Ly hôn trở thành dịp để ăn mừng mới của nhiều người. Đồ họa: Sandi Falconer/Vox. |
Khi nhắc đến đám cưới, chúng ta thường nghĩ đến những bữa tiệc linh đình và quà tặng cho đôi uyên ương. Trong khi đó, ly hôn, một sự kiện cũng rất căng thẳng về tinh thần và tài chính, lại thiếu vắng sự quan tâm tương tự.
Tuy nhiên, xu hướng này đang dần thay đổi. Nhiều người bắt đầu tổ chức tiệc ly hôn, lập danh sách quà tặng ly hôn và thậm chí đi “du lịch mừng ly hôn” (divorcemoon), trái ngược với tuần trăng mật (honeymoon).
Bên cạnh mở rộng quy mô của ngành công nghiệp cưới trị giá 70 tỷ USD sang lĩnh vực ly hôn, những nghi thức mới này còn giúp những người mới trải qua tan vỡ có thể bắt đầu lại từ đầu một cách nhẹ nhàng hơn. Bởi thực tế, ly hôn lại chính là lúc cần sự giúp đỡ và động viên nhiều nhất, theo Vox.
Không ít người sẵn sàng chi tiền để tổ chức những bữa tiệc ăn mừng ly hôn. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels. |
Xu hướng tiệc mừng ly hôn
Savanna Pruitt (26 tuổi), đang làm trong ngành tiếp thị số (digital marketing), ly hôn đúng lúc người bạn thân sắp lên xe hoa. Cả hai quyết định kết hợp cả tiệc độc thân và tiệc ly hôn trong một kỳ nghỉ cuối tuần ở biển. Chuyến đi tiêu tốn của hai người khoảng 500 USD.
Trong khi đó, Marina Hoffmann (49 tuổi) đã tổ chức tiệc ly hôn mang tên “Chương mới” (Next chapter) tại địa điểm mà cô cưới 15 năm trước.
Chuyên viên PR dùng lại nhà tổ chức sự kiện, người làm bánh và mời (bằng thiệp mời giấy đúng chuẩn) nhiều vị khách từng dự đám cưới của cô. Cô chi khoảng 25.000-30.000 USD cho bữa tiệc ly hôn hoành tráng này, với 100 người tham dự.
Christine Gallagher, cựu chuyên gia tổ chức tiệc ly hôn và tác giả của cuốn The Divorce Party Handbook (tạm dịch: Sổ tay Tổ chức Tiệc Ly hôn), cho biết hiện có nhiều người làm trong ngành tổ chức tiệc ly hôn hơn thời điểm bà mới làm.
Trong sự nghiệp của mình, Gallagher đã tổ chức khoảng 450 tiệc ly hôn. Nhiều khách hàng đặc biệt thích chủ đề sinh tồn theo phong cách chương trình truyền hình Survivor.
Gallagher mới chỉ gặp một bữa tiệc ly hôn không thành công vì nó được tổ chức bất ngờ. Ảnh: Joe Schmelzer/The Guardian. |
Tuy nhiên, không phải tiệc nào cũng vui nhộn. Có những buổi lễ mang tính trang nghiêm hơn, như nghi thức chôn nhẫn cưới trong quan tài mini. Thực hiện một nghi thức để đánh dấu việc khép lại một chương trong đời là điều cần thiết với nhiều người.
“Với hầu hết sự kiện lớn trong đời, chúng ta cần một nghi lễ công khai nào đó. Đó là cách để bạn bè, người thân xung quanh giúp chúng ta vượt qua giai đoạn chuyển tiếp, và điều này là một nhu cầu rất tự nhiên của con người”, bà chia sẻ.
Olivia Dreizen Howell (phải) và em gái Genevieve Dreizen. Ảnh: Fresh Starts Registry. |
Quà tặng ly hôn
Riêng tại Mỹ, khoảng 40% cuộc hôn nhân đầu tiên kết thúc bằng ly hôn. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở cuộc hôn nhân thứ hai hay thứ ba.
