phim hướng tới. Một mặt, con cái hướng đến tự lập, thích chứng tỏ bản thân trước phụ huynh. Mặt khác, cha mẹ có những lúc áp đặt suy nghĩ, vô hình trung tạo áp lực lên con cái.

Ông hội đồng Lịnh ngoài mặt khắt khe nhưng vốn rất thương con, thể hiện trong cách ông quan tâm từng việc Ba Hơn làm, hay cắt cử cô út theo sát từng bước đi của anh trai…

Song, nhân vật sai lầm trong phương pháp giáo dục, khi sử dụng đòn roi uốn nắn con cái. Cách làm này không mang lại ý nghĩa, khi Ba Hơn càng bị gò bó lại càng muốn bay bổng tự do. Nếu đòn roi có thể thay đổi con người, ông hội đồng Lĩnh đã không phải đánh con cả trăm lần như thế.

cong tu bac lieu,  song luan anh 2

Tạo hình của Kaity Nguyễn.

Ông hội đồng Lịnh nhiều lần giận dữ, rồi cũng phải bất lực trước cá tính của Ba Hơn. Chỉ khi học được cách buông bỏ, nhân vật mới có thể kéo gần khoảng cách cha con từng bị mâu thuẫn làm cho xa cách.

Hình ảnh người người cha cắt bỏ sợi dây thép uốn cây bonsai là một cài cắm mang tính kể chuyện mạnh mẽ. Đó là khi ông hội đồng Lịnh dũng cảm gỡ bỏ khúc mắc trong lòng, không còn khăng khăng uốn nắn con theo ý muốn.

Giá trị tích cực này giúp Công tử Bạc Liêu ít nhiều để lại cảm tình trong mắt người xem.

Song Luân nỗ lực, kịch bản hạn chế

Có ý tưởng khi khai thác mâu thuẫn thế hệ, nhưng Công tử Bạc Liêu lại chưa thực sự thuyết phục vì kịch bản hạn chế.

Thay vì đào sâu hành trình trưởng thành của Ba Hơn, phim dần sa đà vào kể lể, “bao biện” cho những màn vung tiền mua vui của nhân vật. Cũng vì vậy, hình tượng công tử Bạc Liêu hiện lên vừa độc hại, lại thiếu chiều sâu. Ba Hơn từ bé đã tiêu tiền của cha mẹ một cách phung phí, vì “tiền của nhà mình đâu thiếu đâu ba ba”.

Thói quen này theo cậu tới khi trưởng thành, thậm chí càng tồi tệ hơn sau khi du học Pháp, tiếp xúc với nền giáo dục tiên tiến. Thế nhưng Ba Hơn lại rất ngô nghê, dễ bị lừa do tin người.

Cậu muốn gì được nấy, có người cung phụng, dâng lên tận tay mà không phải đổ bất kỳ giọt mồ hôi. Con trai ông hội đồng Lịnh cần vàng có vàng, thích nhà băng có nhà băng. Chỉ có mua máy bay là cậu bị phản đối, nhưng rồi vẫn dễ dàng có được nhờ việc lấy tiền từ nhà băng mà ông hội đồng Lịnh giao cho.

Chính vì vậy, khao khát được thể hiện, chứng minh bản thân của Ba Hơn khó khiến người xem đồng cảm. Không có tài sản của cha mẹ, cậu rốt cuộc đâu có gì để lên mặt với người đời? Điều này càng khiến chi tiết nhân vật xung đột với cha và yêu cầu được thể hiện cái tôi, được có tiếng nói trở nên sáo rỗng.

Ba Hơn chất vấn, trách móc ông hội đồng Lịnh không nghe lời mình, nhưng chính cậu từ nhỏ tới lớn đâu từng lắng nghe cha, trong khi đang xả láng tiêu những đồng tiền do ông kiếm được.

cong tu bac lieu,  song luan anh 3

Kịch bản phim còn nhiều hạn chế.

Nỗ lực của nhân vật hầu như chỉ biểu hiện qua lời nói, còn hành động lại mơ hồ và mờ nhạt. Công tử Bạc Liêu hiện lên không phải một dân chơi phóng khoáng, mà giống phá gia chi tử nhiều hơn.

Việc vung tiền của Ba Hơn được giải thích do “thích được tự do” tỏ ra rất kệch cỡm. Hồi nhỏ, cậu lấy tiền giấy gấp máy bay thả từ trên lầu. Khi trưởng thành, cậu rải tiền khắp chốn mua vui, với phương châm “đi tới đâu là niềm vui theo tới đó”. Tận tới cuối phim, Ba Hơn lái máy bay đem tiền… rải như một cách từ thiện. Cách nhìn nhận của nhân vật với đồng tiền không cho thấy sự thay đổi tích cực, thậm chí ngay cả khi đang làm việc tốt.

Nhân vật xây dựng kém, nhưng Song Luân vẫn tạo thiện cảm nhờ nỗ lực cho vai diễn. Từ việc nhuộm da, học tiếng Pháp, cho tới cách anh biểu cảm, nhấn nhá thoại đã cho thấy sự tiến bộ so với vai diễn gần nhất trong Nhà bà Nữ. Tuy nhiên, nam diễn viên vẫn chưa đủ duyên dáng trong những cảnh hài.

Trong khi, vai diễn của Kaity Nguyễn hay Thiên Ân lại khá mờ nhạt, chưa để lại dấu ấn. Thành Lộc hóa thân ông hội đồng Lịnh với nhiều đất diễn, có một số cảnh bùng nổ cảm xúc tạo ấn tượng.

Song màn thể hiện của anh còn nhuốm màu kịch sân khấu, đôi lúc lên gân, có phần phô trương. Điều tương tự xảy ra với Hữu Châu trong vai bá hộ Kim – “địch thủ” của ông hội đồng Lịnh. Nhân vật dẫn đến cú plot-twist cuối phim đầy tính sắp đặt, phá hỏng cái kết câu chuyện.

Một điểm cộng cho Công tử Bạc Liêu nằm ở khâu thiết kế sản xuất có tâm huyết với nhiều bối cảnh kỳ công, trang phục cũng được đầu tư. Mặc dù vậy, một số set quay lại tạo cảm giác hơi “giả”, thiếu tự nhiên từ đồ đạc tới sự hiện diện của con người.

  • Tiếc cho Kaity Nguyễn

    Bên cạnh năng lực diễn xuất, Kaity Nguyễn còn nổi tiếng là người kỹ lưỡng trong khâu chọn kịch bản. Song với “Công tử Bạc Liêu”, nữ diễn viên không còn giữ vững được điều đó.

  • Kaity Nguyễn đã nói chuyện lại với đạo diễn ‘Móng vuốt’

    Đại diện của Kaity Nguyễn cho biết đã có buổi gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp với đạo diễn Lê Thanh Sơn. Mối quan hệ hai bên bình thường, vui vẻ.


Cùng chuyên mục