Tôi là Đinh Trần Kiều Diễm Ngọc (22 tuổi, TP.HCM), sinh viên năm cuối ngành Quan hệ Quốc tế. Đã 2 năm kể từ lần đầu tiên tôi đến lớp học múa cột. Bộ môn này đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi, giúp cải thiện sức khỏe từ thể chất đến tinh thần.
Không những thế, từ một con người nhút nhát, không dám bước ra khỏi “vùng an toàn” và sự bao bọc của gia đình, tôi cảm thấy mình trở nên gan dạ hơn, sẵn sàng chấp nhận thử thách và thử sức cái mới, chẳng hạn những động tác mà tôi từng nghĩ không bao giờ mình làm được.
Biệt danh của tôi là “cọng bún thiu” ở phòng tập. Bởi sức lực khá yếu, tôi không chỉ bắt đầu bộ môn này một cách khó khăn, mà còn chậm hơn người khác. Nếu số đông chỉ cần một buổi tập để nắm kỹ thuật của động tác, tôi mất 3-4 buổi. Thời điểm đó, sự động viên và khích lệ từ cô giáo là động lực rất lớn với tôi.
Theo thời gian, cơ thể tôi cũng chằng chịt vết sẹo, còn tay chân đều bầm tím. Ngày trước, tôi còn ngại để lộ những vết sẹo của mình, chỉ dám mặc quần áo dài tay. Nhưng sau này, những lần “trầy da tróc vẩy” đó lại trở thành niềm tự hào của tôi. Chúng kỷ niệm cho việc tôi đã chinh phục một bài tập khó.
Trong số đó, kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là cú ngã lộn ngược. Đó là một động tác khó, cần quay ngược phần đầu hướng xuống đất. Nghĩ rằng mình đã thành thục kỹ thuật, tôi quyết định tập “chay” mà không cần nệm đỡ bên dưới. Nhưng không may, tôi ngã nhào và chấn thương mô mềm.
Vì đau đớn và bị sốc, tôi đã nghỉ tập luyện hơn 1 tháng. Nhiều người, thậm chí cả tôi, đã tưởng hành trình tập múa cột của tôi đến đây đã kết thúc. Nhưng niềm đam mê thôi thúc tôi quay trở lại phòng tập.
Một trong những điều tôi yêu thích nhất ở bộ môn này là việc phát triển tính nữ bên trong mình. Điều này không chỉ đến từ chính môn múa cột, mà còn môi trường tập luyện, nơi phần đông là phụ nữ ở đa dạng độ tuổi và ngành nghề. Các chị em đã hỗ trợ nhau trong quá trình tập luyện, cũng như trên hành trình khám phá bản thân của mỗi cá nhân.
Nhờ vậy, tôi biết chăm sóc bản thân và tâm hồn mình, từ những điều nhỏ nhất.
Ngoài ra, múa cột còn giúp tôi học cách hài lòng về bản thân. Giống nhiều người, tôi từng tự ti về hình thể của mình. Nhưng sau một thời gian tập luyện, tôi ngắm nhìn mình mỗi ngày trong gương và nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt của bản thân. Tôi có một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, uyển chuyển và tôi nhận ra mình yêu bản thân, yêu vóc dáng của mình rất nhiều.
Như nhiều phụ huynh khác, ba phản đối kịch liệt khi biết tôi học múa cột. Ba lo sợ tôi sẽ thành một vũ nữ thường thấy trong phim ảnh.
Trước đây, khi bị gia đình ngăn cản bất cứ điều gì, tôi sẽ từ bỏ. Nhưng không hiểu sao, ở lần này, tôi nhất quyết theo đuổi bộ môn múa cột bất chấp cơn giận dữ của ba.
Suốt 2 năm qua, tôi dành nhiều thời gian chia sẻ cho gia đình về đam mê mới của mình, kể về những điều tích cực làm thay đổi cuộc sống tôi. Dần dần, ba mẹ không còn phản đối nữa, cũng bởi chính họ thấy rõ nhất sự thay đổi của tôi – một đứa con gái dạn dĩ, tự tin và yêu đời hơn.
Để góp phần xóa bỏ định kiến về môn múa cột, tôi còn làm rất nhiều video chia sẻ và đăng tải mạng xã hội. Đó không chỉ là những video luyện tập, cho thấy bộ môn này “khó nhằn” thế nào, mà còn là những suy nghĩ, góc nhìn của tôi. Thông qua những nội dung mình làm, tôi hy vọng cộng đồng sẽ có cái nhìn tích cực hơn đối với một bộ môn múa cột.
Năm nay, tôi sẽ tốt nghiệp đại học và tìm việc làm nên rất bận rộn. Thế nhưng, tôi nhất định dành thời gian tập luyện ít nhất 3 buổi/tuần. Tôi không nghĩ rằng mình có thể rời xa chiếc cột xoay này.