Trái ngược với lời hứa sẽ kiêu hãnh trở về sau Coachella của hai thành viên Chaewon và Eunchae, LE SSERAFIM đang bị chỉ trích gay gắt. Nhiều khán giả Hàn Quốc thậm chí gọi phần trình diễn của nhóm nhạc là “nỗi xấu hổ”, “thảm họa” của Kpop vì các thần tượng liên tục hụt hơi, hát live kém, điếc tông và thậm chí “không biết hát”.
Khi tranh cãi leo thang, thành viên LE SSERAFIM Sakura đã chia sẻ trên nền tảng giao tiếp với người hâm mộ Weverse: “Màn trình diễn có thể trông non nớt đối với một số người. Tuy nhiên, không ai là hoàn hảo và có một sự thật không thể chối cãi rằng đó là màn trình diễn hay nhất mà chúng tôi đã thể hiện”. Quan điểm của nữ idol càng khiến cô bị chỉ trích dữ dội hơn.
Để giải quyết những ý kiến tiêu cực hiện tại, một số người nhấn mạnh nhóm cần phải “chuộc lỗi” trong buổi biểu diễn thứ hai sắp tới tại Coachella vào ngày 20/4.
Số lượng tăng, chất lượng giảm
Những lời chỉ trích đối với LE SSERAFIM đã lan sang cả công ty quản lý của họ, HYBE Labels. ILLIT, một nhóm nhạc khác mới ra mắt của công ty, cũng đang đối mặt với tranh cãi tương tự về khả năng hát live.
Sau khi chiến thắng trong các chương trình âm nhạc với đĩa đơn đầu tay “Magnetic”, ILLIT đã ăn mừng bằng sân khấu encore, nơi phô diễn chân thật khả năng ca hát của các thần tượng Kpop. Tuy nhiên, phần lớn các thành viên của ILLIT vấp phải sự chỉ trích vì thiếu kỹ năng thanh nhạc.
Nhiều người dùng mạng xã hội đã lên án HYBE Labels, cáo buộc công ty này bỏ bê việc đào tạo cho các thực tập sinh của mình. “Nếu họ tiếp tục cho ra mắt những nhóm nhạc bất tài như thế này, Kpop sẽ sớm lụi tàn”, một người bình luận. Người khác viết: “Thật bất công khi những thần tượng bất tài lại nổi tiếng chỉ vì họ được các công ty khổng lồ hậu thuẫn”.
Nhóm nhạc nữ mới ra mắt ILLIT bị chê bai về khả năng hát live. Ảnh: HYBE Labels. |
Nhiều người cũng chỉ ra thực tế là các idol đang được debut một cách ồ ạt trong thời gian gây đây. Điều này tạo ra khoảng cách về số lượng và chất lượng so với các nhóm nhạc thuộc những thế hệ trước.
Cả LE SSERAFIM và New Jeans trực thuộc HYBE Labels đều được debut vào năm 2022. Hai năm sau, công ty này tiếp tục cho ra mắt nhóm nhạc nữ ILLIT với 5 thành viên. Về nhóm nhạc nam, công ty đã cho ra mắt BOYNEXTDOOR vào năm 2023 và TWS vào đầu năm 2024.
Trong kế hoạch năm 2024, HYBE được cho sẽ tiếp tục ra mắt ít nhất 2-3 nhóm nhạc và mua lại các công ty âm nhạc khác để bổ sung thêm nhiều nghệ sĩ vào đội hình (tức là khoảng 4-5 nghệ sĩ mới/năm).
Những con số này khiến công chúng phải đặt dấu hỏi về chất lượng đào tạo idol của công ty. “Ngành công nghiệp này đang trở nên quá bão hòa. Trước đây, vài năm, các công ty mới cho ra mắt nhóm mới. Còn bây giờ bạn thậm chí còn không biết liệu một nhóm có tồn tại lâu dài hay không vì có vẻ như họ cường điệu bạn lên một phút và chuyển sang nhóm tiếp theo sau vài tháng. Các thần tượng ngày càng trở nên dễ thay thế hơn, đặc biệt là các nữ idol”, một khán giả viết trên forum của All Kpop.
Không chấp nhận thiếu sót
Shin Cho, Giám đốc tiếp thị trong nước và người đứng đầu mảng Kpop và đối tác Nhật Bản, Jpop, tại Warner Music Korea, nói với The New York Times rằng có quá nhiều nhóm nhạc thần tượng gia nhập thị trường trong những năm gần đây nên việc nổi bật ngày càng khó khăn hơn.
Ông Cho nói: “Mọi người đang cạnh tranh lẫn nhau trên thang điểm ‘hoàn hảo’”. Sự hoàn hảo của idol được thể hiện ở mọi khía cạnh, không chỉ riêng giọng hát. Thị trường ngày càng khắt khe và phản ánh chính xác áp lực xã hội bao trùm Hàn Quốc: không chấp nhận thiếu sót.
Nhà phê bình văn hóa Jung Min-jae nói với The Korea Times rằng “những lời chỉ trích quá gay gắt đối với các nghệ sĩ” cũng có thể góp phần tạo ra tình trạng nghiệp dư ở một số thần tượng.
“Cả LE SSERAFIM và ILLIT đều gặp khó khăn khi thể hiện trên sân khấu trực tiếp… Trách nhiệm luyện tập kỹ lưỡng trước khi biểu diễn và đảm bảo khán giả có được trải nghiệm tốt nhất hoàn toàn thuộc về các nghệ sĩ và công ty quản lý của họ. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, người dùng trực tuyến cũng đã quá khắt khe với các ca sĩ”, Jung nói.
LE SSERAFIM biểu diễn tại Coachella 2024. Ảnh: The Los Angeles Times. |
Khoảng 10 năm trước, khán giả bắt đầu chỉ trích những thần tượng hát lỡ nhịp, hát sai nốt bằng cách tạo ra các công cụ xác minh giọng hát. Điều này dẫn đến một xu hướng là các ca sĩ cảnh giác với việc bị soi kỹ năng, dần dần chuyển sang AR (“all recorded” hoặc một ca khúc được thu âm trước bao gồm cả giọng hát) để tránh những lời chỉ trích hát live yếu kém.
Jung giải thích rằng xu hướng này cuối cùng đã tạo ra hiện tượng idol không thể hát live. “Người dùng trực tuyến có trách nhiệm thúc đẩy một môi trường khắc nghiệt ngay từ đầu, và sau đó, các nghệ sĩ đã chọn ‘con đường khác’ thay vì luyện tập biểu diễn trực tiếp, khiến tình hình leo thang. Khi ca sĩ hát live, đương nhiên có thể có sai lệch cao độ hoặc các lỗi khác. Chúng tôi nên xem xét là liệu mình có đang tạo ra bầu không khí căng thẳng và áp lực quá khắt khe đối với các ca sĩ hay không”.