Olivia Dreizen Howell và em gái Genevieve Dreizen sáng lập Fresh Starts Registry vào năm 2021 sau khi cả hai trải qua mối quan hệ tan vỡ. Howell ly hôn vào năm 2019, còn Dreizen thì chia tay hôn phu vào giữa năm 2021.
Qua trải nghiệm cá nhân, họ nhận thấy rằng sau ly hôn, nhiều người cần trợ giúp thực tế để có thể bắt đầu lại cuộc sống.
Doanh nghiệp của cặp chị em cung cấp các “gói ly hôn”, gồm danh sách các sản phẩm thiết yếu, từ khăn trải giường đến dụng cụ nhà bếp, giúp người dùng “sang trang mới” dễ dàng hơn.
Nguồn doanh thu chính của công ty đến từ việc kết nối khách hàng với đội ngũ chuyên gia đã qua thẩm định, từ luật sư, chuyên gia tư vấn, nhà trị liệu cho đến thợ làm tóc. Những người này trả phí 55 USD/tháng để được liệt kê trên Fresh Starts Registry.
Hiện tại, trang web có khoảng 120 chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ khách hàng ổn định cuộc sống hậu ly hôn, từ các thủ tục tài chính như tách tài khoản ngân hàng, đến những nhu cầu tinh thần như trị liệu tâm lý.
Nhiều người tìm đến các gói quà tặng ly hôn để bắt đầu cuộc sống mới dễ dàng hơn. Ảnh minh họa: Kaboompics/Pexels. |
Ban đầu, khái niệm danh sách quà tặng ly hôn khá xa lạ với Scarlett Longstreet (36 tuổi, Mỹ), nhưng giờ đây, nhà văn kiêm influencer này lại rất hợp lý về mặt thực tế, đặc biệt với những phụ huynh đơn thân.
“Khi cưới, chúng tôi được tặng rất nhiều quà, nhưng lúc đó tôi đâu có 3 đứa con gái cần chăm sóc như bây giờ”, cô tâm sự. Sau khi ly dị, cô chọn không mang nhiều đồ từ ngôi nhà mà cô từng chung sống với chồng cũ. Hơn nữa, cô muốn có khởi đầu mới.
Longstreet khuyên rằng mọi người nên nghĩ đến việc lập danh sách quà tặng khi ly hôn, vì đây là cách để bạn bè và người thân có thể giúp đỡ họ trong thời gian khó khăn.
Chuyện ly hôn vẫn được nhiều người xem là chuyện buồn bã và không nên được ăn mừng. Ảnh minh họa: LoveLocker. |
Định kiến tiêu cực
Những người được Vox phỏng vấn đều từng bị chỉ trích vì công khai chuyện ly hôn.
Xã hội dường như mong người ly hôn phải luôn tỏ ra buồn bã và xấu hổ, nếu không sẽ bị cho là thiếu tế nhị, thậm chí vô ơn với những vị khách từng tham dự trong đám cưới trước đây.
Longstreet thường xuyên bị chê là kém duyên và bị cho là đang phơi bày chuyện riêng tư. Trong khi đó, Gallagher cũng đọc được nhiều bình luận trên mạng chỉ trích tiệc ly hôn là thứ đang phá hoại nước Mỹ.
Do đó, người ly hôn thường e ngại khi nhờ người khác giúp đỡ. Chẳng hạn, phần lớn khách mời không mấy bận tâm khi thấy vài món quà xa xỉ trong danh sách quà cưới mà cặp uyên ương muốn được nhận. Nhưng Longstreet nhớ lại cảm giác ngại ngùng, lo rằng mọi người sẽ bàn tán gì nếu cô không chỉ liệt kê những món cần thiết và hợp túi tiền trong danh sách quà ly hôn muốn được nhận.
Hiện ngành công nghiệp ly hôn vẫn còn hạn chế về quy mô. Nhưng những người ly hôn đang dần học hỏi từ chính việc kết hôn. Đó là tìm kiếm niềm vui hoặc sự nhẹ nhõm qua bữa tiệc ly hôn là điều chấp nhận được, và không sao cả nếu bạn mong đợi những người thân yêu ở bên mình dịp này. Kết thúc một cuộc hôn nhân không đồng nghĩa thất bại.