Thông báo chiêu mộ nhân sự không đúng chuẩn tràn ngập các nền tảng MXH. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
“Được nghỉ Chủ Nhật hàng tuần”, “nhận lương đúng hạn”, “làm việc trong môi trường năng động, thăng tiến theo năng lực”… là những gạch đầu dòng trong JD (job description – thông báo tuyển dụng) mà Bích Thảo (26 tuổi, quận 11, TP.HCM) đọc được khi ứng tuyển làm nhân viên chăm sóc khách hàng.
“Tôi không hiểu tại sao đây lại là quyền lợi, trong khi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động chứ?”, Bích Thảo thắc mắc.
Chia sẻ với Tri Thức – ZNews, Bích Thảo cho biết trước đây cô từng làm việc cho một doanh nghiệp lớn, các quyền lợi được chia sẻ trong JD khác hoàn toàn. Với cô, những điều kiện có thể liệt kê vào mục quyền lợi bao gồm như nghỉ phép 16 ngày/năm (nhiều ngày phép hơn quy định nhà nước), được nhận 100% lương trong thời gian thử việc, bảo hiểm sức khỏe cao cấp, thời gian và môi trường làm việc linh hoạt…
Những thông báo tuyển dụng đưa các điều kiện làm việc cơ bản vào mục “quyền lợi” khiến nhân sự hoang mang. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Tương tự Bích Thảo, nhiều nhân sự cũng “dở khóc dở cười”, thậm chí bức xúc khi đọc những JD có phần kỳ lạ, vô lý từ nhà tuyển dụng. Trong mục “quyền lợi” cho nhân viên, nhiều HR liệt kê hàng loạt nghĩa vụ cơ bản mà doanh nghiệp phải chấp hành như đóng bảo hiểm xã hội, nghỉ lễ theo quy định Nhà nước,…
Một số chuyên viên nhân sự cho rằng thông báo tuyển dụng kiểu này không đúng tiêu chuẩn, thể hiện sự tắc trách, thiếu chuyên nghiệp của công ty.
Ứng viên hoang mang
Mới nghỉ việc từ 1 tháng trước, Hồng Ngọc (25 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhận được thông tin tuyển dụng từ người quen. JD khiến cô bất bất ngờ.
Cụ thể, những quyền lợi được liệt kê trong thông báo chiêu mộ nhân sự này bao gồm nghỉ lễ Tết, được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, làm việc trong môi trường trang bị điều hoà và các thiết bị văn phòng.
Hồng Ngọc không nộp hồ sơ ứng tuyển vào các công ty đưa ra thông báo chiêu mộ thiếu chuyên nghiệp. |
Theo Ngọc, đây là những điều kiện tối thiểu mà mỗi người lao động đều được hưởng, không phải phúc lợi gia tăng. Vì vậy, việc doanh nghiệp liệt kê các yếu tố này vào phần quyền lợi khiến cô lo lắng.
“Nếu họ coi những điều kiện cơ bản này là quyền lợi, tôi lo ngại rằng nhân sự không được hưởng các phúc lợi khác”, Hồng Ngọc nói.
Thậm chí, cô gái 25 tuổi còn đọc được một thông báo tuyển dụng đưa nội dung “nhận lương đúng thời hạn” vào mục quyền lợi. Ngọc cho rằng tiêu chí này là điều kiện bắt buộc mà các công ty phải đảm bảo cho người lao động.
Việc đưa ra thông tin chiêu mộ như vậy thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, không nắm rõ Luật Lao động của các doanh nghiệp, bộ phận HR. Khi đọc được các thông báo như trên, Ngọc lập tức liệt kê các công ty này vào danh sách đen, không có ý định ứng tuyển dù lương, thưởng hấp dẫn.
HR lý giải
Thục Anh (31 tuổi, quận 1, TP.HCM), trưởng phòng nhân sự tại một công ty truyền thông, cho biết một JD tiêu chuẩn cần chứa đầy đủ các thông tin về vị trí tuyển dụng, bao gồm nhiệm vụ, điều kiện cần ở ứng viên và nghĩa vụ, quyền lợi mà tổ chức hoặc doanh nghiệp cung cấp.
Theo cô, JD hiện nay thường được các doanh nghiệp viết bằng 2 ngôn ngữ. Tuy nhiên, dù JD bằng ngôn ngữ nào cũng cần được mô tả rành mạch, ngắn gọn, giúp ứng viên hiểu rõ và đầy đủ tính chất công việc, từ đó xác định được định hướng công việc, khả năng gắn bó của họ.
“Với tôi JD là bộ mặt của doanh nghiệp, không thể xuề xòa, thiếu minh bạch”, Thục Anh nhấn mạnh.
Bích Thảo hoang mang trước những JD có phần vô lý, kỳ lạ. |
Theo Thục Anh, dựa trên Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020, các doanh nghiệp cần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Do đó, các đầu mục như “nghỉ lễ theo quy định”, “được đóng BHXH, BHYT”, “trả lương đúng hạn”… nên đưa vào mục “quy chế doanh nghiệp” thay vì “quyền lợi dành cho nhân viên”.
Thục Anh cho rằng quy mô công ty, tính chất công việc khác nhau khiến một số người hiểu lầm giữa “nghĩa vụ doanh nghiệp” và “quyền lợi nhân sự”.
“Nhiều chủ doanh nghiệp có sự so sánh với các nơi làm việc khác, họ cho rằng mình đáp ứng được đầy đủ các yếu tố lương, thưởng, ngày nghỉ cho nhân viên hơn nơi khác nên mặc định đó là quyền lợi”, Thục Anh nói thêm.
Chuyên viên HR Nhi Đoàn (28 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết những thông báo tuyển dụng liệt kê các điều kiện làm việc cơ bản vào mục “quyền lợi” xuất hiện trên khắp mạng xã hội và các nền tảng chiêu mộ nhân sự.
Nhi Đoàn cho rằng những JD trên cho thấy sự tắc trách của bộ phận hành chính – nhân sự, cũng như sự thiếu chuyên nghiệp của một số công ty.
Theo Nhi, một bản hợp đồng lao động tiêu chuẩn cần quy định cụ thể về lịch nghỉ lễ, số giờ làm việc, chế độ bảo hiểm, hình thức, thời hạn trả lương và môi trường làm việc đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động. Đây là những điều kiện cơ bản mà các tổ chức cần cung cấp cho nhân viên, không phải phúc lợi gia tăng.
Thông báo chiêu mộ không đúng tiêu chuẩn thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của các công ty. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tìm cách né tránh quy định này bằng việc ký hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng dịch vụ với người lao động. Những loại hợp đồng trên giúp công ty không phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện làm việc tối thiểu cho nhân sự.
Vì thế, một số HR đã liệt kê những yếu tố vào phần “quyền lợi” trong JD nhằm khẳng định tổ chức sẽ ký hợp đồng lao động chính thức với nhân viên. Song, cách làm trên lại trở thành con dao 2 lưỡi, vô tình khiến các ứng viên lo ngại về mức độ chuyên nghiệp và chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp.
“Tôi thường không đề cập đến những điều kiện làm việc cơ bản trong thông báo tuyển dụng, chỉ liệt kê các phúc lợi hấp dẫn của công ty so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, thể hiện lợi thế cạnh tranh khi chiêu mộ nhân sự”, Nhi Đoàn nói.