Cặp đôi dùng ChatGPT để cãi nhau, xin lỗi, làm lành

Nhiều người đang sử dụng ChatGPT nhằm giải quyết mâu thuẫn trong tình yêu. Tuy nhiên, câu trả lời từ AI có thể chủ quan hoặc không thực sự hữu ích.

Chat GPT được nhiều người tận dụng để giải quyết xung đột với người yêu. Ảnh minh họa: Malta Daily,

“Tôi nghi ngờ rằng vợ mình đã dùng ChatGPT để viết lời xin lỗi gửi tôi”, một người chồng chia sẻ trên Reddit. Tuy nhiên, anh không thấy khó chịu mà thậm chí còn cảm thấy đó là lời xin lỗi chân thành và có tâm.

Những người khác lại không mấy hào hứng như vậy. Một người đàn ông chia sẻ trong một bài đăng lan truyền trên Reddit rằng bạn gái của anh thường dùng ChatGPT để bắt đầu trò chuyện ngay cả hai đang ở chung phòng. Điều này khiến anh tự hỏi liệu mình có sai không khi đề nghị cô dừng việc đó.

Dưới đây, HuffPost làm việc với các chuyên gia để hiểu thêm về lợi, hại khi dùng ChatGPT trong yêu đương.

dung ChatGPT tranh luan anh 3

Chat GPT giúp biến lời nói trong cơn nóng giận trở nên dễ nghe hơn. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Dùng ChatGPT khi nóng giận

Baron, 40 tuổi, ở London (Anh), thú nhận sử dụng ChatGPT để giải quyết xung đột với vợ. Anh thường hay hờn dỗi khi tranh luận nên đã thử dùng công cụ này.

Theo Baron, ChatGPT rất giỏi trong việc biến những tin nhắn nóng giận, mang tính khiêu khích hay kích động thành những câu từ nhẹ nhàng, giúp việc giao tiếp ngay lúc đó trở nên dễ dàng hơn.

Cynthia Shaw, nhà tâm lý học làm việc tại New York và New Jersey (Mỹ), cho hay việc các cặp đôi nhờ AI giúp đỡ có thể hữu ích, đặc biệt với những ai không có cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Công nghệ AI như ChatGPT về cơ bản có thể tổng hợp thông tin từ các chuyên gia tâm lý và chuyên mục tư vấn chuyên nghiệp. Ví dụ: Với câu hỏi về việc phân chia công việc nhà, trợ lý ảo này có thể gợi ý người chồng cho vợ thấy rằng anh hiểu yêu cầu của cô nhưng đồng thời hãy giải thích rằng mình cảm thấy áp lực khi phải làm nhiều việc liên tiếp.

Vậy, dùng AI để tìm cách ứng xử trong các cuộc tranh luận có công bằng không? Shaw cho rằng điều này phụ thuộc vào mục đích sử dụng.

Nếu chỉ dùng AI để tạo ra lời xin lỗi “hoàn hảo” thì chúng ta có thể trông khá hời hợt. Nhưng dùng để học cách lắng nghe và giao tiếp tốt hơn thì lại cho thấy sự chân thành và mong muốn cải thiện giao tiếp trong tương lai. Baron, người thường xuyên sử dụng ChatGPT, đồng ý với quan điểm này.

“Nếu dùng ChatGPT chỉ để thắng một cuộc tranh cãi, trừ khi vì mục đích vui vẻ, thì vấn đề lớn hơn có thể nằm ở người đó. Tranh luận là để giải quyết vấn đề, không phải để thắng hay thua”, anh nói.

dung ChatGPT tranh luan anh 4

Dùng các công cụ hỗ trợ AI trong yêu đương có hợp lý hay không còn phụ thuộc vào động cơ người dùng. Ảnh minh họa: Raona.

Khi tranh cãi căng thẳng, cảm xúc có thể làm lu mờ lý trí, khiến việc giao tiếp một cách bình tĩnh trở nên khó khăn. Janet Bayramyan, chuyên gia trị liệu chấn thương ở Los Angeles, cho rằng ChatGPT có thể giúp hạ nhiệt những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ bằng cách gợi ý cách nói chuyện nhẹ nhàng hơn.

“Đối với những người gặp khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ một cách rõ ràng hoặc xu hướng nói chuyện dễ gây thêm căng thẳng, ChatGPT có thể đề xuất các cách diễn đạt khác phù hợp hơn”, bà Bayramyan chia sẻ.

Ngoài ra, một số người sợ xung đột và trở nên lúng túng, né tránh vì không biết cách xử lý. Bayramyan cho biết, với những cá nhân như vậy, ChatGPT có thể cung cấp một không gian không phán xét để tập dượt các cuộc trò chuyện hoặc xử lý cảm xúc, giúp họ tự tin hơn khi giao tiếp trong thực tế.

