Kỹ sư Việt từ bỏ Thung lũng Silicon để theo nghiệp võ sĩ

Hậu Covid-19, Lê Thái Ngân quyết định trở thành một võ sĩ chuyên nghiệp. Cô từ bỏ vị trí quản lý cấp cao tại Adobe, đến Thái Lan để bắt đầu sự nghiệp mới.

Tôi là Lê Thái Ngân, 36 tuổi, một võ sĩ Muay Thái chuyên nghiệp. Năm 9 tuổi, tôi cùng gia đình sang Mỹ định cư. Đến năm 24 tuổi, tôi bắt đầu tập võ thuật. Nhưng chỉ mới cách đây 3 năm, tôi quyết định bỏ lại tất cả, từ cuộc sống và sự nghiệp đang có ở Mỹ, để theo đuổi con đường võ sĩ chuyên nghiệp.

Tôi tốt nghiệp Đại học California (Mỹ) chuyên ngành Phúc lợi xã hội, sau đó làm việc tại Apple với vai trò chuyên viên lưu trữ và phân tích dữ liệu. Sau 6 năm gắn bó, tôi chuyển sang Adobe và đảm nhận vị trí trưởng phòng chương trình chiến lược.

Suốt những năm tháng tuổi trẻ, tôi vừa đi làm vừa tập võ, xem đó như một hình thức tập luyện thể thao, tăng cường sức khỏe.

Nhưng khi Covid-19 ập đến, tôi nhận ra mình không hề cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại – không gia đình, không bạn bè, không võ thuật.

Đó là lúc tôi biết mình cần thay đổi và sống với những gì mình hằng mơ về.

Le Thai Ngan,  Muay Thai,  Thung lung Silicon,  ky su viet,  Adobe,  vo si chuyen nghiep anh 1

Thế nhưng, tôi không thể phát triển sự nghiệp võ sĩ chuyên nghiệp tại Mỹ bởi 2 lý do. Một, nghề võ sĩ không thể kiếm được thu nhập tốt tại xứ cờ hoa và hai, phụ nữ không có nhiều cơ hội để phát triển.

Ngay thời điểm đó, tôi biết để rằng theo đuổi đam mê, tôi cần đến Thái Lan, “vùng đất mẹ” của Muay Thái.

Trước khi lên đường, tôi hình dung về một cuộc sống “màu hồng” ở xứ Chùa Vàng, nơi tôi có thể thỏa sức sống với võ thuật. Tuy nhiên, đó chỉ là những gì tôi tưởng tượng.

Kể từ năm thứ hai và thứ ba sống tại Thái Lan, cuộc sống của tôi bắt đầu gặp rất nhiều khó khăn, có thể nói là rất khắc nghiệt.

Sống một cuộc sống khác sau 33 năm không phải là điều đơn giản. Tôi phải đối mặt với những thay đổi về tinh thần, thể chất và cảm xúc. Nếu một trong ba yếu tố này bị ảnh hưởng, chắc chắn tôi không thể có phong độ tốt nhất.

Trong thi đấu, thắng thua là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những lời nhận xét của khán giả đôi khi vẫn là một đòn chí mạng đối với tôi.

Niềm an ủi lớn nhất của tôi vào thời điểm đó chính là những người bạn thân. Bởi đều là võ sĩ, họ hiểu hơn ai hết những khó khăn của tôi. Chúng tôi thi đấu chung, cùng khóc chung và đổ máu. Có bạn bè bên cạnh là điều tôi biết ơn nhất trong những năm tháng ở xứ Chùa Vàng.

Tôi vừa trở về Việt Nam cách đây một tháng. Với tôi, việc bắt đầu lại ở nơi quê cha đất mẹ chỉ gói gọn trong một chữ “duyên”.

Tháng 1, tôi có một chuyến đi chơi ngắn ngày đến TP.HCM. Tôi nhắn tin cho anh Nguyễn Kế Nhơn, một võ sĩ Muay Thái nổi tiếng, để xin đánh một trận giao hữu.

Nhưng sau khi nghe câu chuyện cũng như tâm tư của tôi, anh Nhơn động viên tôi quay về Việt Nam để phát triển.

Tháng 3, tôi quyết định rời Thái Lan để tới Việt Nam sau 2 năm 9 tháng tập luyện tại CLB Fairtex. Tôi luôn trân trọng khoảng thời gian sinh sống và tập luyện tại xứ Chùa Vàng, nơi tôi có những trận đấu và trải nghiệm không bao giờ có thể quên.

Trước khi rời đi, tôi phát hiện rằng trong số 14 bức ảnh lớn được treo trên tường CLB Fairtex, một cây dây leo đã mọc ra từ bức ảnh chụp tôi, cùng những bông hoa vàng nở rộ.

Tôi coi đó là dấu hiệu của sự phát triển và tái sinh, đặc biệt sau khi đối mặt với quãng thời gian rất khó khăn.

Tôi tin rằng cánh cửa này khép lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra, và đó là về Việt Nam. Việc được tập luyện, trao đổi kinh nghiệm với những đồng nghiệp trẻ, sống và phát triển trên chính quê hương mình là điều khiến tôi rất hạnh phúc.

Trong tương lai, tôi hy vọng mình sẽ đem lại những chiến thắng vẻ vang cho nước nhà với danh nghĩa là một võ sĩ Việt Nam.


Cùng chuyên mục