Theo Shaw, một lợi ích khác là khi nói chuyện với công cụ trí tuệ nhân tạo, người dùng không cảm thấy bị phán xét. Do đó, họ dễ dàng lắng nghe và chấp nhận các ý kiến khác mà không bị chỉ trích hay phải bảo vệ lập trường của mình.

dung ChatGPT tranh luan anh 7

Dùng AI nhiều có thể khiến nửa kia cảm thấy bị lừa dối. Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels.

Khuyết điểm của AI

Melanie McNally, nhà tâm lý học ở Illinois (Mỹ), lo ngại rằng khi sử dụng ChatGPT, chúng ta vẫn không có được câu trả lời rõ ràng như ý.

Nguyên nhân là mọi người thường đưa ra câu hỏi dựa trên quan điểm riêng nên câu trả lời cũng có thể trở nên thiên lệch.

ChatGPT sẽ không chỉ ra vai trò của người dùng trong mâu thuẫn hay giúp họ hiểu quan điểm của đối phương trừ khi được yêu cầu.

“Nếu bạn đang xin lỗi, ChatGPT không thể thay bạn thể hiện sự ăn năn thật sự”, cô nói.

McNally giải thích rằng khi dùng ChatGPT để giải quyết mâu thuẫn, mọi người có thể bỏ lỡ một cơ hội lớn để thấu hiểu thêm về người yêu cũng như chính bản thân và cách kiểm soát cảm xúc của mình.

Các cuộc tranh cãi có thể phức tạp và đòi hỏi phải hiểu được ngôn ngữ cơ thể, quan điểm và hoàn cảnh của người kia cùng nhiều yếu tố khác. Hãy nhớ rằng ChatGPT không thể làm những điều đó thay chúng ta.

Đặc biệt, ChatGPT có thể hữu ích với những người neurodivergent (người có chức năng và vận hành não bộ khác biệt) vì họ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ cơ thể, nhận diện tín hiệu phi ngôn ngữ hoặc đồng cảm với cảm xúc của người khác.

dung ChatGPT tranh luan anh 8

ChatGPT là nền tảng hữu dụng với những ai gặp khó khăn trong giao tiếp. Ảnh minh họa: Kaboompics.com/Pexels.

Baron chia sẻ: “Một trong những lý do ChatGPT hữu ích với vợ chồng tôi là vì cả hai đều thuộc nhóm neurodivergent. Tôi bị ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) và vợ tôi bị Asperger, nên việc giao tiếp đôi khi khá khó khăn”

Bayramyan khuyên rằng nếu muốn sử dụng AI để giúp xử lý cảm xúc, hãy tự hỏi bản thân những câu như: “Mình thật sự bực bội vì điều gì? Mình cần gì từ đối tác? Mình muốn truyền đạt điều gì?”

Dù ChatGPT có thể đưa ra những gợi ý hữu ích, chúng ta vẫn phải tự làm việc với cảm xúc của mình. “Giao tiếp chân thành đòi hỏi mọi người cởi mở, tinh thần tham gia tích cực và sẵn sàng thể hiện cảm xúc thật. Hãy để ChatGPT giúp phần chuẩn bị, nhưng phần quan trọng nhất vẫn là sự tương tác giữa bạn và nửa kia”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với việc dùng ChatGPT khi tranh cãi. Một số người cho rằng đó là cách lảng tránh việc tự giải quyết cảm xúc.

Natalie Grierson, cố vấn sức khỏe tâm thần tại Ohio (Mỹ), cho biết cô hiểu được quan điểm này. Nếu ai đó không nói cho đối phương biết rằng họ đã dùng ChatGPT khi tranh cãi, người kia có thể cảm thấy bị lừa dối và phản bội.

Ngoài ra, điều này có thể làm mất đi sự chân thành vốn là yếu tố quan trọng khi giải quyết mâu thuẫn. Nếu người yêu dùng AI để xin lỗi hoặc thể hiện sự đồng cảm, họ có thể bị coi là giả tạo hoặc lạnh lùng.

  • Quế Anh lao đao vì váy áo sexy

    Quế Anh gây tranh cãi khi chọn trang phục cắt xẻ hoặc xuyên thấu táo bạo trong các hoạt động tại Miss Grand International 2024.

  • Kỳ Duyên bị phản ứng

    Hoa hậu Kỳ Duyên gây tranh cãi khi trả lời bình luận của khán giả bằng thái độ căng thẳng.


Cùng chuyên mục